Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết việc đầu tư và nâng cấp dịch vụ du lịch tại một số điểm văn hóa sẽ góp phần đưa thủ đô trở thành một điểm dừng chân hấp dẫn, có đẳng cấp, xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước.
Theo đó, mặt nước và không gian cảnh quan xung quanh hồ Tây sẽ được khai thác triệt để. Ngành du lịch hà nội sẽ cố gắng tạo nên một điểm nhấn đặc sắc trong lòng thủ đô, bằng việc khai thác các sản phẩm du lịch trên mặt hồ như phát triển dịch vụ thuyền buồm du lịch, trình diễn các loại hình nghệ thuật trên mặt nước với ánh sáng laser, pháo sáng, pháo hoa, kết hợp tuyến du lịch tâm linh, du lịch làng nghề cổ.
Tại khu phố cổ sẽ phát triển chuỗi cửa hàng dành cho khách du lịch. Các điểm này sẽ được chỉnh trang, khuyến khích kinh doanh các sản phẩm mang tính truyền thống Việt Nam và được ngành du lịch cấp biển hiệu đạt chuẩn. Cùng với đó là mở rộng những khu cộng đồng mà ở đó du khách được cùng tham gia các hoạt động với người dân nhằm tạo điểm nhấn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Hà Nội chú trọng tạo một diện mạo mới cho các điểm dừng chân, để nơi đây trở thành trung tâm du lịch của khu vực và cả nước. |
Ngoài ra Hà Nội cũng phát triển tuyến du lịch ven sông Hồng, du lịch bền vững tại quần thể "Không gian lễ hội Gióng", huyện Gia Lâm và Sóc Sơn. Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai cũng sẽ được quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Thành phố cũng kiên quyết xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo, ép khách du lịch mua hàng tại các khu, điểm du lịch và trước cửa các khách sạn. Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức tốt các dịch vụ vệ tinh phục vụ du khách như taxi, xe bus, xe điện du lịch, các nhà hàng, điểm bán đồ lưu niệm mang tính đặc trưng của địa phương. Đồng thời nâng cấp phát triển và sử dụng có hiệu quả các quầy thông tin du lịch kết hợp đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch khi đến thủ đô.
Điểm quan trọng ngành du lịch Hà Nội mong muốn thực hiện trong những năm tới là chú trọng vào đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định những năm qua sự phát triển du lịch ở Hà Nội chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để có thể giữ khách ở lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn.
"Doanh nghiệp là lực lượng chủ lực đưa các chính sách hỗ trợ của chính phủ, Bộ, thành phố thành hiện thực và phát huy nguồn lực đa dạng để đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có đẳng cấp đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các dòng khách đến với Hà Nội", bà Liên cho hay.
Ngày 23/10, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp mặt đại diện giữa các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhằm huy động các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững cho ngành du lịch thủ đô. |
Anh Phương