rêu đá là đặc sản chỉ có ở vùng Tây Bắc, thường mọc bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Rêu được chia thành 3 nhóm: “cui”, loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm; “cay”, loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh và “tau”, loại rêu mọc thành từng mảng ở sông Đà, ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá như các loại rêu kia, khi thu lượm người ta thường dùng thanh tre gạt rêu vào rổ. Từ những đám rêu bám vào gờ đá nơi lòng suối, người
thái chế biến thành nhiều
món ngon hấp dẫn bằng cách xào, hấp, luộc hay nướng.
|
Trước khi chế biến rêu đá phải đập dập để loại bỏ tạp chất. Ảnh: xuhuongdulich |
Rêu đá mọc theo mùa từ tháng 9, 10 âm lịch đến hết tháng 5. Các bờ suối quanh khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ, (Yên Bái), Tuần Giáo, Mường Chà (Điện Biên) và sông Đà ở Lai Châu có rêu đá tươi non nổi tiếng. Không người chăm cấy nhưng năm nào cũng vậy, rêu tự mọc lên từ tất cả các hòn đá trong suối như một quy luật tự nhiên. Để rồi vào những ngày nắng ấm, các cô gái Thái rủ nhau đi lấy rêu đem về chế biến thành món ăn truyền thống của dân tộc.
Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó đơn giản nhất là canh rêu đá. Trước khi chế biến rêu được đặt trên thớt hoặc hòn đá có mặt phẳng, dùng chày gỗ đập nhiều lần cho nát hết tạp chất bám trên rêu, rồi rửa sạch để không còn cát sạn. Sau đó rêu được cắt thành từng đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm đến khi chín tới sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn. Lên các bản người Thái, thưởng thức bát canh rêu đá nóng hổi trong tiết trời se lạnh mới thấy cái thú ẩm thực độc đáo của vùng cao Tây Bắc.
|
Rêu nướng trên than hồng có hương thơm phức. Ảnh: hoangsa.org |
Với những mẻ rêu non người Thái thường dùng để chế biến nộm. Sau khi rửa sạch rêu cho vào chõ đồ cho chín tới rồi trộn cùng súp, mì chính và các gia vị như gừng, mùi, “mắc khén” (hạt tiêu rừng). Người thích ăn cay có thể cho thêm ớt nướng giã nhỏ. Ở Tuần Giáo, Mường Chà (Điện Biên), rêu lấy từ dòng Nậm Mức, Nậm Mu còn được làm nộm sống, ăn rất giòn và đằm vị.
So với hấp, luộc hay xào, rêu nướng vẫn là thơm ngon nhất. Người Thái có thể dùng rêu nướng không với các loại dong, lá chuối hoặc nướng cùng cá suối, thịt lợn, thịt gà và ớt. Đơn giản và hợp khẩu vị của nhiều người là món rêu nướng trên than hồng. Chọn loại rêu dài bằng ngón tay trộn cùng muối, ớt, rau mùi, hành, sả, “mắc khén” bọc trong lá chuối đã được hơ nóng cho mềm và tránh rách, rồi nướng trên than hồng cho tới khi xém lớp lá bên ngoài.
|
Rêu đá nướng giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt. Ảnh: ttvnol |
Nhiều nơi còn dùng ống nứa non thay lá chuối nên rêu nướng có vị ngọt đặc trưng. Sau khi nướng rêu đá mỏng tang, giòn, và thơm ngon hết sảy. Người ăn chơi nhấm nháp rêu đá nướng với rượu sán lùng, người dùng bừa lại ăn kèm rêu đá nướng với xôi đồ thơm phức. Theo kinh nghiệm dân gian, rêu đá nướng giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và nhiều chứng bệnh mãn tính khác.
Rêu đá sau khi hái có thể bảo quản tươi được từ 2 - 3 ngày. Tuy nhiên là món đặc sản chỉ có theo mùa nên nhiều gia đình thường lấy rêu non về phơi khô để dành ăn dần hoặc dùng trong các dịp trọng đại như cưới hỏi, lên nhà mới hay lễ hội. Cũng vì số lượng có hạn nên rêu đá thường chỉ đủ dùng trong nhà mà không rao bán. Do đó, nếu muốn thưởng thức đặc sản dân dã có một không hai này, buộc lòng bạn phải "vi hành" một chuyến lên Tây Bắc.
Kim Anh