Bởi lẽ, đó là việc xảy ra hàng ngày với tần suất khá dày
Những bức xúc của người dân cũng đã gây áp lực lên Bộ Giao thông Vận tải. Tại buổi làm việc sáng ngày 7/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam cuối tuần này phải có báo cáo cụ thể về thực trạng chậm, hủy chuyến hiện nay. Bộ trưởng Thăng đồng thời yêu cầu phải công khai toàn bộ các chuyến bay bị hủy, chậm và thời gian cụ thể, giải quyết nhanh việc chậm, hủy chuyến liên tục như thời gian vừa qua.
Sự cố không ai muốn
Theo báo cáo của Cục Hàng không, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ chậm, hủy chuyến (delay) trên tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam chiếm 25%. Trong đó, tỷ lệ hủy chuyến bay của VietJet và Jestar tương đương nhau, chiếm khoảng một nửa, còn của Vietnam Airlines là 14% và của Vasco khoảng 17%.
Việc máy bay bị chậm, hủy chuyến là sự cố mà cả hành khách lẫn hãng hàng không đều không ai muốn. Trễ giờ, hủy chuyến khiến cho khách hàng bị ảnh hưởng nhiều tới lịch trình công viêc, tốn kém thời gian và cảm giác khó chịu vì phải chờ đợi.
Hãng bay trong khi đó bị ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín, rồi chi phí để phục vụ ăn uống, trả lại tiền cho khách mua vé hãng khác… Theo tính toán, mỗi phút bị chậm chuyến, các hãng bay có thể mất khoảng 100 USD, như vậy có thể thấy thiệt hại mà các hãng hàng không ở nước ta sẽ phải gánh cao hơn cả lợi nhuận mà họ có thể làm ra. Ấy là chưa kể, với các hãng hàng không tư nhân thì chi phí cho một chuyến bay còn lớn hơn nữa vì phải thuê các dịch vụ mặt đất theo thực tế của môi trường hoạt động tại sân bay hiện nay.
Lỗi từ nhiều phía
Việc để cho tình trạng trễ, hủy chuyến bay có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan, yếu tố cơ sở vật chất tại nhà ga và cả chính từ phía khách hàng.
Các yếu tố khách quan có thể kể đến như thời tiết (mùa mưa gió, các hãng hàng không đều gặp phải); chim va vào máy bay (như hãng VietJet trong vòng 1 tháng vừa qua hãng đã bị chim va vào máy bay 3 lần mỗi lần máy bay sẽ phải dừng để kiểm tra và sửa chữa 3 – 7 ngày). Mặc dù các sân bay đã nói sẽ đuổi chim nhưng tình huống này vẫn cứ xảy ra.
Về cơ sở vật chất, hiện nay các nhà ga thường bị tình trạng thiếu xe đưa khách ra, thiếu xe thang, thiếu ống lồng để phục vụ hành khách. Tại Hải Phòng, nhiều chuyến bay của VietJet bị chậm từ 30 phút đến cả tiếng vì xe thang được ưu tiên phục vụ máy bay của hãng khác.
Một yếu tố nữa về cơ sở vật chất là hiện nay các nhà ga mới vẫn chưa đồng bộ, nhiều nhà ga đang trong giai đoạn nâng cấp, ảnh hưởng tới việc đi lại giao thông của hành khách, ảnh hưởng tới thời gian đi ra máy bay.
Ngoài ra, do các hãng đều tăng cường các chuyến bay trong khi diện tích tại sân bay không thay đổi, dẫn đến mật độ các máy bay đông hơn. Lợi thế vẫn thuộc về hãng lớn, càng tăng thêm nguy cơ phải trễ chuyến cho các hãng khác. Chẳng hạn như vào buổi tối ngày 5/7 vừa qua, VietJet có tới 6 chiếc máy bay xếp hàng nối đuôi nhau tại đường băng mà chưa thể lăn vào được vì phải chờ. Mỗi tàu phải đứng ở đường băng chờ từ 40 phút đến 1 tiếng.
Về khách quan và vấn đề cơ sở vật chất là như vậy, nhưng nhiều khi các chuyến bay cũng bị hủy, trễ vì chính khách hàng. Chẳng hạn như khách bị thiếu giấy tờ, check-in xong nhưng đi lạc đường lên cửa ra máy bay khiến nhân viên phải đi tìm khách; khách có hành vi gây rối trên máy bay (không để hành lý đúng nơi quy định, dọa bom…).
Khi phải cắt khách ở lại, đồng nghĩa với việc mở hầm hàng lấy lại hành lý cho khách, chuyến bay có thể chậm hàng giờ. Mới đây, ngày 12/6, máy bay của 1 hãng đã phải hoãn 3 tiếng, dẫn đến trì hoãn các chuyến sau đó chỉ vì một khách hàng nói đùa có bom trong hành lý!
Hợp tác để cùng phát triển
Trên thế giới hiện nay, việc các hãng hàng không bị trễ, hủy chuyến không phải hiếm. Ngay như ở Mỹ, số liệu cho thấy trong tháng 4, tỷ lệ máy bay đúng giờ chỉ là 79,6%, bình quân 4 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 78% đúng giờ, ở các nước tiên tiến trong khu vực tỷ lệ đúng giờ khoảng 80%. Ở Việt Nam, số liệu của Cục Hàng không cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay tỷ lệ này là 75% - con số thấp hơn ở các nước tiên tiến nhưng cũng không phải quá tệ.
Bởi lẽ hàng không ngày càng trở nên phổ biến, trong khi nhiều người dân vẫn chấp nhận thà đi chậm còn hơn phải đi lại bằng tàu xe (vừa tốn kém thời gian, chi phí không rẻ, độ an toàn lại không cao như máy bay) nên trong khi chờ đợi ngành hàng không dần khắc phục tình trạng hủy, chậm chuyến bay, tất cả các bên cần có sự hợp tác để có một dịch vụ tối ưu nhất.
Về phía các hãng hàng không – đơn vị cung cấp dịch vụ - cần phải có những động thái sao cho hành khách hiểu và hợp tác. Chẳng hạn như khi có chuyến bay hủy hoặc trễ cần thông báo kịp thời để người dân nắm được (nhắn tin, thông báo trên website, bảng thông báo tại sân bay), hoặc trong khi chờ đợi cần cung cấp dịch vụ chu đáo…
Phía khách hàng cũng cần nâng cao hiểu biết về việc đi máy bay để hạn chế bị chậm, trễ do hành khách. Chẳng hạn như cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân, nắm được các quy định an toàn, quy định khi ngồi gần cửa thoát hiểm, chú ý khi đổi cửa lên máy bay, tuân theo sự hướng dẫn của nhân viên…Khách hàng cũng nên tự tìm hiểu thông tin về chậm, hủy chuyến cập nhật trên website của hãng, kiểm tra tin nhắn qua điện thoại…
Về phía cơ quan quản lý, cần đưa ra các chế tài bình đẳng cho các hãng để cạnh tranh lành mạnh. Ngành hàng không Việt Nam nói chung cần phải nỗ lực đưa tỷ lệ đúng giờ về mức quốc tế là 80% thay vì 75% như hiện nay, bên cạnh đó là cải thiện các dịch vụ, quan tâm đúng mức để người sử dụng dịch vụ được hài lòng.
Theo Trí Thức Trẻ