Rồi một ngày, tôi được dịp đến những miền đất xa xôi của thế giới và châu phi đã mang đến cho tôi một cái nhìn khác. Vẫn một Phi châu hoang dã nhưng hấp dẫn đến lạ thường, những cánh đồng cỏ trên thảo nguyên hiền hòa yên bình nhưng ẩn chứa sự khốc liệt đến nghiệt ngã của cuộc chiến sinh tồn, bên cạnh những con người hồn nhiên sống đời đơn giản đến mức không thể giản đơn được nữa...
Hoàng hôn trên thảo nguyên
Trên chuyến xe đặc dụng có tấm mui trần giúp đóng mở linh hoạt dành cho du khách tham quan vườn quốc gia Maasa Maira, Kenya, chúng tôi mặc sức thả hồn theo cái mênh mang của trời đất và hoàng hôn đang xuống dần.
và những cuộc chiến sinh tồn
Dorian, một tài xế kiêm hướng dẫn viên người Kenya cho biết: có thể cách chúng ta không xa một chú sư tử đang rình mồi và có thể, trong một phút giây ngắn ngủi nào đó chúng ta sẽ thấy được cảnh săn mồi của sư tử.
Và rồi cả đoàn du khách chúng tôi như nín thở khi nhìn theo tay của Dorian, cách chúng tôi chừng 50m, một chú linh dương đầu bò trong tích tắc đã làm mồi cho một con sư tử. Khi chúng tôi đi đến, miệng của chúa tể sơn lâm vẫn còn đang dính đầy máu.
Nếu như trước kia, tôi từng xem cuộc chiến tàn khốc giữa các loài thú qua màn ảnh nhỏ, đó là cảm giác thương hại cho những chú nai hiền lành luôn bị các loài mãnh thú săn mồi truy đuổi và kết thúc mạng sống trong một buổi tiệc máu cho chúa sơn lâm. Còn các loài ăn thịt chưa bao giờ để lại cho tôi một sự thương cảm. Nhưng đứng trước nơi nay, tôi nhận ra rằng, đó là quy luật cân bằng sinh thái của cuộc sống và tự nhiên và chúng ta cần tôn trọng. Cỏ mọc nhiều quá nên các loài ăn cỏ như nai, hươu,… phải ăn, rồi nai hưu sinh sôi nảy nở nhiều quá cỏ sẽ không mọc kịp, sư tử, cọp, báo… phải ăn thịt chúng. Và rồi, các chúa sơn lâm cũng phải qui phục định luật của tạo hóa với sinh lão bệnh tử,. Mấy ai biết rằng chúa tể cũng có những tháng ngày đau khổ và mỏi mệt với những ngày liên tục săn mồi không thành, và cũng phải sinh tồn bằng những buổi ăn thừa còn sót lại của đồng loại vương vãi trên thảo nguyên.
Hoàng hôn đang xuống, những giọt sương bắt đầu rơi trên những ngọn cỏ non xanh mơn mởn, dường như những cọng cỏ non kia cũng cảm nhận được niềm hân hoan khi đón nhận làn nước mát của ban đêm để chờ một ngày mới, ngọn cỏ cũng đang cười, phải chăng vạn vật hữu linh?
Cuộc sống hồn nhiên và đơn giản
Trên vùng đất bao la của Phi châu nói chung và của Kenya nói riêng, có nhiều bộ lạc sinh sống , nhưng ở khu công viên Maasa Maira thì bộ lạc Maasa là chủ yếu. Rải rác đó đây trên đồng cỏ là những ngôi làng nhỏ với những căn nhà bé xíu và thấp. Người dân nơi đây thường sử dụng cành cây dại hoặc những nhánh cây oliu để làm nhà. Còn vách nhà, mái nhà được làm từ phân bò.
Ngôi nhà của họ thật giản đơn, và chủ nhân của những ngôi nhà này có một đời sống hết sức đơn giản. Dường như ánh sáng của văn minh và hiện đại chưa hề hiện diện nơi nay. Trong những gian nhà ấy tôi chỉ tìm thấy có một cái bếp nhỏ, hay đúng hơn là dấu vết của một đốm lửa nhỏ, bởi vì nếu là một cái gì đó để loài người hiện đại chúng ta gọi là bếp thì ít ra nó cũng phải có 3 cục gạch nhỏ hay là 3 thanh sắt để đặt cái nồi, nhưng ở đây tôi không tìm thấy các thứ ấy.
