728 x 90

Những ngày ở Bali

Những ngày ở Bali
Thành phố “lướt sóng”… Sân bay quốc tế Ngurah Rai những ngày cuối tháng ba nườm nượp khách du lịch. Từ Ngurah Rai về đến trung tâm thị trấn Kuta chỉ 5km nhưng phải mất 15 phút bằng xe buýt. Kuta...
CanhDep.net
Thành phố “lướt sóng”…

Sân bay quốc tế Ngurah Rai những ngày cuối tháng ba nườm nượp khách du lịch. Từ Ngurah Rai về đến trung tâm thị trấn Kuta chỉ 5km nhưng phải mất 15 phút bằng xe buýt. Kuta trước đây chỉ là một làng chài nhưng giờ đã trở thành trung tâm du lịch thu hút du khách sầm uất nhất Bali. Nơi đây có vô số những khu resort, khách sạn, nhà hàng, mua sắm, quá bar…luôn sẵn sàng phục vụ du khách.

Những ngày ở bali
 

Nước biển ở đây trong một cách đặc biệt, cát trắng mịn với những làn sóng cuồn cuộn trắng xoá luôn là điểm đến lý tưởng của những người yêu lướt sóng. Có lẽ đây cũng là lý do mà đi đâu trên phố biển, tôi cũng nhìn thấy hàng lượt du khách với những tấm ván lướt đầy màu sắc, những trường đào tạo dành riêng cho người mới làm quen với bộ môn này, cho đến những chiếc xe đạp, xe máy được lắp thêm những khung sắt để dễ dàng kẹp những chiếc ván lướt to đùng bên hông. Những chiếc xe này tôi chắc rằng cũng là một nét đặc trưng riêng ở Bali mà không nơi nào có được.

Thánh địa những ngôi đền

Nhưng có lẽ đập vào mắt tôi, Bali gây ấn tượng đầu tiên chính là những ngôi đền nhỏ trước mỗi nhà. Hướng dẫn viên địa phương Okah cho chúng tôi biết Bali thuộc quốc gia có  90% người dân theo đạo Hồi nhưng gần 90% người dân Bali lại theo đạo Hindu. Cũng theo anh Okah, toàn đảo Bali hiện nay có đến 10.000 ngôi đền Hindu.

Những ngày ở bali
 

Một trong những ngôi đền Hindu mà du khách nhất định phải đến đó chính là đền Tanah Lot. Đây là một cụm gồm 3 ngôi đền được xây dựng trên những mỏm đá nằm chơi vơi giữa bốn bề biển xanh sóng vỗ. Chính nhờ vị trí đắc địa này đã tạo nên khung cảnh đặc biệt cho Tanah Lot. Vào lúc mặt trời dần lặn xuống, giữa không gian bao la của biển, ánh nắng chiều vàng rực trải chan hòa trên nền xanh tuyệt đẹp của đại dương bao la. Ngắm hoàng hôn tại ngôi đền này là một thú vui tao nhã.

Đền Tanah Lot được gắn liền với những truyền thuyết kỳ lạ khiến nó càng trở nên lung linh, huyền bí. Tương truyền rằng ngôi đền được một tu sĩ Ấn Độ là Nirartha xây dựng vào thế kỷ 15 để thờ các vị thần biển đã bảo vệ cho hòn đảo. Để bảo vệ ngôi đền, ông đã hoá phép biến chiếc khăn choàng đầu của mình thành một con rắn khổng lồ luôn nằm tại ngôi đền.

Nền văn hoá đặc sắc

Dường như Bali có tất cả những loại hình mà khách du lịch muốn. Hòn đảo Hindu có lịch sử lâu đời luôn gắn liền với những hoạt động nghi lễ, tôn giáo cùng những điệu múa dân gian đậm tính nghệ thuật và tâm linh. Buổi sáng đoàn chúng tôi có dịp đến làng văn hoá Ubud để thưởng thức vũ điệu Barong & Kris được trình diễn hàng ngày tại đây. Đây là điệu múa thể hiện cuộc chiến giữa cái thiện – cái ác với những tiết tấu lạ mắt, huyền bí phối hợp với dàn nhạc cụ truyền thống Bali.

