Thời gian qua, lượng khách nước ngoài đến việt nam giảm dần so với các nước láng giềng trong Đông Nam Á. Ngoài vấn đề tình trạng môi trường ô nhiễm, chặt chém giá, còn có một nguyên nhân được các chuyên gia ngành du lịch nêu ra: khách tây không biết chơi gì ở Việt Nam, đặc biệt là vào ban đêm.
Nay uống bia, mai lại uống bia
Joseph, 24 tuổi, đến từ London, Anh du lịch Việt Nam được một tuần, nhưng đến ngày thứ ba anh đã không biết phải làm gì về đêm. Anh đi dọc khu bùi viện (quận 1, Sài Gòn) và uống vài chai bia trên những chiếc ghế nhựa hoặc tấm bạt trải trên vỉa hè.
"Lúc đầu tôi cảm thấy khá thú vị vì còn mới mẻ. Ngày thứ hai tôi cũng quay trở lại đây và tiếp tục gọi một chai bia. Nhưng đến ngày thứ ba thì tôi bắt đầu chán vì chẳng có gì khác để làm", anh nói.
Khi được hỏi thấy ban đêm ở Việt Nam thế nào, Giacomo không ngần ngại: "Tôii thấy chán, đi ngủ sớm". Ảnh: Thảo Nghi |
Giacomo Scarlatti, người Italy đến Việt Nam cũng gần một tháng và rơi vào tình cảnh tương tự: "Tôi thấy chán quá, ở đây không có nhiều nơi để chơi, cả bar hay club (câu lạc bộ) cũng thiếu. Tôi toàn phải đi chung với những người giống mình, uống vài ly bia ở phố Tây hoặc vào nhà hàng đắt tiền dùng bữa. Thậm chí tôi còn đi ngủ sớm cho hết ngày".
Chia sẻ với VnExpress, John, du khách đến từ Manchester, Anh đang du lịch ở hà nội cho biết ở Anh hay các nước châu Âu, mọi người có thể đi chơi thêm sau 12h đêm nhưng tại Hà Nội, hầu như các hàng quán đều đóng cửa.
Thậm chí nếu có một quán bar hay club nào đó mở cửa, thì cũng chỉ chơi được một chút là nhận được thông báo hết phục vụ. "Tôi đến Hà Nội chơi và thấy nhiều quán gọi là câu lạc bộ đêm, tôi cũng vào thử nhưng thật sự không giống vì đóng cửa sớm. Người phương Tây thường ra đường chơi đêm vào khoảng 22h-23h trở đi, nên với chúng tôi việc tìm chỗ vui chơi khuya ở Hà Nội thật quá khó", du khách Andrew đến từ Moscow, Nga, bộc bạch.
Phố tạ hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (Sài Gòn) là những nơi tập trung đông đúc khách nước ngoài, nhưng các hàng quán ở đây cũng đóng cửa sớm, khác với thói quen sinh hoạt, vui chơi thâu đêm của nước ngoài. Ảnh: Thảo Nghi |
Yêu Việt Nam, nhưng thích Thái Lan hơn
Perry, 30 tuổi là một du khách Mỹ, đến Việt Nam chơi khoảng 3 ngày. Ngày đầu mưa rả rích khiến anh không đi đâu được. Ngày thứ hai anh cũng lặp lại vòng tròn "ăn món đường phố - uống bia - đi về sớm" của hầu hết những vị khách đến Việt Nam.
"Nói thật thì tôi yêu Việt Nam, nhưng điểm đến ưa thích là Thái Lan. Tôi đã có thời gian rất vui vẻ ở đó và sẽ quay lại thêm vài lần nữa", anh cho biết.
Không có chỗ chơi hay nơi để tiêu tiền từ rất lâu đã là thực trạng chưa được giải quyết ở Việt Nam. Khách nước ngoài đến đây hầu hết chỉ biết vào các quán bar, club hoặc khám phá ẩm thực. Tuy nhiên, một hoặc hai ngày lặp lại có thể gây chán nản đối với nhiều du khách, nhất là với những người ở lại Việt Nam 10 ngày đến gần một tháng.
"Tôi ở Việt Nam khá lâu, rất yêu đất nước và con người nơi này nhưng thỉnh thoảng cũng cảm thấy chán. Vì khi tôi hỏi người Việt Nam nên đi đâu thì họ cũng chỉ xoay quanh ăn uống. Tôi ăn nhiều đến mức muốn 'lăn' rồi", Emilio Fuse, đến từ Argentina hài hước.
Còn Leander và bạn gái, hai du khách Đức, trước khi tới Hà Nội đã có một số ngày ở Bangkok, Thái Lan. Đối với họ, Bangkok mới thực sự là một thành phố dành cho dân du lịch, luôn luôn sôi động và bạn có thể thấy mọi thứ mình cần không riêng gì các hoạt động về đêm.
Tuy nhiên, không phải du khách nào cũng thấy đêm ở Việt Nam thiếu thú vị, một số du khách có cách riêng của mình để khám phá. Laura, người Hà Lan không ngần ngại lắc đầu phủ định khi nghe có người nói đêm ở Việt Nam buồn tẻ.
"Tôi không hề thấy chán Việt Nam, tôi rất thích TP HCM đặc biệt là vào ban đêm. Bất kể mấy giờ thì đường phố cũng đông đúc, mọi người ăn uống và vào quán bar. Lúc nào ở đây cũng vui", cô nói.
Cô gái đến từ Pháp Alexia D'Annasa cùng bạn trai cho biết: "Ngoài các quán bar thì các nhà hàng cũng là lựa chọn của chúng tôi. Ẩm thực đêm ở Việt Nam rất ngon nhưng tiếc là tôi không biết tên để có thể kể cho mọi người nghe".
Trong buổi hội thảo Xúc tiến du lịch thị trường Tây Âu diễn ra ngày 9/9 do Hiệp hội Du lịch tổ chức, nhiều doanh nghiệp lữ hành đóng góp ý kiến nhằm chặn đà giảm lượng khách Tây Âu đến Việt Nam. Các phàn nàn được nêu ra gồm: khách thiếu chỗ chơi ; môi trường ô nhiễm; nạn chèo kéo và chặt chém giá cả. Tây Âu là thị trường du lịch cao cấp, góp phần quan trọng trong phát triển ổn định của du lịch Việt Nam. |
Hương Chi - Thảo Nghi