Tại một số nơi, bờ biển là dải vách đá dung nham đen tuyền, thẳng đứng nhìn rất ấn tượng. Đi sâu hơn vào đảo, phong cảnh hai bên đường thay đổi liên tục, từ cảnh đồi trọc khô cằn đến nhiệt đới xanh tươi, cuối cùng là màu lá đỏ của mùa thu châu Âu trên triền núi Etna, tạo nên cảnh sắc sicily thơ mộng và bình yên.
Đỉnh núi tuyết huyền thoại
Với diện tích hơn 25 ngàn cây số vuông, Sicily giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong số các đảo trên Địa Trung Hải.Trước khi thuộc về nước Ý vào cuối thế kỷ XIX, nhiều nền văn minh đã lần lượt đến chiếm và để lại dấu ấn văn hóa, kiến trúc trên vùng đất này.
Xa xưa nhất có thể kể đến Sicanians, Sicels, Elymians, rồi Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Norman, cho đến gần đây là Pháp, Tây Ban Nha. Đặc biệt, Sicily xuất hiện nhiều trong thần thoại Hy Lạp nhờ Etna, ngọn núi lửa kỳ vĩ nhất châu Âu với độ cao hơn 3.300 mét so với mực nước biển.
Hình ảnh tuyệt đẹp của đỉnh núi phủ tuyết lẫn những cánh rừng, làng mạc bao quanh đã tạo cảm hứng cho nhiều sáng tác văn học để đời. Từ thời cổ đại đến nay Etna chưa bao giờ ngưng hoạt động. Mỗi lần phun trào dung nham, núi lại phun ở một địa điểm khác nhau.
Trải đều trên sườn núi khổng lồ hiện có khoảng 250 núi lửa nhỏ hình chóp nón, sản phẩm của các giai đoạn phun lửa.
Cung đường chinh phục “người khổng lồ” Etna |
Đường lên núi vòng vèo qua những miệng núi lửa nhỏ này. Xe đi chừng hai chục phút thì không ai còn nghĩ mình đang chinh phục một ngọn núi. Tất cả đều tưởng mình đang khám phá một vùng đất hoặc một hành tinh nào xa xôi.
Xe lên độ cao khoảng 500 mét, chúng tôi vẫn còn thấy những cánh đồng nho phủ xanh ruộng bậc thang, xa xa có mấy ngôi nhà gạch đỏ tươi tắn trong gió lạnh. Lên cao hơn chút nữa là khu vực của cây đậu chổi, loài cây bụi trổ hoa vàng rực rỡ.
Trong thơ ca Ý, cây đậu chổi thường được ví von như người nông dân vùng Etna. Loài cây này luôn kiêu hãnh đứng thẳng cho đến khi dòng dung nham nuốt chửng chúng. Sau khi trận phun lửa đã qua và đá đã nguội, cây bụi lại mọc lên, cả vùng lưng chừng núi lại tràn trề sức sống nhờ một màu hoa.
Dân địa phương xem Etna là “người khổng lồ thân thiện” vì dù núi lửa tàn phá mùa màng và nhà cửa nhưng lại ít gây hại về người. Lý do là tốc độ di chuyển của dòng nham thạch thường khá chậm.
Sau mỗi lần nổi giận, núi làm đất đai thêm màu mỡ, dân địa phương ngoan cường lại làm việc và một lần nữa bắt đầu xây dựng cuộc sống.
Đất Mặt Trăng
Đi thêm một chặng, đường bắt đầu uốn lượn qua bạt ngàn đồi thông xanh mướt. Thỉnh thoảng xe dừng ở mấy thị trấn nhỏ xíu đẹp như tranh nằm trọn dưới tán rừng. Phố núi dốc cao, dốc thấp toàn nhà cổ nhưng vẫn đầy sức sống nhờ liễu rũ tha thướt và nhiều loài hoa lạ mắt màu tím, hồng, cam…
Qua khỏi tầng cây lá kim, rừng phong đỏ rực cũng xuất hiện. Lúc này ngước mặt lên, màu trắng lấp lánh của tuyết trên đỉnh Etna dường như đã rất gần.
Quảng trường trung tâm thành phố sơn cước Taormina |
Sử sách mô tả: “Khi Etna thức giấc, dải dung nham rực đỏ như một con rắn lửa sẽ chui ra khỏi lòng núi, từ từ trườn xuống dốc, quét sạch mọi thứ trên đường đi trước khi lao vào biển cả”.
Lần phun lửa năm 1928, dải dung nham có chiều ngang hai cây số, chiều dài đến 25 cây số đã quét sạch nhà cửa của 27 ngàn cư dân và lấp một phần cảng của thành phố Catania. Trên đường đi chúng tôi nhìn thấy nhiều ngôi nhà bị chôn vùi, chỉ còn phần mái nhọn nhô lên giữa nền đất đen như than.
