1. Mì Quảng
Nếu đã đến Đà Nẵng thì mì quảng là món ăn bạn nên thử đầu tiên. Mì Quảng có nhiều loại như: mì Quảng sườn non, mì Quảng cá lóc, mì Quảng lươn, mì Quảng chả cua… nhưng “truyền thống” nhất là mì Quảng tôm, gà, trứng, thịt.
Những cọng mì trắng ngà, mềm mại hoà lẫn với thứ nước lèo thanh ngọt và béo, kết hợp cùng với trứng, thịt gà,… đem đến cho du khách một hương vị không thể nào quên.
Ăn mì Quảng phải ăn kèm với nhiều rau sống mới ngon. Rau sống đúng kiểu mì Quảng phải được kết hợp từ 9 loại như: cải non mới nụ, xà lách tươi, húng, quế, giá đỗ, rau răm, ngò rí với hành hoa thái nhỏ, chuối bắp sắt mỏng.
Đặc biệt thành phần không thể thiếu của mì Quảng là đậu phụng rang và bánh tráng mè nướng giòn. Vị thơm của đậu phụng rang và giòn của bành tráng sẽ làm tăng thêm ý vị cho món ăn đặc sản này.
Địa chỉ thưởng thức:
- Mì Quảng Bà Mua
Địa chỉ: 19-21 Trần Bình Trọng & 231 Đống Đa.
- Mì quảng Bà Lữ
Địa chỉ: 126 Hàm Nghi, Quận Hải Châu, Đà Nẵng.
- Mì Quảng Bà Ngân
Địa chỉ: 108 Đống Đa, Quận Hải Châu, Đà Nẵng.
- Mì Quảng Bích
Địa chỉ: 1- 3 - 5 Đặng Dung, Quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
- Mì Quảng Bà Vị
Địa chỉ: 166 Lê Đình Dương, Quận Hải Châu, Đà Nẵng.
2. Bánh tráng thịt heo
Để chế biến món này, thịt heo chỉ lấy phần ba chỉ hoặc chân giò, sau đó đem hấp để giữ nguyên vị ngọt. Rau ăn kèm đều thuộc loại thông dụng như xà lách, húng quế, diếp cá, hành lá, rau thơm, rau đắng, giá, búp chuối trắng, dưa leo, chuối chát… Cuối cùng, mắm nêm là thứ không thể thiếu của món ăn này.
Địa chỉ thưởng thức:
- bánh tráng thịt heo Trần (đường Lê Duẩn, Hải Phòng, Duy Tân,…).
- Quán Đại Lộc (đường Trưng Nữ Vương, Q. Hải Châu).
- Bánh tráng thịt heo Mậu (Đỗ Thúc Tịnh, Q.Cẩm Lệ).
- Thịt heo ba tầng (đường Hoàng Diệu, Q. Hải Châu).
3. Ram cuốn cải
Ram cuốn cải, một trong những món ăn vặt được ưa chuộng nhất ở Đà Nẵng. Nhân ram là một ít miến trộn với thịt và nấm mèo, chiên nóng rồi dọn thêm một ít nộm đu đủ, cà rốt, dưa cùng với một đĩa bánh tráng. Và dĩ nhiên là không thể thiếu rau sống và cải. Thêm 1 chén nước chấm hơi ngọt và cay nữa là đủ vị.
Từng chiếc ram cuốn dài tầm một ngón tay với lớp vỏ bánh tráng bò bía thơm, giòn. Cắn một miếng, mùi thơm ngọt của ram, vị cay cay nồng nồng của cải, như hòa tan nơi đầu lưỡi.
Địa chỉ thưởng thức:
- ram cuốn cải Việt (đường Lê Duẩn, Q. Hải Châu).
- Dãy quán ram cuốn cải ở khu vực chân cầu Trần Thị Lý.
- Ram cuốn cải (đường Ông Ích Khiêm, Q. Hải Châu).
4. Gỏi cá Nam Ô
gỏi cá nam ô có thể được chế biến từ cá mòi, cá tớp, cá cơm... nhưng ngon và thích hợp nhất là cá trích. Cá trích cỡ lớn hơn ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, bỏ xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ, ép nước để ráo rồi đem ướp với gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính.
Nước cốt cá được đun sôi, hòa thêm với nước mắm Nam Ô, ớt, bột năng, bột ngọt tạo thành thứ nước chấm đặc trưng cho riêng món gỏi. Rau ăn kèm với gỏi rất đa dạng, gồm đọt non của các loại cóc rừng, tim lan, lành ngạnh, lá trâm… vốn chỉ mọc trên trên đèo Hải Vân. Tuy nhiên, giờ đây, các món rau khác như dưa chuột, xoài, chuối… cũng được dùng nhiều để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thực khách.
