728 x 90

Nhật ký trên những đôi giày: Chạm vào ‘thành phố vĩnh cửu’

Nhật ký trên những đôi giày: Chạm vào ‘thành phố vĩnh cửu’
Rome, pizza và Vespa Tôi đến "thành phố vĩnh cửu" (một tên gọi thân mật của Rome) một chiều tháng 5. Thời tiết, khí hậu Địa Trung Hải thời gian này khá nóng. Rome của Ý dường như còn nóng hơn với...
CanhDep.net

Rome, pizzavespa

Tôi đến "thành phố vĩnh cửu" (một tên gọi thân mật của Rome) một chiều tháng 5. Thời tiết, khí hậu Địa Trung Hải thời gian này khá nóng. Rome của Ý dường như còn nóng hơn với hệ thống tường, thành, các công trình đồ sộ tràn ngập. Những dòng người tham quan, những con đường bận rộn đầy xe các loại từ xe máy, xe hơi, taxi đến xe buýt, những tiếng ồn đinh tai của giao thông trên đường giữa thành phố Rome vào giờ cao điểm.

Nghe có vẻ hài hước, nhưng nước Ý được đặt vào danh sách điểm đến của du lịch vì cảm hứng mà các bộ phim điện ảnh mang lại như Gladiator, Quo Vadis?, Da Vinci Code hay là When in Rome. Tất nhiên, tuỳ từng mục đích mà mỗi du khách đến Rome quyết định đâu là trung tâm để thăm viếng vì ở Rome, mỗi tấc đất, mỗi mét vuông gạch đá đều chứa đựng những dấu vết lịch sử hào hùng của cư dân từ thời La Mã cổ đại đến ngày nay.

Ngắm tác phẩm của Michelangelo, Raphael và Bernini là mục đích chính nên Vatican City là nơi tôi chọn làm trung tâm khi đến Rome. Nhà trọ đặt qua mạng nằm ngay đầu đường Ottaviano, nhìn sang bảo tàng Vatican và toà thánh. Bức tường kiên cố màu đất bao quanh toà thánh và mái vòm màu xanh của thánh đường St Peter’s Basilica là thứ đầu tiên đập vào mắt tôi mỗi buổi sáng tỉnh giấc.

Đến Ý thì phải thưởng thức pizza. Đó là điều đương nhiên. Bánh pizza đủ loại nhân, cân ký bán, giá cả rẻ hơn ở nhà hàng, không gian bày biện chỉ có bàn ghế đơn giản và một vài bức tranh trừu tượng trên tường. Đó là những miếng bánh pizza ngon nhất tôi từng thưởng thức, không biết vì đói hay vì nó chắc chắn là “Made in Italy”. Tuy nhiên, lý tưởng hơn cả, đây là cơ hội nói chuyện và hiểu thêm đôi chút về “một bữa pizza” của người dân ở đây.

 Ba cô gái người Ý ăn tối ở quán pizza thậm chí còn chủ động bắt chuyện và hỏi thăm tôi về kế hoạch du lịch tại Rome. Họ chỉ cho cách bảo quản đồ cá nhân, giỏ xách, máy ảnh, giúp tôi đánh dấu một vài điểm đến thú vị trên chiếc bản đồ tôi mang theo mà ít du khách chú ý, các tuyến tàu điện ngầm và xe buýt. Nhưng đến lúc chia tay, Santa, một trong ba cô gái nháy mắt thuyết phục: “Đến đây thì phải trải nghiệm Vespa. Hãy tự thưởng cho mình một “kỳ nghỉ ở Rome” dù chỉ đến đây một mình”. Cô nhắc tôi nhớ đến bộ phim nổi tiếng một thời.

Với trên dưới chục triệu du khách ghé thăm hàng năm, Rome có lẽ không cần phim ảnh quảng bá để thu hút khách, nhưng không thể phủ nhận, chính những bộ phim lấy bối cảnh tại Rome đã đẩy doanh thu trong ngành du lịch tăng lên đáng kể. Những tour du ngoạn quanh Rome bằng Vespa (tự chạy hoặc được chở) hiện rất được du khách Tây phương và Mỹ yêu thích. Hay đài phun nước Trevi luôn tấp nập du khách. Nơi đây không chỉ có hệ thống các bức tượng điêu khắc đẹp mà còn gắn với một huyền thoại mà ai cũng muốn thử dù không biết họ có tin hay không: nếu ném xuống hồ nước dưới chân đài phun nước một đồng xu, bạn sẽ có cơ hội quay lại Rome lần nữa. 

Cảm nhận về sự vĩnh cửu

Đến Rome là cơ hội chiêm ngưỡng thế giới nghệ thuật về kiến trúc, điêu khắc và hội hoạ, những thứ mang lại cho người xem về một cảm giác vĩnh cửu rõ ràng. Quả không hổ danh là trung tâm của nhiều trường phái trong lịch sử phát triển điêu khắc, nghệ thuật, kiến trúc của thế giới, từ phong cách La Mã cổ điển, hoàng gia, Romanesque, Phục hưng, Baroque, cho đến kiến trúc phát xít hiện đại (*).

Những cái tên nổi tiếng gắn với Rome có thể kể đến như: Donato Bramante, Nicola Salvi, Pietro Bracci, Bernini, Caravaggio… và lớp lớp thế hệ khác đã để lại các tác phẩm làm nên một Rome độc đáo. Những công trình, kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật đại diện cho các phong cách hiện diện dày đặc tại Rome hàng trăm, ngàn năm qua, hiện vẫn thực hiện tốt các chức năng từ những ngày đầu được làm ra. Những toà nhà mái vòm, quảng trường, những cây cầu, tượng đài, những con đường, những bức tượng trang trí hoặc đứng độc lập, tạo cho Rome sự vĩ đại và huyền bí...

Không kịp đến cây cầu đá Pons Fabricius xây dựng từ năm 62 trước Công nguyên nối bờ đông của sông Tiber với hòn đảo Tiber giữa sông , tôi đến đấu trường La Mã và đồi Palatine với mong muốn đặt chân lên dấu chân của những người La Mã xa xưa.

Các công trình nghiên cứu về Rome cho biết trong khi thành roma cổ nằm dưới thành phố Rome hiện nay từ 8 – 15m do các lớp đất đá xây dựng chồng chất lên sau hơn 2.600 năm, thì quảng trường phía ngoài hí trường Colosseum vẫn giữ nguyên vị trí từ khi hình thành. Điều này có nghĩa, khi du khách bước chân trên những hòn đá lát ở quảng trường, có nghĩa là đang bước đi trên dấu chân của người Roma cổ một thời. Mất gì đâu, tôi tin mình đã thực hiện được điều đó.    

bài và ảnh Kim Dung (TGTT)
Chú thích ảnh: Một góc thành phố Rome với những di sản kiến trúc khổng lồ.
(*) Kiến trúc phát xít là loại kiến trúc được phát triển bởi các nghệ sĩ, kiến trúc sư sống ở xã hội phát xít, phát triển cùng với chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa dân tộc tại một số nước Tây Âu vào đầu thế kỷ 20. Một vài kiến trúc điển hình như khu dân cư và kinh doanh EUR ở phía nam thành phố Rome, hay Palazzo di Giustizia tại Milan. Tuy nhiên, phần lớn các kiến trúc này đều được xây dựng dở dang hoặc bị huỷ bỏ do sự nhạy cảm về chủ nghĩa phát xít sau thế chiến 2.