Vì chính quyền quân sự Thái đã cảnh báo: sẽ có cuộc truy quét, nhắm vào các du khách nước ngoài lạm dụng những lỗ hổng trong việc cấp visa để lao động trái phép ở Thái.
Người ơi, đừng ở (lâu), nhớ về…
Cuộc truy quét nhằm siết các luật, nêu tất cả công dân nước ngoài-gồm du khách-luôn phải đem theo hộ chiếu và ảnh chứng minh nhân thân. Khi người nước ngoài đổi chỗ ở thì phải báo cảnh sát trong vòng 24 giờ, nếu không muốn bị xử phạt hành chính, phải nộp tiền phạt.
Từ ngày 12.8, du khách nước ngoài đến các sân bay Thái có thể bị cấm nhập cảnh, nếu nhân viên cơ quan di trú Thái nghi ngờ họ đang ở quá lâu hoặc đang lao động trái phép tại Thái.
Hiện mức phạt người có visa du lịch là số tiền tương đương 17USD, tính cho mỗi ngày lưu trú quá hạn. Mức phạt tối đa là 669USD nếu họ tự trình diện ở sân bay hoặc ở cơ quan di trú. Trong hầu hết các trường hợp, các du khách này chịu nộp phạt, “xuất cảnh” rồi “trở lại Thái lập tức.
Nhưng với cuộc truy quét, người lưu trú quá hạn hơn 90 ngày và đầu thú với cơ quan di trú sẽ bị cấm trở lại Thái trong vòng 1 năm.
Người lưu trú quá hạn hơn 5 năm sẽ bị cấm trở lại Thái trong 10 năm. Mức phạt sẽ còn nặng hơn cho người không trình diện và bị bắt vì lưu trú quá hạn, có thể là cấm đến Thái vĩnh viễn. Tuy nhiên, sự cảnh báo này không đề cập ngày bắt đầu áp dụng.
Những người khách này có thể sống luôn tại Thái, có visa ngắn hạn, nhưng nhờ đến “dịch vụ chạy visa” để được gia hạn liên tiếp để kéo dài cuộc lưu trú. “Dịch vụ” này bùng nổ ở các cửa khẩu vùng biên, du khách chỉ cần chi ít tiền, “cò” dẫn qua khỏi cửa khẩu rồi trở lại là thành “người mới đến”.
Họ lợi dụng khâu kiểm soát visa lỏng lẻo để “sống chui” ở Thái Lan. George Anderssen, vị giám đốc người Thụy Điển của địa chỉ Thaivisa.com, một trang mạng dành cho người nước ngoài trao đổi “mánh” xin vida cùng các vấn đề liên quan cuộc sống ở Thái, nói: có khoảng ửa triệu đến 1 triệu người nước ngoài sống ở Thái, có thể nhiều hơn.
Cuộc truy quét này cũng sẽ kiểm tra du khách nước ngoài lưu trú dài hạn, người về hưu non (khi còn trong độ tuổi dưới 50) người lao động thời vụ, giáo viên tiếng Anh, người lao động “chui” và “những di dân kỹ thuật số” làm việc từ xa cho công ty ở nước họ.
Hiện có hàng ngàn người nước ngoài sống hợp pháp tại Thái, nhờ có thể nhờ người sử dụng lao động xin visa lao động cho họ, hoặc visa dành cho người hưu trí nếu họ trên 50 tuổi và có thể chứng minh có nguồn thu nhập chính đáng.
Visa dạy học, vốn cung cấp thời gian lưu trú lâu hơn cho người nước ngoài, cũng thành mục tiêu của cuộc truy quét, vì vô số trường “ma” được lập tại Thái nhằm có loại visa này, chứ bọn “đầu cơ” visa chẳng hề xây một lớp nào.
Khách Tây đang "vui vẻ" ở Pattaya |
Kết thúc chuyện “đi chợ”
Từ hàng chục năm qua, hàng trăm ngàn người nước ngoài sống ở Bangkok hoặc ở các vùng biển đẹp dọc Vịnh Thái Lan. Họ hưởng thụ khí hậu nhiệt đới, sự hiếu khách và sự tiện nghi nên chọn Thái là quê hương thứ hai, sau khi hoàn tất các thủ tục di trú hợp pháp.
Bãi biển Pattaya |
Dù khâu kiểm soát visa vẫn còn “thoáng” ở vùng biên phía đông giáp Campuchia và nhất là ở cửa khẩu Thái-Lào, nhân viên di trú vẫn cảnh báo với du khách, rằng cảnh sát sẽ áp dụng lệnh cấm “đi chợ” trên toàn Thái kể từ tháng 8.
