728 x 90

Bếp lửa sinh thành

Bếp lửa sinh thành
Ngọn lửa là mật ngọt kết quả của tất cả tồn tại, và tất cả tồn tại kết quả của ngọn lửa này. Cũng giống như vậy, sự sáng chói, tồn tại bất tử của người nào là ở trong ngọn lửa...
CanhDep.net

Ngọn lửa là mật ngọt kết quả của tất cả tồn tại, và tất cả tồn tại kết quả của ngọn lửa này. Cũng giống như vậy, sự sáng chói, tồn tại bất tử của người nào là ở trong ngọn lửa và sự sáng chói, tồn tại bất tử đồng nhất hoá với cơ quan nói trong cơ thể1...

Thần lửa là cơ quan của sự nói2.
Bếp lửa sinh thành
bếp Mường, trái tim của ngôi nhà, cũng là nơi giường của người già được kê gần nhất. Ảnh Trần Việt Đức 

Tôi nhớ đến, không hiểu sao lại thường nhớ đến như vậy, vào những chiều cuối năm, cái bếp lửa bằng cái kiềng ba chân đặt ngay ở phần sau cùng của ngôi nhà, trên nền đất nện.

Cái kiềng ấy do thợ rèn Ba L. ở đầu làng làm (chẳng hiểu sao lại gọi tên ông như vậy, mà gọi chẳng ai thắc mắc, cứ như tên là cái vỏ đựng một kẻ nào đó xác định, vậy thôi).

Chào con. Ba vừa về từ một nơi xa lắm, ở đó ba gặp thần lửa Agni Vaishvànara, đó là thần ánh sáng đẩy lùi bóng tối...

Ngày xưa, sáng thật sớm, ba và má vẫn ngồi bên bếp lửa này. Cái lạnh bên ngoài và cái ấm của lửa từ bếp tỏa ra.

Ba vẫn thích ngồi trên cái đòn kê, chân co lên, gối tì vào ngực. Ấm hơn. Con đừng mời ba lên nhà trên. Ba không thích ngồi cái bộ salon sau này con mua, vì cứ quen kéo chân lên mặt ghế co lại, con lại bảo ngồi vậy quê lắm. Nhưng quê mà sao ba vẫn thấy tiện nghi hơn là không quê...

Ba cũng không thích ngồi ở căn phòng khách lạnh lẽo ấy để trò chuyện, nó bày biện đủ thứ, lát gạch trắng phau, mà thấy cứ lành lạnh, không có tình.

Rồi con lớn lên; nơi góc bếp gần lối ra ấy lại có thêm con, những câu chuyện buổi sáng bốn năm giờ, vẫn ngày nào như ngày nấy.

Ngày má đẻ con, bả nằm đằng kia, trên chiếc chõng tre của ba làm bằng ba cây tre đực mua ở nhà bác Hai Trành.

Má con cũng như ba, bả thích vậy, thích nằm đó để nhìn ngọn lửa bếp khi còn yếu chưa thể ngồi đây nói chuyện.

Thỉnh thoảng, uống một chén nước rót ra từ cái ấm dần (vần) bên bếp lửa. Nước đủ ấm để xua cái lạnh đầu ngày.

Con chắc không còn nhớ cái chậu bếp đất mà ba vẫn bỏ than nhỏ, ủ tro bên trên, cho mẹ hơ con mỗi ngày hồi con mới đẻ. Ba nhớ hình như sau này con đem bỏ nó dưới gốc khế sau hè mà ba vẫn thường đem tro đổ cho cây khế bớt chua.

Năm nào cúng ông bà trưa ba mươi xong, tôi cũng thấy lòng ấm lại, nhưng lại xao động như có dòng phún thạch ký ức trào về. Lênh láng, nóng bỏng.

Cái xó bếp ngày xưa có vẻ như là nơi được gọi là không gian giao tiếp bây giờ. Ngoài cửa bếp là một khoảng sân gạch, gia đình tôi thường ăn cơm chiều sớm ở đó. Sâu bên trong, bên trái là buồng đẻ của má.

