728 x 90

Chùa Bà Đanh không còn vắng vẻ

Chùa Bà Đanh không còn vắng vẻ
“Vắng như chùa bà Đanh” dường như là thương hiệu có một không hai, biến Bảo Sơn Tự (Kim Bảng, Hà Nam) trở thành điểm tham quan gây tò mò cho nhiều du khách.
CanhDep.net

chùa bà đanh tên chữ là Bảo Sơn Tự thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay.

Chùa bà đanh không còn vắng vẻ

Chùa Bà Đanh mặt hướng Nam ra mạn sông Đáy. Ảnh: hatvan

Có nhiều cách lý giải về sự ra đời của câu nói “vắng như chùa Bà Đanh” nhưng theo ý kiến của nhiều người, là do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.

Ngày nay, đường đi lối lại đã thuận tiện hơn, cộng với “thương hiệu” ai ai cũng biết nên lượng khách đến tham quan chùa ngày một đông hơn. Từ Hà Nội, bạn chỉ cần đi thẳng quốc lộ 1 đến thành phố Phủ Lý rồi rẽ phải qua cầu Hồng Phú vào quốc lộ 21, đi khoảng 10 km, đến cầu treo Cấm Sơn sẽ nhìn thấy ngôi chùa cổ kính thấp thoáng hiện ra sau những bóng cây, nhìn ra con sông Đáy hiền hòa.

Lối dẫn vào chùa hiện đã trải nhựa phẳng lì, hai bên là hàng nhãn, vải xanh rợp bóng. Để vào bên trong tất thảy phải bước qua cổng tam quan, được xây dựng khá uy nghi, hoành tráng. Cổng có ba gian, hai tầng, ở trên là gác chuông, ở dưới là hệ thống cửa gỗ hoa văn đơn giản. Tuy nhiên cổng này chỉ mở khi chùa có đại lễ nên bạn sẽ phải đi qua hai cổng nhỏ ở hai bên với mái ngói cong như hình bán nguyệt.

Chùa bà đanh không còn vắng vẻ

Một vài du khách đến tham quan, vãn cảnh chùa. Ảnh: bqn

Bước qua cánh cửa cổng khép hờ là khuôn viên rộng rãi, lát gạch tinh tươm, có đặt các chậu cây cảnh, giỏ phong lan tạo nên không gian hài hòa, xanh mát. Dưới ánh nắng nghiêng chiều, bóng cau khẳng khiu vươn cao trên nền trời xanh thẳm, ngoài sân gạch hoa đại trắng phủ đầy, trong vườn thoang thoảng hương thơm hoa thảo như nhài, mẫu đơn...

Cây bưởi đỏ trĩu quả được trồng ngay thềm cửa. Có rất nhiều câu chuyện ly kỳ về giống bưởi đỏ hiếm có, khó trồng này khiến ngôi chùa nổi tiếng vắng vẻ càng thêm bí ẩn. Mọi bước chân qua lại dường như khẽ khàng, tiếng nói cũng dịu hơn. Nhờ vậy mà có không ít khách thập phương tìm đến tham quan, lễ bái nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ trang nghiêm, thanh bình và tĩnh lặng như vốn có.

Là một quần thể kiến trúc liên hoàn gồm nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà trung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ…, ngôi chùa thuộc dòng Phật giáo Đại Thừa này có những nét riêng độc đáo. Trong chùa không chỉ có tượng Phật mà còn có tượng của Đạo giáo như Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu và các tượng Tam Phủ, Tứ Phủ. Đặc biệt trong chùa có pho tượng của tín ngưỡng dân gian là Pháp Vũ trong “tứ pháp” (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong).

Chùa bà đanh không còn vắng vẻ

Không gian uy nghiêm, trầm mặc trong sân chùa Bà Đanh. Ảnh: wordpress

Đến chùa, bạn đừng quên chiêm ngưỡng pho tượng Bà Đanh, được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.

Lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức từ ngày 9 đến 11 tháng 2 (âm lịch) hàng năm. Ngoài những nghi thức tế lễ truyền thống, chùa còn tổ chức lễ cầu an, rước kiệu và trò chơi dân gian như: chọi gà, kéo co, bơi thuyền chải, cờ người.

Nếu không có dịp đi vào đúng hội, sau khi hành lễ ở chùa, bạn có thể tham quan núi Ngọc cách chùa Bà Đanh 100 m về phía bắc. Tuy không cao lắm nhưng khi đứng trên ngọn núi, bạn có cảm tưởng như được tách riêng biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống hiện đại để hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây cỏ.

Hoặc đơn giản, chỉ cần quay ngược lại cầu treo Cấm Sơn là bạn đã có thể đến thăm quần thể đền Trúc – Ngũ Động Thi Sơn nằm ngay đối diện.

Vy An