728 x 90

Kỳ 2: Câu chuyện dọc đường lên Tây Bắc

Kỳ 2: Câu chuyện dọc đường lên Tây Bắc
Quán đã ngưng bán nhưng người phụ nữ đứng tuổi vẫn nấu cho chúng tôi một “núi” đồ ăn chỉ với 30.000 đồng một người: một đĩa đầy đậu hũ chiên, những lát thịt ba...
CanhDep.net

Quán đã ngưng bán nhưng người phụ nữ đứng tuổi vẫn nấu cho chúng tôi một “núi” đồ ăn chỉ với 30.000 đồng một người: một đĩa đầy đậu hũ chiên, những lát thịt ba rọi quyện trong nước sốt cà chua và hành tây kèm theo một ít tỏi, một đĩa khổ hoa xào cực kỳ đắng và một tô canh cua đồng nấu rau xanh.

Người chồng mời chúng tôi uống bia Hà Nội với đá và kể cho chúng tôi nghe chuyện ông đã từng huấn luyện ngựa làm việc trong thời chiến. Chúng tôi làm vài hơi thuốc lào đựng trong điếu cày, hớp vài ngụm trà và xỉa răng sau khi ăn xong. Người phụ nữ kéo cái điếu cày về phía mình và hít một hơi thật dài trong khi chúng tôi chuẩn bị khăn gói, chào tạm biệt và lên đường.

Chúng tôi đã cách xa thành phố khoảng 4 giờ lái xe và đang đi vào sâu trong núi nơi có những con đường đất tuyệt đẹp mà tôi đã muốn đi qua – nhưng bị phủ đầy bởi những hàng phân bò nối tiếp nhau – không còn cách nào khác, tôi đành phải nhanh chóng rẽ trái đi lên một con đường sình lầy mà có vẻ như sẽ đưa tôi tới một ngôi chùa nằm trên đỉnh núi nhìn bao quát cả vùng này.
Kỳ 2 câu chuyện dọc đường lên tây bắc
 

Ngôi làng nhỏ thật đẹp – những hàng ruộng bậc thang, những con đường đất và những ngôi nhà xây bằng cây và đất sét trông giống như những lát bánh xếp chồng lên nhau – và tất cả đều yên lặng như chốn không người.

Không thấy có con đường nào lái xe thẳng tới ngôi chùa nhưng cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy một lối đi bộ có bậc thang dẫn lên đỉnh núi. Đậu xe gần đó, chúng tôi tranh thủ ‘giải quyết' ngay bên vệ đường. Tiếng trẻ con cười đùa cùng với tiếng chó sủa đã phá tan không khí yên lặng ban nãy.

Ngay lập tức, bọn trẻ đứng bên kia đường hét thật to “hello” kèm theo những tiếng gì đó khó hiểu. Khi chúng tôi đi được nửa đường là lúc vẻ đẹp của ngôi làng bên cạnh xa lộ hiện ra. Dường như toàn bộ già trẻ trong làng đã chạy ra hai bên vách núi và hét to lên điều gì đó với nhau và với chúng tôi.

Mọi thứ trở nên lắng xuống khi chúng tôi lên đến đỉnh núi. Một người phụ nữ lớn tuổi mặc áo tím đã đi một đoạn đường vài trăm mét từ nhà mình dưới đường làng lên đến đầu bậc thang và tiếp tục đi lên.

Bác ấy giữ chìa khóa mở cửa chùa. Trong lúc bác ấy đang xoay ổ khóa thì một gã tên Tâm, chẳng biết từ đâu chui ra, dừng xe máy trước mặt chúng tôi. Anh ta tầm khoảng 40, mặc chiếc áo thun ba lỗ để lộ ra khoảng ngực và cánh tay in đầy những hình xăm lạ lùng. Câu đầu tiên anh ta nói:

“ Các anh ở đây bao lâu? Các anh có thể tá túc ở nhà tôi.”

Tâm cho chúng tôi biết anh đã từng là một kẻ buôn ma túy, phạm tội và ở tù trong suốt 20 năm cho đến khi anh gặp người phụ nữ lớn tuổi này và ngôi chùa mà anh đã giúp bà trông coi.

“Ở làng này ai cũng biết tôi cả”, Tâm nói, “Vợ và con tôi đều rất hạnh phúc và cả làng rất hạnh phúc.”

Anh đưa cho chúng tôi vài nén nhang và cả bốn người chúng tôi đều đốt ba nén nhang linh thiêng và cắm chúng trên cái bát đặt trước bàn thờ đầy màu sắc.

“Tôi chẳng bao giờ biết mình có cầu nguyện đúng nghi thức không”, Olof nói khi cả hai chúng tôi bước ra khỏi cửa. “Làm sao cầu nguyện cho đúng?”

Tôi dịch lại câu nói của Olof và Tâm trả lời ngay:

“Anh không thể nào làm sai được. Mọi cách cầu nguyện đều đúng cả”.
Kỳ 2 câu chuyện dọc đường lên tây bắc
 

…chúng tôi quay trở lại chân núi…

Khi chúng tôi nói lời chào tạm biệt, anh chàng quy y Phật kiên quyết dẫn đường cho chúng tôi ra lại xa lộ và tại đây chúng tôi đã bắt tay hết lượt này tới lượt khác cho đến khi không còn ai – bao gồm cả những cô bé học sinh cười khúc khích đang chỉ tay về phía chúng tôi từ xe bán nước mía bên đường – có thể chịu đựng được nữa.

