Đứng giữa biển Cửa Đại, chỉ giơ bàn tay theo phương ngang với mặt là thấy mình đã chạm vào cả một dải đảo xanh mướt. Nhưng thế mà từ cái chạm tay ấy phải mất đến cả một tiếng 10 phút bằng tàu thuỷ để có thể chạm chân lên bãi cát trắng của cù lao Chàm.
cù lao chàm như một viên đá chưa được gọt giũa, các cạnh của nó vẫn nguyên vẻ xù xì, ngăn trở bằng những bãi đá nhấp nhô như răng khểnh. Khởi hành 8 rưỡi sáng, tầm 10 giờ, tàu sẽ đáp vào một bãi đá, vừa cho công cuộc lặn biển của các chàng trai Pháp đã được cấp bằng lặn, vừa cho đám khách còn lại một tour kém gian truân hơn nhiều gọi là snorkeling - mặc áo phao, đeo kính bơi, ngậm ống thở và... chổng mông ngắm san hô. Mỗi chiếc vé ra đảo đều được cộng thêm 2 đô la cho quỹ bảo tồn cù lao Chàm, vì thế mỗi cây san hô chuyển động mềm mại dưới độ sâu 6 mét sinh động bạn nhìn thấy trở nên quý giá hơn cả chính vẻ đẹp của nó.
Từ sản vật, muông thú cho đến di tích lịch sử... hình như đều tập trung ở cù lao Chàm. Những tổ yến quý giá, những chim muông, gỗ quý, những chùa Hải Tạng, lăng Ông, miếu Bà... tôi đã nghe nói nhiều đến điều này và không nghi ngờ gì, vì ngay đằng sau lưng biển là một vùng rừng xanh mướt đầy hứa hẹn. Và đặc biệt qua một bữa trưa với đầy đủ tôm, cá, mực, rau và cả món mì Ý nữa - tưởng chừng quá xa xỉ cho một hòn đảo hoang sơ - mới thấy rằng cù lao Chàm đã ưu ái con người ra sao.
Buổi tối, ngay trên bãi biển sẽ có những bãi lửa lớn cho những bữa tiệc đồ nướng và nhảy nhót xuyên đêm. Bạn sẽ ngủ trong lều, đập muỗi và ngắm trời sao - đây là những điều tôi đã hứa mình sẽ thực hiện cho chuyến Hội An tới!
Theo THÙY MINH - SGTT