728 x 90

Khám phá một Hà Giang ‘nơi sự sống nảy mầm trên đá’

Khám phá một Hà Giang ‘nơi sự sống nảy mầm trên đá’
Càng đi lên càng thấy vùng đất chốn địa đầu tổ quốc Hà Giang cằn cỗi và khốn khó bởi tứ bề chỉ là một màu xám ngắt của đá và đá, nhưng thú vị và lạ lùng thay nơi đây sự sống vẫn sinh sôi và nảy nở, vẫn nuôi dưỡng con người. Tuy nghèo, tuy lạc hậu thiếu thốn nhưng một Hà Giang rất đẹp vẫn tồn tại bao đời nay.
CanhDep.net
Sự sống nảy mầm trên đá
hà giang đẹp là thế nhưng cái nghèo khó, lạc hậu và thiếu thốn vẫn tồn tại bao đời nay, điều này càng thấy rõ nhất khi rời khỏi thị trấn Yên Minh và lữ khách vẫn tiếp tục hành trình theo QL 4C băng đèo vượt núi qua các địa danh Phó Cáo, Sủng Là nơi hai bên đường đi chỉ thấy một màu xám ngắt của các dãy núi đá tai mèo sắc nhọn như gươm giáo chọc thẳng lên trời xanh.
Khám phá một hà giang nơi sự sống nảy mầm trên đá
Đá tai mèo như gươm giáo sắc nhọn chọc thẳng lên trời cao.
Chính những nơi chỉ trơ trụi toàn đá này tưởng chừng như sự sống không tồn tại, nhưng kỳ diệu thay từ trong những khe đá vẫn vẫn ấp ủ những mầm non, bàn tay con người nơi đây vẫn kiên trì tra từng kẽ đá, gieo từng hạt giống để từng ngày sự sống nảy mầm, tươi xanh mơn mởn đẩy lùi bao khó khăn trở ngại về phía sau, các luống ngô (bắp) vẫn xanh rì tươi tốt, những luống rau cải mèo mềm mại cũng thi nhau vượt lên xen kẽ giữa đá khô cứng.
Khám phá một hà giang nơi sự sống nảy mầm trên đá
Sự sống vẫn nảy mầm từ đá.
Đặc biệt hơn nữa, từ những nơi khô cằn khắc nghiệt nhất đó, cái đẹp vẫn nảy mầm vẫn vươn lên tràn đầy sức sống và sắc màu. Vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 ở cao nguyên đá đồng văn các cánh đồng hoa Tam Giác Mạch nở khoe sắc rực rỡ phủ đầy nơi các triền núi cao tô điểm thêm sắc màu cho đất trời, che bớt đi màu xám ảm đạm của đá núi đến nghẹn lòng.
Khám phá một hà giang nơi sự sống nảy mầm trên đá
Hoa Tam Giác Mạch ở Ma Lé, Đồng Văn.
Dinh vua mèo và dấu vết “anh túc” một thời
Bầu trời nhiều mây xám mịt mù, vẫn đèo tiếp nối đèo, đá tiếp nối đá, chiều muộn cuối thu đầu đông càng lạnh hơn qua từng luồng gió thổi heo hút từ các vách đá. Qua khỏi Sủng Là rồi đến Sà Phìn, một xã của huyện Đồng Văn. Từ trên đèo cao nhìn xuống nơi thung lũng xa xa, tọa lạc một tổ hợp gồm chợ, trường học và “Dinh thự nhà họ Vương”. Một dinh thự bề thế tồn tại qua cả thế kỷ của vị vua Mèo nổi tiếng “Vương Chí Sình”.
Khám phá một hà giang nơi sự sống nảy mầm trên đá
Dinh thự vua Mèo bề thế với 64 phòng được xây dựng trong 8 năm.
