Vào mùa Lễ tạ ơn, ước tính gần 25 triệu người sẽ bay trên các hãng hàng không nước Mỹ trong khoảng thời gian 21/11-2/12. Cùng một hàng ghế, người mua vé trước vài tháng thường có giá rẻ trong khi hành khách chậm chân hơn, đặt vé cách đó vài tuần phải chi rất nhiều tiền. Một vài người may mắn được hưởng ưu đãi vào phút cuối nên giá vé cũng rất hời.
Tuy vậy, một câu hỏi hầu như ít ai biết là vì sao ba người cùng ngồi chung một hàng ghế, nhưng hành khách bên cạnh lại được mua vé với giá rẻ hơn bạn nhiều. Khi chọn bay vào những dịp tết, lễ hội, thông thường, một số hãng hàng không bán vé với giá cao.
Du khách cũng không thấy phiền hà với chuyện này, ngoại trừ việc họ không hiểu nổi hệ thống giá cả phức tạp. Đôi khi, một số hành khách còn cảm thấy không công bằng khi người trả cao, kẻ lại trả thấp cho một tấm vé với cùng dịch vụ giống nhau.
Ngồi cùng một hàng ghế, nhưng chắc chắn mỗi người đã mua vé với giá tiền khác nhau. Ảnh: Thesundaytimes |
Đáp lại vấn đề này, đa số hãng hàng không cho rằng họ giá cả họ đưa ra thực tế mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, dù rằng lời lãi cũng là vấn đề nhiều đơn vị quan tâm. Câu chuyện này sẽ dễ hình dung hơn khi xem xét ví dụ dưới đây.
Giả sử một phi cơ 100 chỗ chuẩn bị bay từ Philadelphia đến Chicago. Giá phải trả cho toàn bộ chuyến bay là 40.000 USD bao gồm nguyên liệu, lương phi công, tiếp viên, bảo hiểm, sân bãi...
Như vậy, hãng hàng không phải thu ít nhất 40.000 USD tiền vé để thực hiện chuyến bay. Nếu các hãng cùng quy định một mức giá vé cho chuyến bay, mỗi khách sẽ phải chi ít nhất 425 USD mới mong doanh thu 42.500 USD và giúp doanh nghiệp có lãi.
Tuy nhiên, 100 hành khách có thể không sẵn lòng trả 425 USD để bay. Nhiều khả năng 100 sinh viên khó khăn muốn bay chuyến này nhưng chỉ có thể trả 300 USD một vé. Trong khi đó, nếu 20 doanh nhân cũng muốn bay cùng chuyến, họ sẵn sàng chi tới 900 USD (nếu hãng có niêm yết mức này).
Giả sử hãng hàng không thu 425 USD một vé. Nhiều khả năng họ chỉ có thể bán được 20 vé cho doanh nhân, thu về số tiền 8.500 USD và chuyến bay bị coi là lỗ. Dù nâng giá vé lên 900 USD và bán cho doanh nhân, doanh thu cũng chỉ tới 18.000 USD, nghĩa là vẫn lỗ.
Đây chính là lý do vì sao giá vé phải khác nhau. Vì nếu bán với giá 300 USD cho 80 sinh viên nghèo và 900 USD cho 20 doanh nhân, doanh số hãng có thể đạt 100 vé, thu về đủ 42.000 USD.
Lẽ đương nhiên là các hãng hàng không chẳng bao giờ hỏi bạn câu "Anh trả được bao nhiêu?" hoặc "Bạn đi chơi hay bay gấp vì công việc?"... Thay vào đó, họ chỉ đưa ra các mức giá khác nhau thông qua việc mua trước hoặc giới hạn số chỗ với giá rẻ.
Nói cách khác, bạn đang thực sự mua những thứ khác nhau. Sinh viên thì bay vào những ngày không thích hợp để được giá rẻ và phải chốt lịch từ trước. Doanh nhân trả tiền để mua những chỗ cuối cùng sát giờ bay với mức cao.
Dù khi nghe qua, bạn có thể thấy sinh viên dường như được hưởng lợi vì doanh nhân phải bù giá vé cho họ. Nhưng thực tế, doanh nhân lại đạt lợi ích cao hơn nếu lên được những chuyến bay vào phút cuối.
Cấu trúc giá này giúp các hãng hàng không lấp đầy chỗ ngồi, còn các doanh nhân thường bay có nhiều lựa chọn. Dù các hãng vẫn muốn thu về lợi nhuận, nhưng với chính sách này, họ lại giúp mọi người đều có cơ hội được bay.
Thảo Nghi