728 x 90

9 bước khám phá phố cổ Hội An

9 bước khám phá phố cổ Hội An
Thời điểm du lịch Hội An tuyệt nhất là tháng 2 – tháng 4 hàng năm, trời ít mưa, khí hậu dễ chịu. Tránh đi vào mùa hè vì nhiệt độ tăng cao, rất oi bức. Mùa mưa từ tháng 10 – tháng 11 cũng có nhược...
CanhDep.net

Thời điểm du lịch hội an tuyệt nhất là tháng 2 – tháng 4 hàng năm, trời ít mưa, khí hậu dễ chịu. Tránh đi vào mùa hè vì nhiệt độ tăng cao, rất oi bức. Mùa mưa từ tháng 10 – tháng 11 cũng có nhược điểm là không gian ẩm ướt do mưa nhiều và nặng hạt. Đến Hội An, bạn đừng nên bỏ lỡ hoạt động nào trong các bước khám phá sau để có thể cảm nhận được đầy đủ nhất về nơi này. 

9 bước khám phá phố cổ hội an

Rong ruổi khám phá phố cổ Hội An

1. Tản bộ quanh khu phố cổ

Khi du lịch phố cổ Hội An, tuyệt vời nhất là tản bộ quanh các con phố vắng, ngắm nhìn các ngôi nhà cổ, những con hẻm vắng người. Hiện nay, phố cổ Hội An đã cấm tất cả các loại xe gắn máy, ô tô vào phố. Những địa danh nên ghé qua là trục phố chính Trần Phú, cầu Nhật Bản, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phố Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, nhà cổ Phùng Hưng, hội quán Quảng Đông, hội quán Trung Hoa… Nếu không quen đi bộ, bạn có thể thuê một chiếc xe đạp 40.000đ/ngày. Vào thăm khu di sản ở phố cổ bạn sẽ phải mua vé, khách nội địa giá 45.000đ/người/lượt; khách nước ngoài 90.000đ/người/lượt. Đoàn từ 8 khách trở lên sẽ được miễn lệ phí hướng dẫn.

2. May quần áo ở phố cổ

Những ai từng đến Hội An đều đồng ý rằng may quần áo ở đây vừa rẻ vừa đẹp, lại nhanh nữa. Chỉ trong một vài tiếng, người thợ sẽ may xong cho bạn những bộ đồ ưng ý. Thậm chí, nếu không thể chờ được, chỉ cần để lại số đo và địa chỉ, cửa hiệu sẽ gửi sản phẩm đến tận nơi cho bạn.

9 bước khám phá phố cổ hội an

Du khách đến Hội An thường tranh thủ may váy, áo dài

Các cửa hàng may mặc tập trung nhiều ở phường Minh An như: shop Thu Thủy, Yaly, Phương Huy, Thắng Lợi, Á Đông silk, Đông Á, Bảo Khánh, Gia Hưng, Hạnh Hưng…

3. Tắm biển Cửa Đại

Cửa Đại là một bãi tắm đẹp và rất sẵn các quán hải sản tươi ngon với giá rẻ. Đến biển Cửa Đại vào buổi tối cũng rất tuyệt bởi lúc ấy bãi biển mênh mông, lung linh dưới những ngọn đèn dầu rất lãng mạn. Bãi biển này cách phố cổ Hội An chỉ 5 km, có nhiều cách để du khách đến đây như: Thuê xe đạp, xe ôm hoặc taxi. Nếu không quen đi bộ, bạn có thể thuê một chiếc xe máy với giá 120.000VND/ngày (chưa bao gồm xăng).

4. Tắm biển An Bàng

Qua làng rau Trà Quế là du khách đến với biển An Bàng. Ở đây, bạn sẽ cảm nhận được sự trong lành tuyệt diệu khi thả bộ dọc theo triền cát, đón ánh mặt trời lên, ngắm nhìn vẻ đẹp tinh khôi lúc hừng đông trên mặt biển. Giờ đây biển đã khoác lên mình chiếc áo mới thật duyên dáng. Vẫn là bãi cát trắng mịn màng nhưng hàng quán đã mọc lên san sát để phục vụ du khách.

5. Ngoạn cảnh sông Thu Bồn

Bạn có thể tham gia một tour đi ghe dọc sông Thu Bồn. Hai bên bờ sông có những cồn cát tuyệt đẹp, cảnh đồng ruộng, núi non như tranh vẽ. Đặc biệt, hoàng hôn trên sông Thu Bồn có thể khiến mọi du khách phải xao lòng.