Trên đường đi qua các khu làng và những ngôi đền, tôi đều bắt gặp hình ảnh những người dân Bali trong bộ trang phục truyền thống mang theo các vật phẩm cúng tế tiến vào các ngôi đền. Anh Okah cho biết còn 2 ngày nữa là đến Tết truyền thống Nyepi của người Bali. Theo lịch Saka thì năm nay ngày Nyepi rơi vào ngày 31.03.

Không khí lễ hội chào đón ngày Nyepi thật rộn rã. Những cây tre cao trang trí hoa, lá dừa non được dựng lên khắp nơi. Những hình nộm của quỷ (Ogoh – Ogoh), được người Bali dựng trước các khách sạn, nhà hàng, các giao lộ…để chuẩn bị cho buổi diễu hành vào 1 ngày trước ngày Nyepi và sau đó được mang đi đốt nhằm xua đuổi ma quỷ. Buổi chiều hàng trăm người đi thành từng đoàn xuống các bãi biển để làm lễ Melasti: dùng nước để rửa cho cơ thể và tâm hồn thanh khiết. Tuy không khí chuẩn bị trước ngày Nyepi vô cùng sôi động nhưng ngày lễ chính của Nyepi lại là ngày yên tĩnh nhất trong năm của đảo này. Anh Okah cho biết vào ngày này tất cả mọi hoạt động của người dân đều phải dừng lại. Mọi người đều ở nhà trong yên lặng, không được đốt lửa, mở đèn. Các phương tiện vận chuyển đều ngưng hoạt động kể cả taxi, xe bus và máy bay. Sân bay quốc tế Ngurah Rai hoàn toàn ngưng hoạt động vào ngày này. Có lẽ đây là sân bay duy nhất trên thế giới phải ngưng hoạt động vì ngày lễ tôn giáo.

Ngoài văn hoá lễ hội, Bali còn hấp dẫn du khách bằng những làng nghề thủ công truyền thống đã tồn tại hàng chục thế kỷ qua. Làng truyền thống Kemenuh Mas và Celuk là nơi mà du khách đến tham quan rất đông. Nếu như Mas nổi tiếng với nghề điêu khắc gỗ hơn 1000 năm qua thì Celuk được biết đến với các sản phẩm được chế tác từ bạc vô cùng tinh xảo. Không chỉ đoàn khách quốc tế mà du khách từ những vùng khác của Indonesia cũng bị mê hoặc bởi tay nghề thủ công tinh xảo của các nghệ nhân tại đây. Chúng tôi cũng chọn được cho mình những món đồ lưu niệm được làm từ “gỗ da cá sấu” một loại gỗ phổ biến ở Bali.

Những ngày ở bali
 
Những ngày ở bali
 

Tạm đủ cho một lịch trình ngắn ngày, buổi chiều cuối cùng ở Bali, chúng tôi đi thăm núi lửa Kintamani. Đây là ngọn núi lửa vẫn còn hoạt động với làn khói trắng và mùi lưu huỳnh hăng hắc bốc lên từ miệng núi. Nằm cạnh hồ Batur dưới chân núi là ngôi làng của người Bali Aga với một phong tục lạ kỳ là không chôn người chết mà giữ xác trong cũi tre và để lộ thiêng trong khu đất nghĩa địa. Tuy nhiên các xác chết không bao giờ bốc mùi hay ô nhiễm vì được tẩm một loại hương liệu truyền thống đặc biệt….

Với tôi, 4 ngày đến và ở Bali có lẽ chỉ là một cuộc dạo chơi ngắn ngủi. Còn quá nhiều điểm để khám phá , nhiều trò để chơi, nhiều ngôi đền để chiêm bái. Chúng tôi sẽ trở lại Bali vào một ngày không xa…

Bài- ảnh: Lê Thành Tài - TST Tourist