728 x 90

Tré - Món ngon độc đáo trên mâm cỗ đất Bình Định

Tré - Món ngon độc đáo trên mâm cỗ đất Bình Định
Chỉ cần một khoanh tré thêm chai rượu Bầu Đá trứ danh, vậy là buổi ăn nhậu đã xôm tụ đến tận đêm chưa tàn cuộc.
CanhDep.net

Nếu khách lạ đi trên con đường quốc lộ 1A, ngang qua đất Bình Đình, chắc sẽ rất ngạc nhiên bởi những chiếc “cán chổi” nhỏ xíu được treo lủng lẳng ở các tiệm ven đường. Những chiếc cán chổi ấy chính là “Tré” – một món ăn đặc sản của nhiều tỉnh miền Trung, đặc biệt là Bình Định.

Nguyên liệu để làm nên món tré nức tiếng đều là những nguyên liệu quen thuộc của địa phương:  thịt tai heo, thịt đầu heo, thịt ba chỉ cùng với gia vị mè, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi.

Tré - mon ngon đôc đao trên mâm cỗ đất bình định

Món tré đất võ Bình Định.

Thịt lợn được trần qua nước sôi rồi ngâm trong nước lạnh để thịt giòn và không bị dính, dùng dao thái nhanh tay, sau đó nêm nếm  gia vị muối, tiêu cho vừa miệng ăn. Trộn thịt với riềng, tỏi đã thái mỏng, thính gạo đã được giã nhỏ với nhau cho đều.

Tiếp đến là khâu gói tré, một khâu rất kì công và quan trọng để làm nên một bánh tré ngon. Trải lá chuối ra, lá ổi non rửa sạch, xếp phẳng phiu lên trên và trải đều hỗn hợp tré vừa đủ lên trên, và cuốn lại cho thật chặt, chắc tay. Sau đó tré được khoác bên ngoài  lớp “áo” rơm lúa mới dày, bó chặt hai đầu bằng lạt.  Nhờ cách gói công phu này khiến cho món tré Bình Định có thể để được lâu trong nhiều ngày.

Tré được ủ lên men một cách tự nhiên, sau 2 đến 3 ngày sẽ tự chín, các gia vị sẽ thấm đều vào nhau để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn.

Khi ăn, người ta sẽ lột tré ra, dùng đũa đánh tơi các miếng thịt với nhau, rồi bày trên đĩa. Món này có thể cuốn với bánh tráng và  rau sống (rau thơm, dưa leo, chuối chát…), đồ chua (đu đủ, cà rốt thái sợi, củ kiệu…) chấm nước mắm ớt tỏi hoặc tương ớt.

Tré - mon ngon đôc đao trên mâm cỗ đất bình định

Tré ăn kèm với lá ổi chấm tương ớt cay ngon tuyệt.

Món Tré thường được dùng như món khai vị trong các bữa tiệc. Khi ăn tré Bình Định, vị giác và thính giác của bạn sẽ được đánh thức bởi vị mặn, ngọt, béo, chua, cay, chát và mùi hương đồng gió nội của rơm.

Trong những ngày lễ Tết, đây là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình người dân đất Võ, trên bàn thờ gia tiên và trong bữa nhậu hàng ngày của dân bản địa.

Bài và ảnh: Duyên Mới