Một nhân viên di trú giấu tên ở tỉnh Tak giáp Myanmar, nói với kênh truyền hình Aljazeera: “Nếu quý khách không thể khai báo là khách du lịch, có thể quý khách sẽ không được phép nhập cảnh. Chúng tôi đề nghị quý khách lấy visa hợp lệ”.
Sau cuộc đảo chính ngày 22.5, chính quyền quân sự ra cảnh cáo: họ sẽ sớm truy quét những người nước ngoài “sống chui” không có visa hợp lệ, gây ra nỗi sợ nơi họ rằng cuộc sống thảnh thơi ở Thái sẽ sớm kết thúc đột ngột.
Thái đã có nhiều cảnh báo truy quét tương tự, nhưng chúng đến rồi đi nhanh chẳng khác việc chính phủ Thái liên tục bị thay bằng các cuộc đảo chính, bầu cử trong 10 năm qua.
Nhưng gần đây, việc Thái trục xuất các di dân “chui” người Campuchia, Lào, Myanmar, cùng việc truy quét các “mảng làm ăn phi pháp” như taxi không phép, người bán hàng rong…cho thấy chính quyền quân sự quyết tâm trong lần cảnh báo này, theo cố vấn Rex Baay về mảng di trú của công ty luật Siam Legal International (Thái).
Ông nói: “Tôi nghĩ lần này họ nghiêm túc về chuyện cấp visa. Hàng ngày, chúng tôi nhận được vô số cuộc điện nhờ tư vấn của những người tuyệt vọng”.
Nỗi đe dọa kinh tế
Nhưng vẫn còn một dấu hỏi, dành cho những người không thể nào đạt các tiêu chuẩn cấp visa kể trên. Một công dân Anh trong độ tuổi 40 giấu tên, cho biết ông đã đi Thái du lịch hàng chục lần, từ lúc ông đóng cửa công ty tư vấn truyền thông ở châu Âu hồi 2 năm trước.
Dù trước đây người nước ngoài đến Thái được miễn visa, ông nói sẽ không tính đến chuyện trở lại Thái Lan, nếu như ông không được cấp visa nhập cảnh: “Tôi sẽ không bị kẹt vì chuyện kiểm tra visa vì tôi có nhà ở ngoài Thái, nhưng nó sẽ buộc tôi thay đổi kế hoạch”.
Ông đã phải hủy kế hoạch chi 6.000 USD để chữa bệnh, và chuyển qua một bệnh viện ở Singapore.
Ngành du lịch Thái hiện chiếm 20 % tổng sản lượng kinh tế quốc gia. Ngành du lịch chữa bệnh Thái chiếm 40 % thị trường toàn cầu. Nên mọi quy định hạn chế người nước ngoài xuất-nhập cảnh Thái chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế nước này.
Năm ngoái, Bangkok được xếp là một trong những thành phố được tham quan nhiều nhất, với 16 triệu lượt du khách đến thủ đô Thái, trên cả London (Anh) và Paris (Pháp), theo Chỉ số thành phố điểm đến toàn cầu.
Nhưng hơn 6 tháng biểu tình trước thềm cuộc “cướp chính quyền” của quân đội Thái, đã làm giảm số du khách nước ngoài đến Thái trong năm 2014. Theo số liệu của Bộ Du lịch Thái, số khách nước ngoài đến Thái hồi tháng 5 ít hơn 10 % so với tháng 5.2013, chỉ có thể đạt 26, 3 triệu lượt khách trong năm nay.
Việc kiểm tra visa sẽ còn khiến số liệu này đáng buồn hơn: người nước ngoài sống “chui” ở Thái với visa ngắn hạn sẽ tự đánh dấu họ là khách du lịch trên thẻ nhập cảnh, gây ra sự lạm phát giả tạo trên các số liệu-dữ liệu của ngành du lịch nước này.
Du khách nước ngoài "đi chợ" ở Thái Lan |
Người phát ngôn của AirAsia ở Bangkok cho biết: “Cục di trú Thái Lan sẽ đi đầu trong vấn đề này. Thủ tục bình thường của chúng tôi là kiểm tra giấy tờ cơ bản trước khi khách xuất phát”.
Với những quy định chặt chẽ hơn sẽ chỉ công bố vào cuối tháng 8 này, số người nước ngoài rời Thái vẫn còn ít, nhưng có thể tăng lên, theo ông Anderssen của Thaivisa.com. Ông nói thêm, một số người đã chuyển qua Campuchia nhưng đa số muốn được ở lại Thái.
“Nhiều người đã sống ở Thái quá nhiều năm. Với họ, đơn giản là họ chẳng còn quê hương nào khác”.Bích Ngọc (theo The Age, Al Jazeera)