Ảnh: VYC Travel |
Ở đây cũng không hề có Internet, tivi hay điện thoại và hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.
Người Maisaa Mara vô cùng nhanh nhẹn và linh hoạt. Dường như thiên nhiên đã ban tặng cho họ một sức khỏe vô cùng dẻo dai. Và để tồn tại giữa thiên nhiên nơi đây họ bắt buộc phải là những con người gan dạ và dũng cảm, một người thanh niên có thể giết chết con sư tử bằng một cái cây gậy thô sơ. Từ xưa, cha ông họ đã nhiều lần làm như thế, Dorian, cậu hướng dẫn viên bản địa chia sẻ.
Một người đàn ông của Maisaa có thể lấy nhiều vợ nếu khả năng kinh tế của họ cho phép, và những cô vợ của họ sống quay quần bên nhau, một ngôi làng nhỏ với vài chục nhân khẩu có thể là con cháu của một người đàn ông. Khi hỏi đến vấn đề đa thê, những người đàn ông Maasai có vẻ vô cùng hào hứng, cưới được càng nhiều vợ thì chứng tỏ bản lĩnh đàn ông càng cao.
Nhìn cảnh những cô vợ nheo nhóc bên đàn con nhỏ đầy nước mũi tíu tít bám lấy mẹ, những bàn chân nhỏ xíu đi chân trần trên nền đất đầy phân bò. Chúng ngước đôi mắt trong ngần nhìn những người lạ, một thế giới của tuổi thơ gần với thiên nhiên, với cuộc sống bản năng nơi miền hoang dã, tôi chợt nghĩ tương lai các em sẽ ra sao?
Cuộc sống đang trôi qua trên những ngôi làng nhỏ, nhìn những khuôn mặt vô tư của những người đàn ông Maasai, những đôi mắt tròn xoe của các đứa trẻ bên cạnh những người phụ nữ Maasai hồn nhiên, dường như những áp lực lo toan của cuộc sống hiện đại đã không có mặt ở nơi đây.
Thật khó mà có thể nói rằng họ đang hạnh phúc với hiện tại hay đang khắc khoải để chờ đợi một sự thay đổi trong tương lai?
Mặc dù chỉ có một khoảng thời gian ngắn đến ngôi làng, nhưng qua những câu chuyện phiếm với anh chàng tài xế và cô tiếp tân người Maasai ở khách sạn của tôi ở, tôi chợt thấy một điều rằng: rằng chuyện tình cảm ở trên đời này cho dù là ở vĩ độ hay kinh độ nào của trái đất cũng đều là như nhau. Dù chế độ đa thê trong bộ lạc đã có từ lâu và là một phần không thể thiếu trong xã hội người Maasai, nhưng có dễ mấy ai không khỏi chạnh lòng khi họ phải sẻ chia tình cảm. Anh chàng tài xế 29 tuổi, Dorian cũng nhiều lần khó xử khi các cô vợ đều muốn được nằm cạnh chồng mình trong đêm đầu tiên sau vài ba tháng đi làm xa trở về.
Nếu có một điều ước cho những thổ dân nơi đây, thì tôi cũng khó mà mong ước điều gì để đảm bảo rằng chắn chắn họ sẻ hạnh phúc, ước muốn một xã hội văn minh? Một cuộc sống tất bật hối hả với những căn nhà cao tầng, những ông bố thường xuyên xa nhà, những bà mẹ tất tả đón con buổi chiều tan sở với những đứa bé oằn mình trên vai với hàng tá sách vở. Hạnh phúc là đâu? Là vật chất của thế giới văn minh hay của một cuộc sống giản đơn đến mức không thể giản đơn hơn, và như thế: họ vẫn sống, nụ cười toé sáng trên khuôn mặt đen như than củi vẫn cứ nở trên môi.