Từ chục năm nay, vùng nhà vườn Lái Thiêu đã nhuốm màu đô thị hoá. Tiệc lớn, nhỏ đều có dịch vụ lo trọn gói. Bởi đa số lao động chính phải tất bật vào nhà máy, khu công nghiệp... từ mờ sáng. Họ không còn rảnh rỗi như xưa để rọc lá, gói bánh, “tám” chuyện đầu trên xóm dưới nữa.
Ở nội thành, bà Trần Thị Thắm, giáo viên cấp 3 đã nghỉ hưu, ở quận 1, TP.HCM, thỉnh thoảng mua bột bánh cuốn pha sẵn về làm món ăn sáng cho con cháu trong nhà. “Tôi muốn giữ bữa ăn sáng ấm cúng, tươm tất để lớp trẻ thêm trân quý mái ấm gia đình. Tuy nhiên, thời buổi công nghiệp phải chấp nhận dùng bột pha sẵn, dù biết chiếc bánh không thể dẻo ngọt như kiểu truyền thống được”, bà giáo đôn hậu tâm sự.
Không chỉ đứng vững ở phố thị, các loại bột chế biến sẵn còn len mạnh về thôn quê. Ngay như gia đình người viết, mỗi lần có giỗ thường gói vài trăm cái bánh ít , trước cúng gia tiên – sau biếu xóm giềng. Vẫn phải xài bột Sa Đéc. Tội cho bà già, lụm khụm ngồi lại run run nhào bột, gói bánh phụ. Tuy vậy, các chị tôi đã kín đáo soạn sẵn cho bà một thau riêng. Và mẻ bột lẻ loi ấy, sau khi được mặc áo bánh ít, phải được hấp riêng. Y như rằng, bánh luôn nhão, có cái bị chảy bột ra ngoài trông rất xấu.
Chị Tư, vốn khéo tay nhất nhà phân trần: “Bột thời nay khó pha trộn lắm, chủ yếu làm từ lúa (nếp) ngắn ngày. Nó không khô ráo như bột gạo lúa mùa ngày xưa, nên bà già pha không quen tay cũng phải thôi”.
Các loại bột pha sẵn, vẫn cần bàn tay giàu kinh nghiệm trợ lực. Ảnh: Anh Dũng |
Mặc dù kinh nghiệm nội trợ, làm bánh của chị Tư được chính mẹ truyền thụ, thời còn mê nhảy dây! Nhưng nay, chị thích ứng tốt hơn mẹ.
Mặt khác, những người sợ vào bếp thì ủng hộ hai tay. Họ cho rằng, các loại bột pha sẵn đã góp phần đáng kể trong cuộc “cách mạng” giải phóng phụ nữ khỏi “nghiệp” lao động nặng: vào bếp. Số khác phản biện lại: mới đúng phân nửa.
Đạo diễn lại mới như ý
Đại diện, có anh Nguyễn Văn Hùng, chủ quán bánh xèo Bình Minh, số 46 Dân Chủ, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM. Mỗi chiều, quán này bán khoảng 150 – 200 cái bánh nóng hổi, thơm phức. Tương ứng, tiêu thụ khoảng 5kg bột đã sơ chế. Những ngày cuối tuần, có khi sau 18g30 đã hết sạch bánh. Được vậy, nhờ vợ chồng anh Hùng chủ động mày mò pha bột theo cách riêng. Tất nhiên, phải chấp nhận thử và sai hàng chục lần mới ưng ý. Cho nên, chiếc bánh của đôi vợ chồng công chức này, vừa ngọt thơm y như bánh xưa vừa beo béo (nhờ đậu xanh) nhưng không đến độ mau ngán.
Ngưng tay, anh Hùng nhận xét mặt chưa được của các loại bột bánh xèo pha sẵn hiện nay: nếu mua nguyên một thùng, vài ngày đầu đem chiên còn nghe thơm mùi tinh nguyên của bột gạo. Sau đó lại bặt mùi! Với lại, bánh chiên xong, để khoảng 20 phút sau lại khô, dai hơn. Chưa kể, mùa nắng bột có vẻ khô ráo và thơm đặc trưng hơn mùa mưa.
Cũng có ý kiến cho rằng, bột bánh trộn sẵn chỉ hợp khẩu với những người không quá khó tính trong chuyện thưởng thức. Muốn món bánh ngon hơn, hương vị đặc sắc hơn cần phải thêm nguyên liệu và dụng công nhiều hơn trong chế biến. Chị Thanh Tuyền (quận 11) kể, chị cũng tập tành mua bột bánh bao trộn sẵn về làm thử. Chị thực hiện đúng các thao tác nhưng bánh không nở và không trắng như ngoài tiệm. Sau đó, nhờ người quen chỉ thêm vài bí quyết, chị mới làm được cái bánh bao như ý bằng bột trộn sẵn.
Còn trường hợp của bà Nga (Tân Bình) thì đặc biệt hơn. Bà kể, có lần chợt thèm hương vị bánh canh như hồi ở quê, mà ở thành phố khó tìm được chỗ xay bột để bà tự làm ra sợi bánh canh dai đúng gốc. Bà bèn mua gói bột bánh canh trộn sẵn về làm thử nhưng cũng không giống. Trong một lần đi siêu thị, bà Nga phát hiện ra gói bột… há cảo. Không ngờ, sợi bánh canh làm từ bột há cảo lại đúng ý bà.
bài Lê Tấn – Minh Cúc/TGTT