728 x 90

‘Du lịch Việt Nam 2015 nên hướng tới Nhật, Hàn và Tây Âu’

‘Du lịch Việt Nam 2015 nên hướng tới Nhật, Hàn và Tây Âu’
Sau những sự cố như căng thẳng trên biển Đông, đồng rúp Nga sụt giá, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu sẽ là những thị trường thay thế tiềm năng trong năm tới.
CanhDep.net

Trước thềm năm mới 2015, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch việt nam chia sẻ các quan điểm, xu hướng hoạt động của ngành trong thời gian tới. Ngoài các thị trường được xem là tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu, Australia…, chuyên gia này cũng khẳng định du lịch Việt Nam có thể phát triển mà không cần casino.

du lịch việt nam 2015 nên hướng tới nhật hàn và tây âu

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam kiêm  Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ảnh: Hương Chi

- Ông đánh giá thế nào về ngành du lịch ở Việt Nam cũng như những nỗ lực từ nhiều phía nhằm đẩy mạnh lĩnh vực này trong năm qua?

- Dù chưa có con số chính thức nhưng ước chừng tăng trưởng khách du lịch quốc tế năm 2014 đạt khoảng 5-6%. Lượng khách du lịch nội địa tăng cao hơn, khoảng 10%. Điểm nổi bật là số du khách Việt Nam ra nước ngoài (outbound) cũng tăng khoảng 10-15%.

Tôi nghĩ đây vẫn là một năm thành công của ngành du lịch. Nhưng nhìn tổng thể, thành công này không cao lắm và cũng chưa đạt được mức kỳ vọng của xã hội.

- Những nguyên nhân nào khiến ngành du lịch còn chậm chạp như vậy, thưa ông?

- Thứ nhất, quy mô các doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ nên không đủ tiềm lực để tổ chức kinh doanh một cách bền vững và mạnh mẽ. Điều này khiến ngành du lịch luôn bị động, khả năng cạnh tranh yếu, thậm chí nhiều lúc còn thua ngay trên sân nhà.

Thứ hai là công tác xúc tiến du lịch nhìn chung thiếu chuyên nghiệp, vẫn trong giai đoạn sơ khai, nhiều sự kiện mang nặng tính hình thức. Kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thực sự quá ít ỏi so với những nước khác trong khu vực. Các hoạt động ở nước ngoài chủ yếu mới chỉ giới thiệu chung chung về văn hóa, đất nước, danh thắng.

Chúng ta vẫn chưa đầu tư cho việc xây dựng và giới thiệu các sản phẩm mới, hấp dẫn, mang đặc thù Việt Nam tới những thị trường tiềm năng trên thế giới. Du lịch đã từng được Đảng và Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng thực tế sự quan tâm, đầu tư còn quá ít ỏi.

- Ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng từ các sự kiện kinh tế, chính trị quốc tế trong năm qua đến du lịch Việt Nam?

- Năm 2014, du lịch Việt Nam gặp hai thách thức. Đó là suy giảm khách trong nước từ tháng 5/2014 khi trung quốc kéo giàn khoan vào Biển Đông và nay là giảm khách Nga do đồng rúp hạ giá.

Hai sự cố này càng khẳng định du lịch Việt Nam không thể dựa vào một, hai thị trường, cũng không thể chạy theo sự phát triển nóng của một thị trường nào đó. Các công ty chuyên đón khách Nga sẽ gặp khó khăn. Riêng những địa phương Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc sẽ lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng.

Còn Trung Quốc, sự cố biển Đông có thể ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và địa phương chuyên đón khách từ quốc gia này. Nhưng mức độ tác động không đáng kể đến doanh thu toàn ngành du lịch. Sự cố này đã làm thay đổi tư duy nhiều người vốn chỉ tập trung vào thị trường gần và dễ dãi nhưng thiếu tính ổn định.

Để phục vụ phân khúc này, đương nhiên sẽ chỉ cần phát triển loại hình du lịch rẻ tiền, đầu tư các sản phẩm đơn giản và dịch vụ thấp cấp. Làm như vậy không những không phát triển được mà còn đánh mất thương hiệu Du lịch Việt Nam.

du lịch việt nam 2015 nên hướng tới nhật hàn và tây âu

Lễ cắt băng khánh thành văn phòng du lịch Việt Nam tại Nhật Bản.

