Chợ phiên sà phìn nằm ở huyện Sà Phìn, cách thị xã hà giang 140km, ngay dưới đường dẫn lên dinh thự vua Mèo, ngôi nhà quyền uy nhất vùng núi phía Bắc nước ta thuở trước.
Không đơn thuần chỉ là mua sắm, trao đổi hàng hóa, đến với chợ Sà Phìn người ta còn được thưởng thức rượu và tâm tình cùng những người bạn cũ, bạn tình.
chợ lùi Sà Phìn còn được xem như là một phiên chợ tình độc đáo của Hà Giang. Những người yêu nhau không đến được với nhau, đến chợ gặp nhau có thể ngồi lại cùng để kể cho nhau nghe về mọi điều trong cuộc sống một cách vô tư, thoải mái.
Hàng tuần, vào ngày diễn ra phiên chợ, người dân các bản làng từ núi cao lại tấp nập rủ nhau gùi gánh mang những hàng hóa, nông sản xuống chợ để trao đổi, buôn bán, mua thực phẩm và đồ dùng thiết yếu trong gia đình cho cả tuần lễ sau đó.
Thuốc và các dược liệu quý cũng là một mặt hàng thiết yếu được bán trong chợ.
Những người phụ nữ Mông trong bộ váy áo xúng xính cũng dậy thật sớm, địu những bao tải gạo nương trên lưng để kịp buổi chợ. Họ không nói thách hay mặc cả, chỉ ưng cái bụng là mua bán trao đổi với nhau.
Đèn pin, khóa cửa, bật lửa, xoong, nồi... là những vật dụng cần thiết với người bản cao nên được bày bán ở nhiều nơi trong chợ.
Góc bên phải cuối chợ chuyên phục vụ đồ ăn, nơi đây tập trung khá đông người nên những cô bán hàng phải luôn tay tất bật phục vụ khách. Từng tốp nhỏ tụm năm tụm ba ngồi ăn uống, chuyện trò rôm rả.
Chỉ cần chiếc bánh hay cái kẹo là trẻ em đã chơi ngoan, theo mẹ suốt cả buổi. Chợ Sà Phìn tập trung chủ yếu là người Mông, dù khách du lịch đến chơi chợ hằng tuần rất dông nhưng người dân bản địa vẫn rụt rè khi có người lạ đến bắt chuyện.
Lũ trẻ trai rủ nhau xuống chơi chợ cũng nâng chén rượu, chén bia như những người đàn ông thực thụ. Đứa lớn chia sẻ rằng: "Cô giáo bắt được thì phạt nhưng bố mẹ thì không cấm, con trai phải biết uống rượu để có khách đến nhà còn ra mời chứ!".
Bánh lơ khoái là món ăn yêu thích của trẻ em nơi đây. Tuy hàng hóa còn đơn sơ nhưng phiên chợ được đánh giá là một trong số ít những phiên chợ còn lưu giữ được nhiều bản sắc của người dân nơi rẻo cao.