Vì trước đó chúng tôi đã thề là sẽ dừng lại ở chùa và quán nước mía nhiều nhất có thể trong suốt chuyến đi, nên không lâu sau đó chúng tôi lại tấp vào một cái bàn gỗ với vài chiếc ghế nhựa được che phủ bởi một tấm bạt phía trên, bên cạnh là một ngôi nhà có mảnh vườn nhỏ và chiếc xe nước mía được đặt ngay trước nhà. Con đường nhỏ dần và mọi thứ bắt đầu trở nên gập ghềnh, hiểm trở và quanh co hơn.

Sẽ là dối lòng nếu như tôi không nói rằng cô gái đang xay nước mía trong bộ đồ màu hồng ôm sát cơ thể hấp dẫn không thua gì xe nước mía cũ kỹ. Cô có một khuôn mặt thân thiện ngượng ngùng đến mức không thể nở một nụ cười tươi nhưng không hề mất đi sự mời gọi ẩn ý.  Chúng tôi gọi hai ly nước mía.

“4.000 đồng”, cô nói, như để đảm bảo mọi thứ được rõ ràng. Trong khi đó tôi lại tưởng ý của cô là mỗi ly.

Cô ấy bước đi chậm rãi – một vẻ lười biếng duyên dáng – về phía sau vườn và chặt 3 cây mía cao khoảng 3m. Đột nhiên, một người đàn ông cởi trần tóc hoa râm xuất hiện đặt những cái ly xuống bàn. Ông ấy mặc quần đùi và đi chân đất.

“Chào đồng chí”, ông ấy nói. Đồng chí… tiếng gọi ấy mới đẹp làm sao!

“Hai anh đợi một chút nhé”, cô gái nói, trong khi bào vỏ mía bằng một con dao bào chuyên dụng thuộc hàng cổ. “Cái máy bị hỏng rồi nên em phải bào bằng tay”, cô than vãn.

Tội nghiệp cô gái! Cây mía đó không dễ ép chút nào với cái máy bị hỏng. Chúng tôi để cô ấy vận hành cái bánh quay chết tiệt để ép nữa ly nước mía đầu tiên, nhưng sau đó Olof và tôi đã thay phiên nhau xay nước mía (giống như tất cả các công việc đơn giản mà những người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé vẫn làm, với chúng tôi đó là một nhiệm vụ hết sức nặng nhọc và mất sức). Người đàn ông rời khỏi, cô gái nở một nụ cười bí hiểm và chúng tôi chụp lại cái cảnh hài hước này.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với người đàn ông mà cô gọi là bác và biết được rằng ông ấy đã từng có những chuyến đi phượt và lang thang một mình trước đây.

“Bác em khỏe lắm”, cô gái nói. “ Rất khỏe. Bác ấy chạy xe đạp từ Thanh Hóa đến đây”.

Khuôn mặt người đàn ông bừng sáng với nụ cười tươi.

“500 cây số!”, cô gái nói.

“10 ngày”, ông nói.

“Với ai?”, tôi hỏi.

“Một mình!”, ông bật cười.

“Để phục vụ chiến tranh?”

“Không phải, cho vui ấy mà, tập thể dục! Đi lang thang thôi!”

“Cách đây khoảng 5 năm thôi”, cô gái nói thêm, nghĩa là ông 55 tuổi khi thực hiện chuyến đi đó.

Tôi cảm thấy rất vui được ở đây, vì vậy tôi gọi thêm 2 ly nước mía nữa và bắt đầu nhét thuốc vào điếu cày.  Lần này, tôi bỏ thêm một ít thuốc, suy nghĩ liệu chúng tôi có gặp rủi ro khi ở đây lâu hơn một chút và tôi thậm chí có thể trở thành chồng của cô gái kia.

Càng hút, càng uống thì cái ý nghĩ đó lại càng lởn vởn quanh đầu và tôi còn vẽ ra viễn cảnh về tương lai của tôi và cô gái sống cùng nhau trên những cánh đồng mía. Cô ấy nói cô chưa kết hôn và tôi nói tôi không tin.

Trò đùa dường như đã đến hồi kết thúc. Khuôn mặt buồn bã của cô ấy hướng về người đàn ông già. Ông đã xác nhận lại điều đó theo cách mà tôi, một lần nữa,đã nghĩ đó là lời nói nửa đùa nửa thật rằng cô thật sự là chưa lấy chồng.

Cô gái tầm khoảng 17 hoặc 22 hoặc 27 tuổi, nhưng có một điều chắc chắn là cô ấy không thể nào còn độc thân. Dù vậy, tôi đã thề, với trái tim ảo tưởng của mình, một ngày nào đó tôi sẽ quay lại và xin số điện thoại của cô ấy.

Thuốc đã phát huy hiệu quả kỳ diệu bất ngờ và thay vì nấn ná ở nơi này, chúng tôi đạp máy nổ và đi tiếp, trả lại cho họ cuộc sống bình yên như trước khi chúng tôi đến.

Jon (còn tiếp)

Đôi dòng về tác giả Jon
jon sinh năm 1982 tại New York, Mỹ, tên đầy đủ là Jonathan Charles Dillingham
Anh đến Việt Nam năm 2005 
Trước đây từng làm biên tập Thanh Nien Daily
Hiện tại: Viết văn tự do
jonathan charles dillingham đã ở Việt Nam 9 năm. Anh tự nhận là một người yêu Việt Nam như máu thịt. Yêu từng vùng đất nơi anh đi qua. Một mình rong ruổi trên chiếc mô - tô đã đi gần hết 64 tỉnh thành của Việt Nam. Ăn ở ở nhà dân, trò chuyện với người già, chơi với trẻ em. Chiếc điện thoại Nokia với chức năng camera là vật duy nhất anh lưu lại những thước hình, những con người trên những vùng dọc dài hình chữ S anh đi qua.

 

>>Kỳ 1:  phượt và... tán của một chàng Tây ở miền tây bắc