728 x 90

Thị trấn sân bay, nơi chỉ dành cho người giàu có

Thị trấn sân bay, nơi chỉ dành cho người giàu có
Những người có máy bay riêng thay vì sống rải rác, họ mua đất, xây nhà sinh sống thành cụm dân cư quanh một sân bay gọi là Airpark để có thể tiện lên máy bay bất kỳ lúc nào.
CanhDep.net

Đối với những người yêu thích bầu trời và những chiếc máy bay, có thể nghề nghiệp khiến họ thần tượng nhất là phi công bởi công việc của họ khi ra khỏi nhà là bước vào một chiếc máy bay và cất cánh. Tuy nhiên ở các nơi phát triển trên thế giới như Mỹ, không chỉ có riêng những phi công mới có thể làm điều này. Các nhà tài phiệt, những người giàu có cũng sở hữu cho mình những chiếc máy bay cá nhân và chỉ cần thích, họ có thể bay lên bầu trời bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên những người sở hữu máy bay riêng lại gặp phải một trở ngại. Đó là mỗi lần cần đi máy bay, họ sẽ phải chạy xe ra các bãi đáp. Vì vậy để cho thuận tiện, những người giàu có chung niềm đam mê bay thường mua đất và xây nhà sinh sống thành một cụm dân cư quanh sân bay. Như vậy, họ có thể đáp máy bay cá nhân ngay ở đường băng trước sân nhà vô cùng thuận tiện. Hiện những người có máy bay riêng và mua đất gần sân bay ngày một nhiều. Mô hình thị trấn hàng không airpark cũng bắt đầu hình thành từ đó.

Thị trấn sân bay nơi chỉ dành cho người giàu có

Thị trấn spruce creek có khoảng 1.300 hộ dân, 700 trong số đó đều sở hữu máy bay riêng. Ảnh: Amusing.

Hiện trên thế giới có chừng 630 thị trấn hàng không, nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến thị trấn Spruce Creek. Những mô hình này có thể gồm những khu dân cư hàng không lớn nhất, nổi tiếng nhất thế giới và cả những nơi nhỏ, nằm rải rác. Tại Mỹ, bang Florida dẫn đầu với sự tồn tại của hơn 70 cụm Airpark. Tại Texas có khoảng 60 cụm và ở Washington là 50. Ngày nay cộng đồng Airpark này còn phát triển mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới từ Zandspruit, Nam Phi tới Siljansnäs, Thụy Điển.

Ảnh thị trấn mỗi nhà có một chiếc máy bay

Khái niệm về mô hình thị trấn hàng không bắt đầu nhen nhóm sau Thế chiến II, khi nước Mỹ đã phát triển ồ ạt về số lượng cả các sân bay và phi công. Để thích ứng với việc số người có khả năng lái máy bay tăng từ 34.000 người năm 1939 lên đến 400.000 người vào năm 1946, Cục Quản lý Hàng không Dân sự Mỹ đề xuất xây dựng 6.000 mô hình thị trấn hàng không, nơi có đường băng và người dân có thể sinh sống ngay tại đó. Tuy nhiên con số 6.000 này đến nay vẫn chưa đạt được, nhưng dự án đó đã tạo thành động lực để người dân phát triển mô hình Airpark.

Thị trấn sân bay nơi chỉ dành cho người giàu có

Thị trấn hàng không cũng có thể được sân dựng trên một sân bay cũ, không còn hoạt động. Thị trấn Spruce Creek được xây dựng trên một sân bay của hải quân từng hoạt động vào thời Thế chiến II.

Để sống ở những khu Airpark này, bạn chỉ cần là một người có tiền để mua đất ở đây và sắm một chiếc máy bay. Ngoài ra bạn cũng phải có khả năng thích ứng với tiếng ồn máy bay, bởi khu này hầu như nhà nào cũng có một chiếc phi cơ đậu ngay trước cửa. Hàng ngày, người dân thường đi làm, du ngoạn bằng máy bay. Người dân sống ở các thị trấn hàng không này thường là những người giàu có, phi công, bác sĩ, kỹ sư, luật sư... Hầu hết họ đều có bằng lái máy bay.

Ngoài đặc điểm độc đáo là sở hữu những con phố có máy bay đậu trước nhà, các Airpark này cũng được người dân đầu tư nhiều tiền của để có chỗ vui chơi, giải trí. Tại thị trấn Spruce Creek còn sở hữu cả một sân golf 18 lỗ hoành tráng, ngân hàng và siêu thị lớn.

Anh Minh