- Trước những biến cố như vậy, theo ông, giải pháp cho năm 2015 có thể là gì?

- Khi khách Trung Quốc sụt giảm, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp Tổng cục Du lịch chuyển hướng mạnh mẽ sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu và chỉ sau một thời gian ngắn đã đạt kết quả khá rõ. Doanh thu của ngành năm 2014 chắc chắn vẫn tăng 10-15% dù số lượng khách chỉ nhích thêm 5-6%.

Tuy Trung Quốc có số lượng khách sang Việt Nam lớn nhất nhưng chi tiêu bình quân đầu người từ thị trường này lại vào hàng thấp nhất. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, ngoài những nước kể trên, năm 2015 các doanh nghiệp du lịch nên tập trung khai thác mạnh thêm cả Australia.

Còn với Nga, công việc trước mắt là phải có ngay một chương trình kích cầu mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đón khách Nga cần liên kết với nhau, giảm những chi phí có thể để giá tour còn hấp dẫn với một phần khách Nga đã dự kiến đi Việt Nam. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh việc cung cấp hàng hóa cho người Nga để họ sang đây không chỉ nghỉ ngơi mà còn mua sắm. Đây vốn được xem là nhu cầu đang nóng của thị trường Nga hiện nay.

- Ngoài những giải pháp trên, ông cho rằng bản thân các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam cần lưu ý thêm điều gì?

- Với các thị trường cao cấp, tính chuyên nghiệp cao là yếu tố quan trọng hàng đầu của các công ty du lịch. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở việc doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng các sản phẩm mang nét độc đáo, khác biệt ở Việt Nam. Đội ngũ nhân viên có chuyên môn và ý thức trách nhiệm cao, đảm bảo cung cấp dịch vụ đạt chuẩn quốc tế và ổn định, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường này.

Đó là những việc không dễ dàng với nhiều doanh nghiệp. Nhưng để chiếm lĩnh các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Âu, các công ty du lịch không thể không thực hiện.

- Vậy thách thức lớn mà những công ty du lịch phải đối mặt là gì, thưa ông?

- Bên cạnh chúng ta, du lịch các nước Thái Lan, Malaysia và Singapore đã có những bước tiến vượt bậc. Campuchia và Lào cũng đang triển khai những kế hoạch phát triển du lịch đầy tham vọng. Các nước này đã thành công trong việc thu hút khách Nhật, Hàn và Tây Âu. Họ còn rất thành công khi hấp dẫn du khách từ Việt Nam.

Sự cạnh tranh quyết liệt đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch Việt Nam phải tập hợp lại, có kế hoạch phát triển thị trường rõ ràng và quyết tâm cao khi triển khai. Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến tại các thị trường trọng điểm này.

- Để tăng thêm độ hấp dẫn du khách, một số điểm du lịch tại Việt Nam như Phú Quốc, Hạ Long định kết hợp kinh doanh casino. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Hiện nay ở Việt Nam, địa phương nào cũng nói đến và mong muốn đầu tư về casino. Nếu không cẩn thận thì chẳng bao lâu nữa tỉnh nào, huyện nào cũng có sòng bài.

Một Dự thảo cho phép người Việt Nam chơi casino đang được trình. Đến lúc đó ta sẽ thấy thay vì lao động, nghiên cứu, học hành, hàng loạt người Việt sẽ sát phạt nhau ở các chiếu bạc hợp pháp.Và lúc đó sẽ chẳng thấy khách quốc tế nào ở sòng bạc mà chỉ có người Việt chúng ta thôi.

Hậu quả của việc phát triển casino đã được nhiều nước thấy rõ. Quốc gia được quản lý chặt chẽ, kinh tế thuộc top hàng đầu thế giới như Nhật Bản còn không phát triển hình thức này, Hàn Quốc cũng chỉ có 1, 2 cái nhỏ bé cho người nước ngoài. Không lý do gì để một đất nước còn khó khăn như Việt Nam lại có hàng chục casino và cho cả người Việt vào chơi.

Phú Quốc, Hạ Long là những danh thắng nổi tiếng thế giới, có thể phát triển thành trung tâm du lịch sang trọng hàng đầu trong khu vực. Đầu tư một cách bài bản và nghiêm túc, hai nơi này chắc chắn sẽ trở thành các điểm sáng, hút khách du lịch mà không cần có casino.

Trần Hằng - Hương Chi