Bánh cuốn trứng Không giống miền xuôi, bánh cuốn trứng hà giang có nước chấm làm từ nước ninh xương, thả thêm nhúm hành lá và vài miếng giò cắt nhỏ. Bánh cuốn khi tráng được đập thêm một quả trứng rồi cuộn lại để chín hơi ở bên trong. Trứng khi ấy chỉ chín lòng đào nên khách ăn cần cẩn thận để không bị tràn ra ngoài. Bánh cuốn chấm cùng nước lèo nóng hổi, ăn miếng đầu thấy hơi nhạt nhẽo nhưng ăn tiếp sẽ thấy “đã” vô cùng. Bạn có thể tìm đến các quán ở đường Lý Tự Trọng (TP Hà Giang) hoặc đối diện chợ Đồng Văn cũ. Ảnh: dulichhagiang |
Thắng cố Nhiều khách dưới xuôi thường đồn thổi tất cả ruột gan, phèo, phổi của con ngựa không cần rửa và làm sạch mà cho hết vào nồi thắng cố nên món ăn mới có mùi kỳ lạ thế. Thực tế, đó là mùi từ địa liền, lá chanh nướng, hạt dổi, củ sả quyện cùng nồi nước thịt ninh nhừ. Món thắng cố phải nấu trên bếp than đượm lửa. Người nấu trút các miếng thịt ngựa đã xắt vừa ăn vào chảo lớn, không cần thêm dầu mỡ mà để tự mỡ từ miếng thịt ngựa chảy ra rán chính nó. Khi đảo thịt se cạnh mới đổ nước vào chảo và cứ ninh như thế hàng tiếng đồng hồ trên lửa to đến lúc thịt nhừ, thi thoảng mở vung, hớt váng mỡ đổ đi để nước trong chứ không bị đục. Ngồi bên nhau trong tiết trời se lạnh của Hà Giang, ăn miếng thắng cố nóng hổi và nhâm nhi chén rượu men lá thơm nồng, du khách sẽ hiểu được tại sao người vùng cao cứ đến chợ phiên lại phải gặp nhau bên bát thắng cố và chén rượu ngô đến say ngất ngây mới trở về nhà. Ảnh: mixtourist |
Cháo ấu tẩu Không chỉ là món ăn đơn thuần, bát cháo còn là một vị thuốc giải cảm, chính vì thế mà các quán bán cháo ấu tẩu thường chỉ mở vào ban đêm khi tiết trời chuyển sang se lạnh. Cháo nấu từ nếp, tẻ thơm, củ ấu tẩu, nước hầm chân giò, khi ăn rắc thêm các loại rau thơm và chút thịt nạc băm nhỏ. Cháo có vị đắng nên còn được gọi là cháo đắng. Giữa đêm lạnh, ngồi nhẩn nha từng thìa cháo đắng bên cạnh bếp lửa bập bùng, cũng là một cách khám phá thêm về văn hóa và ẩm thực của mảnh đất Hà Giang. Ảnh: Viettrip |
Rêu nướng Kỳ lạ nhất trong các món ăn ở Hà Giang phải kể đến rêu nướng của người dân tộc Tày, xã Xuân Giang, Quang Bình. Bà con dân tộc thường tìm những bãi rêu lớn ở suối, mang về làm kỹ cho sạch nhớt rồi chế biến thành các món như rêu rán, rêu khô, rêu nướng. Nhưng nổi tiếng và ngon nhất vẫn là món rêu nướng. Sau khi tẩm ướp với gia vị, sả, mùi tàu, răm và hạt dổi, rêu được gói trong lá rồi hoặc kẹp que tre nướng trực tiếp trên than. Chín mặt này mới lật mặt kia nướng tiếp chứ không lật đi lật lại nhiều lần như các món nướng khác. Ảnh: Phong Vũ |
Thắng dền Khá giống với bánh trôi tàu hay bán ở Hà Nội, thắng dền làm từ bột gạo nếp bọc nhân đậu xanh hoặc không nhân, nặn to hơn đầu ngón tay cái một chút và cho vào luộc. Đến khi nào bánh nổi lên trên bề mặt nước thì vớt vào bát, chan nước dùng nấu từ đường hoa mai, nước cốt dừa và gừng tươi thái lát. Khi ăn chủ quán rắc thêm chút dừa nạo và lạc hoặc vừng rang chín thơm. Giữa một ngày mùa lạnh ở Đồng Văn, ngồi nhẩn nha ăn từng miếng thắng dền, cảm nhận vị ngọt ngào, béo ngậy và thơm nồng mùi gừng, giúp cái lạnh giảm đi ít nhiều lần. Ảnh: Hagiangonline |
Lạp xưởng gác bếp Loại thịt được người dân Hà Giang chọn làm lạp xưởng phải là loại thịt nửa nạc, nửa mỡ. Thịt được lược bỏ bì, băm rối rồi ướp gia vị, rượu trắng, nước gừng, nhồi lòng, sau đó mang gác bếp đến khô để món ăn đượm mùi khói bếp và thơm thoang thoảng mùi rượu, gia vị của vùng cao. Khi ăn người ta mang chiên cả khúc rồi xắt lát, chấm với mắm gừng. Miếng lạp xưởng gác bếp có vị dai dẻo của thịt, béo của mỡ và mùi thơm đặc trưng không lẫn vào đâu khác. Ảnh: Hagiangtv |
Phở chua phở chua có tên gọi gốc Trung Quốc là “Lương pàn”, nghĩa là phở mát, vì thế đây là món ăn phổ biến ở Hà Giang vào mùa hè. Nguyên liệu làm nên bát phở gồm bánh phở, thịt xá xíu, vịt quay, lạp xưởng, lạc chao dầu cùng các loại rau thơm, đu đủ nạo rồi cuối cùng rưới nước dùng phở sền sệt, chua chua, ngọt ngọt lên trên. Bát phở ăn có vị lạ miệng khác hẳn với phở nước thông thường dưới vùng xuôi, phổ biến tại các chợ phiên Hà Giang. Ảnh: Linh An |
Xem thêm: Lưu ý phượt Hà Giang mùa tam giác mạch
Yên Hòa