Từ cổng vào là lối đi lát đá xẻ, hai bên là hai hàng cây sa mộc, hàng rào xung quanh đều bằng đá xẻ, xếp chồng lên nhau, tường nhà bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ lim và lợp bằng ngói âm dương. Dinh thự được xây ròng rã trong 8 năm, kiến trúc độc đáo với 64 gian phòng lớn nhỏ, gồm phòng khách, phòng ngủ của vua Mèo, phòng ngủ vợ cả, phòng ngủ vợ hai, phòng làm việc, phòng ngủ cho các thành viên trong dòng họ, phòng ở của các gia nhân giúp việc và quân lính, nhà kho lương thực, kho vũ khí, kho chứa thuốc phiện… Nơi đây trong từng nét kiến trúc đều để lại dấu vết một thời vàng son của thuốc phiện với hình ảnh “quả anh túc” trong các chân cột, kèo.
Khám phá một hà giang nơi sự sống nảy mầm trên đá
Biểu tượng quả Anh Túc (thuốc phiện) trong kiến trúc dinh thự họ vương .
Đêm cao nguyên đá với rượu ngô men lá
Chia tay dinh thự họ Vương, mất khoảng 15 cây số nữa là đến thị trận Đồng Văn, tới nơi cũng là lúc trời vừa tối. Tôi cảm thấy trong lòng một cảm giác lâng lâng và thú vị sau một ngày vượt đèo leo dốc và giờ đây có thể tạm dừng chân, nghỉ ngơi và thư giản. Buổi tối đi bộ và ngắm phố cổ nơi cao nguyên đá, trong ánh đèn vàng vọt, các con phố mờ ảo trong hơi sương lạnh, xen kẽ giữa các hàng quán là các căn nhà gỗ cổ, với ánh đèn le lói rọi qua các khe cửa khép hững hờ, mái ngói đầy rêu phong theo năm tháng… Một nét thâm trầm xa vắng tạo cho lữ khách cảm giác như trở về những năm tháng xa xưa.
Khám phá một hà giang nơi sự sống nảy mầm trên đá
cà phê phố cổ trên thị trấn Đồng Văn.
“Cà phê Phố Cổ” là điểm dừng thú vị nơi cao nguyên đá bởi lối kiến trúc hoài cổ. Đến với cao nguyên đá Đồng Văn, lữ khách không nên bỏ qua những món ăn đặc sắc nơi đây như cháo ấu tẩu, mèn mén, rượu tam giác mạch, bánh cuốn với nước chan (nước lèo) rất đặc trưng, dê núi cao nguyên đá… Đặc biệt rượu ngô nơi đây tôi có cảm nhận rất ngon bởi hương vị men nồng, thơm, uống nhiều không hề cảm thấy nhức đầu và cảm giác say lâng lâng dễ chịu, uống rồi thấy nhớ mãi và buổi tối hôm đó trong men nồng của rượu ngô men lá, hồn thơ trong lòng lữ khách như dâng trào:
“Đêm cao nguyên đá
Gió về lạnh giá
Rượu ngô men lá
Ấm lòng thi nhân”
Khám phá một hà giang nơi sự sống nảy mầm trên đá
Bánh cuốn nóng với nước chan rất đặc trưng ở Đồng Văn.
Cột cờ Lũng Cú, Điểm địa đầu của tổ quốc
Có lẽ hầu hết trong chúng ta ai cũng biết cột cờ lũng cú là điểm địa đầu Tổ Quốc, gắn với nhiều giai thoại trong lịch sử trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo. Cột cờ nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn), phía dưới chân núi là 2 ao nước không bao giờ cạn, theo huyền thoại là 2 mắt của rồng và là nguồn nước cho dân bản nơi đây sinh hoạt.
Lữ khách có thể đến Lũng Cú theo hai đường, một từ ngã 3 Sà Phìn, ngay dinh thự họ Vương. Hai là từ thị trấn Đồng Văn, cả hai đường đều dẫn qua xã Ma Lé trước khi đến Lũng Cú.
