Quốc đảo maldives nằm ở giữa ấn độ Dương, được tạo thành từ 1.190 đảo san hô kéo dài hơn 90.000 km2. Maldives có 90% diện tích là nước biển và sở hữu nền văn hóa 3.000 năm tuổi cùng một hệ thống giáo dục hiện đại. Dưới đây là nhiều điều thú vị khác.
Maldives do một hoàng tử bị trục xuất sáng lập
Maldives là một chuỗi đảo gồm nhiều đường giao thương quan trọng. Những người đầu tiên chính thức định cư ở các đảo này đến từ Ấn Độ khoảng năm 269 trước Công Nguyên. Tương truyền nơi đây, khi xưa chưa có chính quyền mà chỉ là một cộng đồng người yêu chuộng hòa bình, thờ mặt trời và nước. Vương quốc đầu tiên do con trai vua Kalinga, Ấn Độ là hoàng tử Sri Soorudasaruna Adeettiya lập nên. Nhà vua không hài lòng với người con trai nên đày anh đến Maldives, còn được gọi là Dheeva Maari. Lịch sử thời sơ khai của Maldives pha lẫn với truyền thuyết. Các vị vua thời xưa chủ yếu được biết đến qua những lời kể.
Nội các họp dưới đáy biển
Biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng đang đe dọa đến sự tồn vong của Maldives. Một số hòn đảo phải di dân do tình trạng nước biển dâng, xâm lấn nguồn nước ngọt. Để thu hút sự chú ý tới mối lo ngại này, tổng thống Mohamed Nasheed chuyển cuộc họp nội các tháng 10/2009 xuống biển. Tổng thống và 13 thành viên chính phủ đeo thiết bị lặn, ngồi làm việc trên bàn được kê dưới đáy biển.
Tổng thống Mohamed Nasheed trong cuộc họp nội các năm 2009. Ảnh: Telegraph. |
98% người trưởng thành biết chữ
Maldives tự hào có tỷ lệ 98% người trưởng thành biết đọc viết, một bước nhảy vọt so với 70% năm 1978. Cư dân sống rải rác trên khoảng 200 đảo. Bởi vậy hệ thống giáo dục đồng nhất rất khó khăn. Với 35% dân số dưới 18 tuổi, giáo dục là chìa khóa giúp họ có tương lai tươi sáng. Dưới sự giúp đỡ của UNICEF, Maldives triển khai hệ thống giáo dục đồng nhất từ năm 1978. Họ xây dựng Trung tâm giáo viên, sử dụng internet để giảng dạy từ xa. Kết quả, 100% trẻ em được học tiểu học. Trong khi đó theo thống kê của Bộ giáo dục Mỹ, trong vòng 10 năm qua, nước này vẫn có tới 14% dân số mù chữ .
Maldives từng là quốc gia Phật giáo
Du khách đến Maldives đều phải tuần thủ các quy định địa phương và truyền thống hồi giáo . Tuy nhiên, ít ai biết rằng ban đầu Maldives là một quốc gia theo đạo Phật. Đến thế kỷ 12, Maldives chuyển thành quốc gia Hồi giáo khi những người đàn ông đạo Hồi theo các thương gia tới đây. Vào thế kỷ 16, quần đảo thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Họ cố gắng truyền bá đạo Thiên chúa nhưng thất bại. Luật pháp quy định Tổng thống và thành viên nội các phải là người Hồi giáo.
Sinh vật biển phong phú
Ở nhiều nơi, mỗi tour xem cá voi phải mất hàng giờ trên thuyền chỉ để xem một hai chú cá voi, kém may mắn là còn không thấy. Trong khi đó, du khách có thể ngắm cá voi tại bất kỳ địa điểm nào ở Maldives với số lượng 1.500 đến 2.500 con cá voi và cá heo. Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, có khoảng 10 – 12 loài cá voi và cá heo sống quanh các rạn san hô. Một bầy cá voi có thể lên tới 200 cá thể. Maldives còn nổi tiếng với loài lớn nhất thế giới – cá mập voi, dài từ 5,5 đến 10 m.
Bơi cùng cá mập voi ở Madives. Ảnh: wp. |
Cấm sử dụng đồ uống có cồn ngoài các khu nghỉ dưỡng
Du khách đến Maldives phải tôn trọng và tuần thủ các quy định đạo Hồi truyền thống. Đồ uống có cồn bị cấm, chỉ được sử dụng trong khuôn viên các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Nhập khẩu các đồ cấm như thịt lợn và chế phẩm từ thịt lợn là phạm pháp. Trong suốt tháng Ramanda, du khách phải tránh ăn uống và hút thuốc lá ở nơi công cộng. Ngoài ra, khỏa thân và bán khỏa thân ở các bãi biển hay cả trong khu nghỉ dưỡng đều không được phép.
Quất roi trừng phạt kẻ ngoại tình
Những kẻ ngoại tình sẽ bị đưa ra trước công chúng và đánh bằng roi. Trên thực tế, phần lớn người bị quất roi là phụ nữ. Theo thống kê năm 2006, 184 phụ nữ bị quất roi và chỉ có 38 người là nam giới. Hầu hết đàn ông khi bị cáo buộc đều phủ nhận và được tha. Năm 2009, một bà mẹ trẻ 18 tuổi bị quất roi 100 lần và phải nhập nhập viện. Cô không nhận tội nhưng bị cáo buộc vì có thai. Hai người đàn ông liên quan đến cô gái lại được xử vô tội.
Tôn giáo cực đoan
Người dân Maldives nổi tiếng không khoan dung với những ai xúc phạm tôn giáo của họ. Du khách nên chú ý nếu không muốn bị phạt tù. Những tội danh như buôn bán thuốc phiện, mang bất kỳ thần tượng tôn giáo nào khác, tranh ảnh khiêu dâm hoặc đồ uống có cồn đều bị trừng phạt. Quan hệ đồng tính cũng có thể bị đi tù. Hiến pháp Maldives năm 1997 quy định công dân nước này phải là người đạo Hồi, không chấp nhận bất kỳ tôn giáo nào khác. Nếu thay đổi tôn giáo, đồng nghĩa với việc mất quyền công dân.
Tin vào bùa chú
Đa số người dân Maldives có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh siêu nhiên, bao gồm cả việc dùng bùa chú. Vào tháng 9/2013, một quả dừa non bị cảnh sát thu giữ sau khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn xuất hiện bên ngoài một địa điểm bầu cử tổng thống, có ý đồ giàn xếp kết quả bầu cử. Dừa là một thành tố thường xuất hiện khi làm bùa chú. Cảnh sát đã mời một thầy phủ thủy thiện tâm tới để kiểm tra quả dừa có đe dọa hay mang thần chú gì không. Thầy phù thủy phán quà dừa vô tội vì không tìm thấy bùa chú gì như lời cáo buộc.
Như Bình (Theo Listverse)