|
cầu cảng Darling đẹp ngỡ ngàng giữa bầu trời xanh - Ảnh: Huỳnh Thu Dung |
Nằm cách các điểm tham quan chính như trung tâm mua sắm Queen Victoria và cầu cảng Sydney không xa, nhưng cách đây không lâu, cầu cảng Darling vẫn còn được biết đến là một sân ga cũ kỹ, tồi tàn, là một bến tàu bỏ hoang cùng với những người thất nghiệp đứng tràn lan để chờ tìm được việc làm.
|
Là bến cảng cho rất nhiều loại tàu thuyền cập bến, phục vụ cho thương mại, du lịch - Ảnh: Huỳnh Thu Dung |
Buồn hơn, nơi đây còn từng được biết đến với tên gọi: “The Hungry mile” (Tạm dịch là Con đường đói khát), một dấu lặng buồn giữa thành phố Sydney phát triển lộng lẫy, nơi được mệnh danh là New York của Úc châu.
Sau đó, một cuộc tái thiết vĩ đại của chính quyền thành phố đã nhanh chóng xây dựng, thay da đổi thịt nơi đây. Và vào ngày 4.5.1988, khi Nữ hoàng Elizabeth II chính thức khánh thành và tuyên bố mở cửa cảng Darling, nơi đây đã nhanh chóng trở thành một cảng biển kết hợp với khu thương mại giải trí và ẩm thực nổi tiếng khắp thế giới.
Cái tên Darling là được chọn từ tên vị Trung tướng Ralph Darling, người đã giữ cương vị Thống đốc bang New South Wales từ 1825 – 1831. Dù là mang tên một vị tướng, nhưng nghĩa của chữ Darling (Tạm dịch là Người yêu mến), cũng là một nét tình cờ đáng yêu cho tên gọi của khu vực này.
Trong khu vực này còn có Bảo tàng Hàng hải quốc gia của Úc, nơi lưu giữ những báu vật và những tài liệu, hiện vật quan trọng, kể lại hành trình cùng những trải nghiệm sống động của các nhà thám hiểm, những hoạt động cảng biển, hàng hải của nước Úc, của người định cư và người di cư trên đất nước này qua nhiều giai đoạn, thế hệ, là những thông tin giá trị không thể bỏ qua.
|
Kiến trúc của cảng Darling được kết hợp giữa cổ kính và hiện đại. Ảnh: Huỳnh Thu Dung |
|
Rất nhiều thuyền buồm neo đậu trên bến cảng thể hiện cuộc sống giàu có sung túc của người dây phố cảng. Ảnh: Huỳnh Thu Dung |
Bảo tàng Hàng hải cùng với cảng biển Darling ước tính đã có khoảng 300 triệu du khách đến thăm từ ngày thành lập đến nay. Và tất nhiên vẫn còn là một điểm đến hấp dẫn trong tương lai của nước Úc.
|
Tàu điện chạy trên không đi ngang Darling giữa một ngày trời xanh như ngọc - Ảnh: Huỳnh Thu Dung |
Ghé đến nơi này vào một ngày Hè trời xanh mây trắng, đi dọc những con phố lớn san sát cửa hiệu, quán ăn sang trọng, mời mọc, một bên là thuyền bè neo đậu tấp nập, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nơi đây.
|
Từ trên cao nhìn xuống, bến cảng Darling lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Ảnh: Huỳnh Thu Dung |
|
Bảo tàng Hàng hải quốc gia nằm ngay cảng Darling, nơi lưu trữ nhiều di tích về những cuộc phát triển thương mại hàng hải và khám phá vùng biển Úc Châu. Ảnh: Huỳnh Thu Dung |
|
Thỉnh thoảng học sinh tiểu học được hướng dẫn tham quan bến cảng và Bảo tàng hàng hải. Ảnh: Huỳnh Thu Dung |
|
Một phương tiện lưu thông khá phổ biến ở đây là taxi hoạt động dưới nước. Ảnh: Huỳnh Thu Dung |
Thông tin cho bạn
- Từ bến cảng Trung tâm, nằm gần Nhà hát con sò, bạn sẽ thấy có nhiều chuyến tàu, phà đến Darling. Chỉ cần đọc kỹ hướng dẫn sẽ tìm thấy. Mua vé ngay tại phòng vé bên ngoài.
- Bản đồ hướng dẫn các tuyến tàu phà đi lại giữa các bến cảng hoặc các điểm đến sẽ được phát miễn phí tại bến cảng trung tâm Sydney. Nhớ lấy một cái để nghiên cứu các lịch trình tham quan phù hợp.
- Từ cầu cảng Darling về Cảng Trung tâm Sydney có đường đi bộ ven biển nối liền hai cảng, dài khoảng 3km. Nếu thích đi bộ thong dong và ngắm nhìn cảnh quan bạn có thể đi theo con đường này. Có nhiều bản chỉ dẫn trên đường đi nên sẽ không sợ lạc.
- Ở cảng Darling có nhiều tiệm ăn địa phương, bạn có thể thưởng thức món Fish&Chips (Cá rán và khoai tây), là món ăn rất quen thuộc với cả người bản địa và du khách.
Huỳnh Thu Dung