Tất cả đều không xa ngọn lửa bập bùng.

Về già, ba tôi vẫn bắc ghế xích đu (nhà tôi vẫn gọi tên cái ghế xếp bằng sắt như vậy) nằm bên bếp lửa, đọc chút đỉnh sách dưới ánh néon tù mù ám khói, hoặc bay vào cõi riêng của ông.

Nhìn kỹ có thể thấy ngọn lửa nhảy múa trong mắt ông. Có lẽ ba tôi mạng hoả. “Ba mày tính nóng như lửa,” mẹ tôi thường than sau tiếng thở dài, sau một đổ vỡ vì bất hoà không đâu.

Về già, lửa ấy dường như đã chìm vào bên trong. Mỗi ngày ông lặng lẽ đốt nhang cho hai đứa con trai chết trẻ mà quách vẫn được ông khư khư giữ và quàng trên cái tủ buýp phê bằng gõ cẩm lai sát vách sau phòng khách - gian giữa của ngôi nhà ba gian. 

Trên ấy giờ đây sum vầy ba thế hệ. Đó là không gian tâm linh của ông, mà vì tôn trọng, tôi đã che tấm ri đô ngăn ra, chứ không dám dời đi.

Ngày xưa, ông vẫn cột vén tấm ri đô ấy sang hai bên, không chịu ngăn cách không gian ấy. Không muốn coi đấy là một cõi khác.

Cái xó bếp ấy - giờ đây vẫn còn loang lổ vết xi măng lở lói, vì khi láng nền xi măng, ba má tôi không chịu dời bếp đi chỗ khác. Xi măng không chịu được nóng, rộp lên.

Tôi vẫn để lại vết sẹo quá khứ ấy; khi mà bếp đã được dời lên chỗ bệ cao khang trang hơn. Một thời gian, nhà tôi có hai bếp, bếp cũ sát đất kề bên bếp mới bệ cao. Mẹ tôi vẫn nấu nướng ở cái bếp cũ ấy.

Con nhớ không, những ngày mưa, không ai đi làm ngoài đồng được, ba đòi đúc bánh xèo. Mẹ con vẫn ngồi đây, nhóm lửa than trong hai quả (hoả) lò nhỏ đặt khuôn đúc.

Lúc ấy mẹ con ngâm gạo, ba xay bột, mẹ con ngồi đúc. Bánh ăn nóng ngay bếp mới ngon. Sau này, có lần con đưa ba đi ăn bánh xèo tiệm, ba chẳng thấy ngon gì cả.

Ba không nghe được tiếng xèo xèo khi đổ bột vào khuôn mỡ đang sôi. Ba không ngửi thấy mùi bột sống, rồi mới tới mùi bánh chín khê khê khét khét. Phải có quá trình sinh thành, con ạ.

Ba đã gặp thần lửa giữ nhà garhapatya, thần của đất, lửa, lương thực và mặt trời. Thần nói với ba về sinh thành. Thần nói về ngũ lửa:

Người phụ nữ là lửa đấy Gautama à, cơ quan sinh dục của phụ nữ là nhiên liệu, cái khêu gợi là khói, âm hộ là ngọn lửa, cái được tạo ra bên trong ấy là những cục than hồng, khoái cảm là những tàn lửa.

Nơi ngọn lửa ấy, các thần linh dâng tinh dịch làm lễ vật. Nhờ dâng lễ vật ấy thai nhi được tạo ra3.

Khởi Thức

 

 1 Veda Upanishad, Những bộ kinh triết lý tôn giáo cổ Ấn Độ, NXB Đại học quốc gia Hà Nội-2001, kinh Upanishad, bài kinh Bri-hadàranyaka, tr 360

2 SĐD, kinh Upanishad, bài kinh Aitareya, tr 269

3 SĐD, kinh Upanishad, bài kinh Chhàndogya Ngũ lửa V, tr 711