Cột cờ Lũng Cú ngày nay được trùng tu tôn tạo nhìn uy nghi hùng dũng, kiểu dáng có hình bát giác, trên đỉnh là lá cờ tổ quốc có diện tích 9mx6m = 54m2. Theo lời của một chiến sĩ biên phòng, diện tích 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đoàn kết của đất nước Việt Nam ta.
Khi lên đỉnh cột cờ, lá cờ Tổ Quốc bay phần phật như cuốn người vào. Nhìn thấy xung quanh bốn bề núi non trùng điệp, ruộng bậc thang lớp lớp đan xe, xa xa phía bên kia biên giới đã là đất nước khác. Một cảm giác lâng lâng, thiêng liêng thấm vào lòng, một niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước dâng trào trong tim.
Khám phá một hà giang nơi sự sống nảy mầm trên đá
Cột cờ Lũng Cú – Điểm địa đầu của Tổ Quốc.
Đèo Mã Pì Lèng - thiên hạ đệ nhất hùng quan
Tiếp tục hành trình từ thị trấn Đồng Văn, trên con đường mang tên “Hạnh Phúc” lữ khách sẽ đến với Mã Pì Lèng - một trong tứ đại đèo và được mệnh danh là “vua của các con đèo Việt Nam”. đèo mã pì lèng không dài, chỉ khoảng 25km nối liền 2 thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc nhưng có độ hiểm trở vào bậc nhất, hiểm nguy luôn rình rập cho khách qua đèo. Bù lại đèo Mã Pì Lèng có một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và cũng được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, bởi các núi đá chập chùng tiếp nối, các thung lũng sâu hun hút lạnh người. Đỉnh đèo Mã Pì Lèng là nơi có thể nhìn ngắm các đỉnh núi cao vời vợi, các vách núi như dựng thẳng đứng và rơi hun hút xuống dòng Nho Quê xanh lơ như sợi chỉ tơ lọt giữa lòng muôn vàn khe núi.
Khám phá một hà giang nơi sự sống nảy mầm trên đá
Đèo Mã Pì Lèng – Thiên hạ đệ nhất hùng quan.
Ngoài vẻ đẹp hùng vĩ ra, đèo Mã Pì Lèng cũng là chứng cứ sống động nhất thể hiện tinh thần đoàn kết 16 dân tộc, của đồng bào của tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận đã phải đổ bao xương máu, và hy sinh mạng sống của nhiều thanh niên để xây dựng được con đường mang tên “Hạnh Phúc” vượt qua đỉnh đèo cao ngất và hiểm trở bậc nhất này nối liền các bản làng, xã vùng cao xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang và cũng là những địa danh xa xôi nhất ở cực bắc của Tổ Quốc.
Tới Mã Pì Lèng để cảm nhận non sông đất Việt hùng vĩ tới chừng nào, để nghe tiếng lòng nhưng nhức nỗi thương đau từ sự hy sinh của những con người đã quên mình vì đồng bào, vì dân tộc anh em – họ chính là các chiến sĩ mở đèo.
Thông tin lưu ý:
Trên cung đường này, lữ khách nên dừng chân ở thị trấn Đồng Văn để trải nghiệm đêm lạnh giữa cao nguyên đá và thưởng thức những món ngon nơi đây như đã kể trên.
Về lịch sử Đèo Mã Pì Lèng, đây chính là một kỳ công gắn một giai thoại bi hùng của những con người nơi đây mà các bạn nên đọc thêm, để hiểu và cảm nhận rõ hơn về thành quả phi thường của thế hệ trước đây, để ngày nay chúng ta có thể nhẹ nhàng thừa hưởng một cung đường đèo hùng vĩ đẹp tuyệt vời. Rất nhiều thông tin, bài viết chi tiết đã được chia sẻ trên mạng và các bạn có thể dễ dàng tìm thấy với từ khóa “Mã Pì Lèng”.
Ngô Xuân Bằng – Trưởng phòng ERP, Công ty TP Ân Nam