728 x 90

Múa rối cạn hút khách ở Thái Nguyên

Múa rối cạn hút khách ở Thái Nguyên
Về Thẩm Rộc, Định Hóa, Thái Nguyên, du khách có thể vừa xem múa rối Tày, vừa tham gia chế tác con rối làm kỷ niệm cho chuyến du lịch đến “thủ đô gió ngàn”.
CanhDep.net

Tuy không phổ biến như múa rối nước nhưng những màn múa rối trên cạn vẫn có sức hấp dẫn riêng. Khác với những con rối giật dây, rối cạn của người Tày ở thẩm rộc là loại hình rối que. Nhờ loại hình nghệ thuật độc đáo này mà cái tên Thẩm Rộc được nhiều nguời biết đến. Về xã Bình Yên, huyện Định Hóa, thái nguyên hỏi đường đến thôn “múa rối”, chắc chắn ai cũng biết.

Múa rối cạn hút khách ở thái nguyên

Múa rối que đã gắn với người Tày ở Thẩm Rộc, Định Hóa, Thái Nguyên trên 200 năm. Ảnh: wiki

Xem múa rối que

Gọi là rối que vì phần lớn các con rối ở Thẩm Rộc đều được điều khiển bằng những thanh tre gắn vào thân, đầu, tay và chân của nhân vật. Trong khi các nam giới đảm nhận vai trò điều khiển rối, thì phái nữ trong thôn sẽ cất cao giọng hát và đọc lời thoại cho nhân vật. Đôi khi có người phải thủ đến ba bốn vai một lúc.

Dụng cụ biểu diễn rối que rất đơn giản, gồm một tấm phông căng lên làm sân khấu, một bộ rối khoảng 13 con, thêm chiếc đàn tính, cây sáo và một vài bài giáo. Tất cả hòa quyện tạo nên một vở kịch độc đáo, hấp dẫn người xem.

Bằng những động tác đơn giản nhưng thuần thục những tiết mục múa rối đã thể hiện khá sinh động cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân như làm ruộng, leo cây... 

Không ít người tròn mắt, ngạc nhiên khi được xem những con rối trong vai người nông dân ngồi nghỉ bên gốc cây, tay cầm điếu cày, tay nhồi thuốc. Sau tiếng rít dài, khói từ miệng rối nhả ra y như đang hút thuốc lào thật. Một lần được chứng kiến, bất kể ai cũng phải tấm tắc khen đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Thẩm Rộc, đã biến hóa những khúc gỗ thô kệch, đơn sơ trở nên linh hoạt và sống động lạ thường.

Múa rối cạn hút khách ở thái nguyên

Đồ nghề giản đơn nhưng nghệ nhân múa rối que làm hàng nghìn người mê mẩn. Ảnh: baothainguyen

Trước đây, một buổi biểu diễn rối Tày truyền thống gồm 8 trò, theo trình tự “tiền ổi hậu ca”, trước là để giới thiệu về phường rối và ổn định trật tự, sau là các trò biểu diễn nên thường kéo dài nửa buổi. Ngày nay, rối cạn Thẩm Rộc được rút ngắn lại, chủ yếu mục đích mua vui cho người dân trong vùng.

Tuy nhiên không thể thiếu tiết mục khép màn là trò người leo cây bắt tắc kè. Đây cũng là cách thể hiện ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Bởi theo quan niệm dân gian, tắc kè có khả năng dự báo thời tiết rất chính xác, giúp con người đối phó kịp thời, mùa vụ bội thu.

Rối cạn thường được người Tày biểu diễn vào dịp đầu năm, trong ngày lễ Lồng tồng. Các màn trò rối nổi tiếng nhất, đậm đà bản sắc văn hóa Tày là màn rối Tắc kè - Pú Cấy và màn rối Hội xuống đồng.

“Mục sở thị” các nghệ nhân làm rối cạn

Nét độc đáo của rối Tày Thẩm Rộc cũng xuất phát từ cách thức làm ra con rối. Vật liệu làm rối thường bằng gỗ cây "thừng mực" - một loại cây thân gỗ phổ biến ở miền núi, vừa dễ chế tác lại không bị mối mọt. Các con rối chủ yếu mô phỏng hình ảnh vua quan, lão nông, muông thú.

Múa rối cạn hút khách ở thái nguyên

Con rối Thẩm Rộc được làm từ gỗ thừng mực. Ảnh: skds

Để tạo ra một con rối cỡ trung bình, các nghệ nhân cần thời gian từ hai đến ba ngày, trải qua các công đoạn như lựa chọn chất liệu, tạo hình bằng tay, phơi khô, sơn mầu và may quần áo cho nhân vật.

Dù nghề rối ở Thẩm Rộc đã trải qua 13 đời nhưng nơi đây vẫn còn giữ được 33 con rối 200 năm tuổi. Theo tục lệ dân tộc Tày ở Định Hóa, những quân rối cổ xưa được xem là “ma” nên phải thờ cúng và chôn theo khi người trong phường rối mất đi.

Ngày nay, bằng sự say mê với trò chơi dân gian truyền thống, nhiều nguời ở Thẩm Rộc đã sáng tạo ra nhiều con rối mới theo phong cách riêng. Bởi vậy nếu có dịp ghé qua, đừng ngại ngùng ngỏ ý với người dân Thẩm Rộc, thử tự làm một con rối cho riêng mình. Đây cũng là cách bạn giữ kỷ niệm cho chuyến đi Định Hóa.

Vy An