728 x 90

Khung cảnh thần tiên sông Tisza mùa phù du giao phối 

Khung cảnh thần tiên sông Tisza mùa phù du giao phối 
Sông Tisza phủ kín bởi loài phù du đuôi dài và vũ điệu giao phối quay cuồng của những sinh vật chỉ có ba giờ đồng hồ để sống, "yêu" rồi chết. 
CanhDep.net

Mỗi năm từ cuối mùa xuân đến đầu mùa hè, trên dòng sông Tisza, Hungary đều diễn ra cảnh tượng thiên nhiên kỳ lạ. Hàng triệu con phù du đuôi dài hay còn gọi là Palinggenisa longicauda tập trung thành những đám mây di động khổng lồ trên mặt nước, để tìm bạn đời và chết, tất cả chỉ trong vài giờ. Đây là một trong những hiện tượng tự nhiên kỳ thú nhất trên các con sông châu Âu, thường diễn ra trong 4 - 5 ngày. Người ta đặt tên cho nó là "Mùa Tisza nở rộ". 

Khung cảnh thần tiên sông tisza mùa phù du giao phối
Cảnh tượng thần tiên trên sông Tisza. 

Palinggenisa longicauda còn được gọi là Tisa hay phù du Tisza, nơi người ta tìm ra loài côn trùng này. Palinggenisa longicauda dành thời gian 3 năm cuộc đời để phát triển ấu trùng trong lớp bùn dưới đáy sông. Sau khi nở, những con đực chỉ có thời gian tìm "vợ" trong vài giờ và giao phối trước khi chết. Các con đực sẽ bay sát xuống sông, cố gắng thụ tinh thành công với con cái. Con cái sau khi giao phối, bay lên thượng nguồn và thả trứng trên đường đi. Những quả trứng trôi dạt đến hạ lưu và sau 45 ngày sẽ nở thành ấu trùng, đào sâu ẩn mình dưới bùn trong ba năm. Sau khi hoàn toàn trưởng thành, cũng là lúc phù du Tisza chỉ còn ba giờ trước khi chết.

Không có thời gian để tán tỉnh, việc giao phối của loài phù du có tính cưỡng chế. Khoảng 20 con đực sẽ giao phối với một con cái.

Hoạt động này của loài phù du tạo nên cảnh tượng tuyệt đẹp trên mặt sông tisza thu hút lượng lớn người đến đây tham quan hàng năm. Du khách như được chiêm ngưỡng vũ điệu đặc sắc của thiên nhiên với hàng triệu chú phù du phủ kín mặt sông. Tuy nhiên, sau khi kết thúc ba giờ ngắn ngủi của cuộc đời, lượng phù du đực chết phủ kín các con đường, cây cầu gần sông, gây ảnh hưởng tới giao thông. 

Ảnh: Mùa phù du Tisza giao phối 

Như Bình