9 bước khám phá phố cổ hội an

Xuôi thuyền dọc theo sông thu bồn để cảm nhận đời sống cảng thị Hội An ngày nay

6. Thăm các làng nghề truyền thống

Làng mộc Kim Bồng: Làng nghề này nằm ở xã Cẩm Kim đối diện khu phố cổ Hội An, bên kia sông Thu Bồn. Từ bến đò phố cổ, bạn chỉ mất 10 phút để đến đó bằng thuyền. Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng từng tự hào với việc cha ông họ đã được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm.

9 bước khám phá phố cổ hội an

Tượng thiếu nữ bằng gỗ tại làng mộc Kim Bồng

Làng rau Trà Quế: Nằm cách khu phố cổ Hội An 3 km về phía Bắc, làng rau Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà vốn nổi tiếng từ lâu đời. Nghề trồng rau sống ở Trà Quế đã có từ hơn 300 năm trước và được lưu truyền đến ngày nay một phần nhờ vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ưu đãi.

Làng hoa Cẩm Hà: Đến làng hoa Cẩm hà để cảm nhận màu sắc riêng của vùng trồng hoa truyền thống ở Hội An. Đây là một làng nghề nhỏ bé, xinh xắn và mến khách.

Làng gốm Thanh Hà: Nằm cách Hội An 3 km về hướng Tây (di chuyển bằng thuyền khoảng gần 30 phút từ bến đò khu phố cổ), vào thế kỷ 16, 17, Thanh Hà là một ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam. Nghề gốm của làng có nguồn gốc xuất xứ từ Thanh Hóa, sau khi đã tiếp thu được một số vốn liếng kỹ thuật thì đã hình thành một làng gốm như ngày nay.

Làng chài Thanh Nam: Đây cũng là một nghề truyền thống rất lâu đời. Đến đây bạn có thể kết hợp thăm quan làng chài và biển Cửa Đại bằng thuyền hoặc thuyền thúng, thử cảm giác làm ngư dân.

7. Tham quan Cù Lao Chàm

Cù lao Chàm là một cụm đảo thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, cách bờ biển Cửa Đại 18 km về phía Đông, khoảng 30 phút đi tàu cao tốc. Cù Lao Chàm được đánh giá là một hòn ngọc nổi bật về đa dạng sinh học với rừng tự nhiên, bãi biển đẹp, rạn san hô và nhiều loài thủy sản có giá trị. 

9 bước khám phá phố cổ hội an

Khám phá Cù Lao Chàm

Nếu đi bụi, du khách có thể trải nghiệm cảm giác đêm ở Cù Lao Chàm, chỉ cần thuê một cái lều (50.000đ) + đóng tiền lưu trú qua đêm là 20.000đ. Tắm biển ở Cù Lao Chàm nên cẩn thận con sứa trong veo, chạm vào người sẽ mẩn ngứa một lúc khá khó chịu.

8. Thưởng thức các món ngon

  • Đến Hội An du khách có thể thưởng thức mì Quảng ngon tại quán bà Minh, khu Cẩm Hà hay trong chợ Hội An, đầu phố Trần Phú
  • Món bánh đập, hến trộn nổi tiếng nhất Hội An là bánh đập Bà Già: Đi qua cây cầu Cẩm Nam chừng 100m, con đường đột ngột bẻ cong sang trái, vừa qua khúc cua này ngay trước mắt chúng ta hiện lên một dãy hàng quán san sát nhau và trên mỗi tấm bảng hiệu đều đề món đặc sản của khu vực này: “chè bắp, bánh đập, hến xào”
  • Lò bánh bao, bánh vạc chính gốc ở Hội An có địa chỉ tại 533 phố Hai Bà Trưng.
  • Món chè bắp, tàu hũ và sữa đậu nành bán ngay trên vỉa hè phố Trần Phú, Lê Lợi, chỉ khoảng 7.000đ/bát
  • Cơm gà Bà Buội, Cô Nga, thường bắt đầu từ 11h00 trưa hoặc tối. Giá từ 25.000-40.000đ/tô
  • Trong những nhà hàng sang trọng, những quán ăn nhỏ hay đơn giản là một gánh hàng trong đêm, bạn đều có thể gọi món cao lầu có giá từ 10.000-20.000đ.
  • Đến Hội An có thể mua về làm quà bánh in, bánh đậu xanh, bánh ít lá gai, tương ớt Hội An
9. Mua sắm
Đèn lồng ở Hội An được làm khá đẹp, nhẹ và có thể thu gọn lại nên rất thích hợp cho du khách mua về làm vật kỉ niệm. Có thể tìm mua trên đường Trần Phú ở cửa hàng đèn lồng Tuổi Ngọc, Ngọc Thu hay cửa hàng trên đường Lê Lợi. Giá không quá đắt, chỉ vài chục ngàn một chiếc. Ngoài ra, giày dép và đồ lưu niệm ở Hội An cũng khá phong phú và đẹp.
Nguồn: Ivivu