Ở Sài Gòn, bạn có thể kể ra không dưới 30 loại bún với các phong cách và hương vị khác nhau. Nổi tiếng như bún bò Huế, bún mắm..., tinh tế thì có bún thang, bún cá rô đồng..., dân dã, bình dị như bún riêu, bún nước lèo... Từ sáng đến chiều tối, ở bất kỳ con phố nào, bạn đều có thể thưởng thức món bún.
|
Nước dùng hơi đục và có vị cay làm nên nét riêng biệt cho món bún bình dị này. Ảnh: T.P. |
Khác hoàn toàn với các loại bún trên, bún cay xuất hiện ở Sài Gòn khoảng 2 năm trở lại đây. Không ồn ào, món bún âm thầm chinh phục vị giác của người Sài Gòn bằng chính hương vị độc đáo nhưng không kém phần thơm ngon của nó.
Thoạt nhìn qua bát bún, nhiều người sẽ cảm thấy thất vọng khi thành phần không có gì đặc biệt, như tôm tươi, thịt bò, chả, cùng nước dùng... Tuy vậy, chỉ khi húp thử một thìa nước dùng, thực khách sẽ bị chinh phục bởi cái vị đậm đà và cay xé lưỡi của món ăn này.
|
Bún cay được chế biến khá đơn giản với nhiều ớt và hành lá. Ảnh: T.P. |
Món ăn này có cách chế biến rất đơn giản, thịt bò được thái lát mỏng hoặc bằm nhỏ, tôm giã hơi dập. Khi có khách ăn, chủ quán sẽ cho hai thành phần đó vào bát, thêm một ít nước mắm, đường, một thìa muối ớt cùng hành lá thái nhỏ. Nước dùng nấu sôi được chan vào bát, đánh đều để các thành phần chín tái. Cuối cùng là cho bún đã chần qua nước sôi vào, thêm đôi ba lát chả là đã có một bát bún hoàn hảo, nóng hổi mang ra cho thực khách.
|
Bạn có thể gọi thêm trứng gà luộc hồng đào khi ăn món này. Ảnh: T.P. |
Cái làm nên sự khác biệt cho món bún bình dị này chính là vị cay của nước dùng. Vị cay còn giúp làm mất đi vị tanh do các nguyên liệu ăn kèm chỉ được làm chín tái. Một điểm đặc biệt nữa là hương vị đậm đà, cay nồng nên dù không ăn kèm với rau sống thì món ăn cũng không làm thực khách cảm thấy ngấy. Điểm trừ của món ăn này chính là quá cay, nhiều muối, nên sẽ không thích hợp với những người không ăn được cay hoặc người bị huyết áp.
Trong thời tiết mưa gió của Sài Gòn như hiện nay, bún cay là món ăn giữa bữa ngon miệng mà bạn có thể thưởng thức cùng bạn bè.
Tiêu Phong