Sakya là tu viện chính của giáo phái Sakyapa trong Phật giáo Tây Tạng, được thành lập vào thế kỷ 11. Ban đầu, Sakya bao gồm tu viện phía Bắc và tu viện phía Nam.
Đường vào tu viện. Ảnh: Hồng Ngọc. |
Ngôi đền hiện nay các du khách thường thấy là đền Nam, nó được thiết kế theo bố cục thành lũy. Bao quanh ngôi đền là bức tường rất cao, ở giữa là Phật điện, thành phố và đền đài đan xen. Vì là thành trì của chính quyền Sakya nên ngôi đền Nam Sakya hoàn toàn khác với ngôi đền Phật giáo ở đất Tạng trước đó.
Bát Tư Ba – vị quốc sư người Tây Tạng của triều Nguyên đã dốc toàn bộ của cải vào việc xây dựng đền Nam Sakya này. Công trình kéo dài suốt hơn 20 năm mới hoàn tất, bắt đầu từ nhiệm kỳ bản khâm thứ nhất do đại sư Shakya Zangpo cho đến đời bản khâm thứ 3. Bát Tư Ba qua đời khi ngôi đền vẫn chưa được xây cất xong.
Đền Bắc Sakya nằm trên lưng chừng núi Benbo đã bị phá hủy vào thời Cách mạng văn hóa, đến nay chỉ còn tàn tích.
Sakya nhìn từ trên đồi. Ảnh: Hồng Ngọc. |
Tuy nói Nam Sakya là một ngôi đền nhưng kiến trúc của nó chẳng khác nào một thành trì được canh giữ cẩn mật. Điện chính Lakhang Chenmo vô cùng nguy nga lộng lẫy với sức chứa cả 10.000 tăng sĩ ngồi thiền cùng một lúc. Trong 40 trụ đỡ khổng lồ cho mái nhà, có 4 cột có đường kính một mét. Bên trong chính điện là tượng của 3 người đã sáng lập ra phái Sakya, gồm Khon Konchog Gyalpo, Kunga Nyingpo (con trai của Konchog Gyalpo) và Dragpa Gyaltsen.
Những hình vẽ tuyệt đẹp của Sakya do kiến trúc sư người Nepal tên là Anigo hoàn thành. Anigo là kiến trúc sư nước ngoài duy nhất được sử sách Trung Quốc vinh danh. Chính Anigo đã được Bát Tư Ba tiến cử cho Hốt Tất Liệt và rất được trọng dụng. Công trình nổi tiếng nhất của Anigo là tháp Trắng – tòa tháp Phật duy nhất ở Bắc Kinh.
Ngoài ra, tu viện còn sở hữu 21 tập kinh Phật viết trên lá Pattra bằng tiếng Phạn. Mỗi tập gồm 100-200 trang và minh họa bốn màu. Tất cả đều là những tài liệu kinh điển quý giá nhất trên thế giới. Do đó, Sakya còn được coi là Thư viện Phật giáo kinh điển Tây Tạng.
Tài liệu quý trong tu viện. Ảnh: Hồng Ngọc. |
Vào tu viện sakya , bạn không được chụp ảnh ở bên trong đền mà chỉ được chụp ở các vòng thành trì, cổng bên ngoài, vì mục đích bảo tồn các tượng Phật, tài liệu quý giá. Khi vào tu viện, bạn hãy tản bộ thật chậm, ngắm nhìn những pho tượng của 3 người sáng lập ra giáo phái, những văn tịch, chiếu thư… để cùng hồi tưởng lại bánh xe của quá khứ và một thời huy hoàng, rực rỡ của Sakya.
Ảnh tu viện Sakya
Hồng Ngọc