Với khí hậu ôn hòa, nắng ấm quanh năm, sản phẩm du lịch đa dạng, nhất là các loại hình thể thao biển, nhiều năm qua, Bình Thuận là điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế, chủ yếu là thị trường Nga. Tuy nhiên, do suy giảm kinh tế và đồng ruble mất giá so với USD, lượng khách Nga bắt đầu sụt giảm.
Để khắc phục khó khăn, Bình Thuận tích cực tham gia các chương trình kích cầu nội địa, ưu tiên phát triển thị trường trong nước. Điều này cũng nằm trong kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến 2030 của tỉnh.
Lễ ký kết có sự góp mặt của lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam và các tỉnh như Hà Nội, Bình Thuận, TP HCM, Khánh Hòa... |
Một trong những hoạt động được Hiệp hội du lịch Bình Thuận (BTA) triển khai là hợp tác với Hiệp hội du lịch Hà Nội (HANTA) nhằm quảng bá, xúc tiến và phát triển các sản phẩm du lịch. Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hiệp hội du lịch hai tỉnh vừa tổ chức sáng 5/4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM).
Trọng tâm của thỏa thuận hợp tác này là tăng lượng khách từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đến tham quan du lịch bình thuận theo đường bộ, hàng không. Bình Thuận cam kết thực hiện giá ưu đãi cho khách từ các doanh nghiệp lữ hành hội viên của HANTA với chất lượng dịch vụ cao.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa Du lịch Thể thao Bình Thuận cho biết: "Hiện Hà Nội có khoảng 40 công ty lữ hành đưa khách đến Bình Thuận. Với sự phát triển cơ sở hạ tầng, việc khánh thành đường cao tốc TP HCM - Dầu Giây, khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết sẽ rút ngắn khoảng cách cũng như thời gian đi lại giữa Bình Thuận và các tỉnh trong cả nước".
Vy An