Miệng núi lửa ở độ cao 2.000 mét so với mực nước biển |
Cuối cùng, chuyến xe đưa cả đoàn dừng bên một miệng núi lửa nằm ở độ cao khoảng 2.000m. Đứng trên bề mặt dung nham, nhiều người tưởng tượng mình đang đứng ở…
Mặt Trăng hay sao Hỏa vì đất đá dưới chân có màu đen óng kỳ lạ. Leo thêm khoảng 500m nữa, các lỗ hổng tạo nên bởi nham thạch nhìn cũng rất ấn tượng nhưng chỉ để dành cho ai có sức khỏe tốt, vì những cơn gió lạnh buốt thổi rát mặt quả là thử thách đáng kể.
Không phải ai cũng đủ sức đi một vòng quanh lòng chảo rộng mênh mông này.
Taormina, phố núi dưới chân địa đàng
Sau buổi leo núi làm tiêu hao hết năng lượng, chúng tôi dùng bữa trưa ở một nhà hàng tại thành phố sơn cước Taormina. Nhà hàng nằm trên triền núi, một bên nhìn ra vịnh biển hình cánh cung xanh biếc, một bên nhìn lên con dốc trồng đầy hoa tím.
Vịnh Taormina nổi tiếng xinh đẹp với bờ biển nên thơ, nước trong vắt. Lúc thủy triều xuống, du khách lội bộ giữa làn nước lấp xấp một chút thì đặt chân lên đảo, hay nói chính xác là đặt chân lên một quần thể đá, cây xanh và kiến trúc con người hòa lẫn vào nhau một cách vô cùng tinh tế.
Vịnh Taormina nên thơ |
Dù đã biết người Ý coi trọng thú vui ẩm thực, cả đoàn không khỏi ngạc nhiên trước mức độ thịnh soạn của bữa ăn. Kích thước lẫn chất lượng của chiếc pizza làm nhiều người tỉnh ngủ, các đĩa thịt xông khói – phô mai làm thủ công vừa nhiều, vừa trang trí tuyệt đẹp.
Món mutso (một loại chem chép biển) tươi rói, béo ngậy hấp với dầu olive, tỏi, rau thơm ăn cùng rượu vang đỏ được nhiều người bầu chọn là điều không thể quên ở Sicily.
Khi chiếc bánh tiramisu to gần bằng chiếc… mâm được đưa ra thì có người đã không kìm nổi lời ghen tỵ: “Người Sicily thật biết hưởng thụ!”.
Chị quản lý nhà hàng người phốp pháp vui vẻ trả lời: “Các bạn thấy đấy! Chúng tôi sống dưới chân núi lửa. Làm việc chăm chỉ đó nhưng chẳng biết những thành quả của mình sẽ thành mây khói khi nào.
Trước khi được yên ổn sinh sống như bây giờ, cha ông tôi nhiều thế hệ đã luôn phải tự bảo vệ mình trước chiến tranh hoặc mafia. Vì thế với chúng tôi chẳng có thứ tiền nào thật bằng bữa ăn thịnh soạn, chẳng gì có giá trị lâu dài bằng niềm vui trong hiện tại”.
Góc phố bán đồ lưu niệm, nơi du khách có thể tìm thấy những sản phẩm rất độc đáo |
A, cũng có lý! Tôi được nghe nói người Ý có thể khoan dung với các chính trị gia, các nhà kinh tế hay nhà báo tồi nhưng họ không bao giờ tha thứ cho họa sĩ, nhạc sĩ, đầu bếp… kém cỏi.
Tính cách này còn đậm nét hơn ở Sicily, hòn đảo mấy ngàn năm luôn phải đối mặt với thiên tai và các cuộc chiến tranh giành quyền thống trị. Với họ, khi mọi thứ mình sở hữu đều mong manh thì cách tốt nhất là tận hưởng trọn vẹn những điều đẹp đẽ ngay trước mắt.
Khác nhiều thành phố lớn ở Ý, Taormina không dày đặc các công trình đồ sộ. Thành phố có nhiều kiến trúc cổ rất đẹp song được bố trí một cách hài hòa, thanh lịch.
Tô điểm cho các bờ tường in dấu vết thời gian là hoa lá tươi xanh. Nổi tiếng nhất ở đây phải kể đến Tetro Greco, nhà hát kiểu Hy Lạp có đường kính 120m được xây từ trước Công nguyên. Teatro Greco ngày nay vẫn còn được sử dụng như một rạp hát ngoài trời cho các buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc ở Sicily.
Nhà thờ cổ xưa ở Taormina |
Thỉnh thoảng trên phố cũng có mấy khu chợ trời xinh xắn bày bán đủ các loại đặc sản như dầu ôliu, mứt kẹo, củ quả ngâm, các sản phẩm thêu ren, gốm…
Nếu không bị cám dỗ bởi phố mua sắm Corso Umberto, nơi tập trung nhiều cửa hàng lộng lẫy của Gucci, Prada, Salvatore Ferragamo, Dolce & Gabbana… thì các con phố nhỏ có nhiều kiến trúc duyên dáng, nhiều chi tiết trang trí sặc sỡ sẽ mở ra lắm điều thú vị về đời sống Sicily, hòn đảo lạc loài của nước Ý.
Theo Cẩm Tú/ DNSGCT/Sotaydulich