Có hai cách ăn gỏi: cá với rau các loại được cuốn bánh tráng mỏng và chấm nước chấm, ăn thêm với bánh tráng nướng; hoặc chỉ việc trộn cá với rau và nước chấm vào một tô, cứ thế mà ăn.
Địa chỉ thưởng thức:
- Gỏi cá Bà Mỳ: 11 Mai Lão Bạn, Hải Châu, Đà Nẵng.
- Gỏi cá Sáu Hào: 232 Trần Cao Vân, Đà Nẵng.
- Gỏi cá Thanh Hương: 1029 Nguyễn Lương Bằng, Liên Chiểu, Đà Nẵng.
5. Bún Chả cá
Chưa cần phải thưởng thức, chỉ nghe hương thơm ngào ngạt của tô bún đã khiến nhiều người phải xuýt xoa.
bún chả cá được ăn kèm với rau sống, như xà lách, húng, quế, giá đỗ sống, đặc biệt, không thể thiếu ớt tỏi giã và hành ngâm giấm đường. Vị chua chua ngọt ngọt của hành hương cộng với vị cay của ớt tỏi khiến người ăn có những trải nghiệm thú vị không thể nào quên.
Địa chỉ thưởng thức:
- Bún chả cá bán nhiều trên đường Nguyễn Chí Thanh trong đó có tiếng nhất là quán 109 Nguyễn Chí Thanh - Q. Hải Châu.
- Bún chả cá Bà Phiến, đường Lê Hồng Phong, Q. Hải Châu.
- Bún chả cá Bà Ân, đường Lê Hồng Phong, Q. Hải Châu.
6. Cơm gà
Thịt gà không chỉ luộc, xé sợi mà được chặt thành từng miếng vừa phải, chiên vàng giòn. Cơm có màu cam đỏ của trái gấc chín trông rất bắt mắt. Món ăn được trình bày kèm lá chanh xắt nhuyễn cùng bát canh và chén đồ chua. Thưởng thức cơm gà Đà Nẵng, dù thực khách khó tính đến mấy cũng phải gật gù khen ngon.
Địa chỉ thưởng thức:
- Cơm gà Hồng Ngọc (đường Nguyễn Chí Thanh, Q. Hải Châu).
- Cơm gà A Hải (đường Phan Chu Trinh, Q. Hải Châu).
- Quán A Huệ (đường Tôn Thất Đạm, Q. Thanh Khê).
7. Bánh xèo
bánh xèo ở Đà Nẵng được làm từ bột gạo xay có thêm lòng đỏ trứng và bột nghệ, đúc trên chảo nóng. Nhân bánh cũng được lựa kỹ, chỉ làm từ tôm còn sống, thịt ba chỉ nửa nạc nửa mỡ và giá đỗ tươi. Rau sống thì ngoài những loại rau phổ thông như: xà lách, húng quế còn nhất thiết phải có đủ chuối chát, rau cải con…
Nước tương được pha chế từ gan heo và đậu phụng xay tạo thành một loại nước chấm có hương vị bùi bùi, béo béo, bên cạnh một chén nước mắm ớt tỏi pha theo kiểu truyền thống. Để cuốn bánh, người ta dùng xấp bánh tráng mỏng hoặc cũng có thể là những lá cải cay to hơn bàn tay.
Địa chỉ thưởng thức:
- Quán Bà Dưỡng (đường Hoàng Diệu, Q. Hải Châu).
- Quán Bà Nhỏ (đường Trưng Nữ Vương, Q. Hải Châu).
- Quán Cô Mười (đường Châu Thị Vĩnh Tế, Q. Ngũ Hành Sơn).
8. Bánh bèo
bánh bèo có nhiều loại và được phân biệt bằng cách ăn Bánh bèo tai thì nhỏ bằng lỗ tai được sắp sẵn lên đĩa, mà thường là đĩa thiếc ăn mới ngon, bánh bèo chén lại được đúc sẵn trong chén tròn nhỏ. Dù làm theo cách nào, chúng đều có một điểm chung là rắc nhân lên trên mặt bánh.
Nhân bánh làm từ tôm, cá bào ướp gia vị và sấy khô trên than hồng để loại mùi tanh. Hoặc cũng có nhân làm từ thịt nạc, nấm mèo…. Bánh bèo được ăn kèm với nem chua, chả bò cây.
Địa chỉ thưởng thức:
-Bánh Bèo Bà Bé (đường Hoàng Văn Thụ, Q. Hải Châu).
- Quán Vân (đường Thanh Tịnh, Q. Liên Chiểu).
- Dãy bánh bèo, nậm, lọc (đường Núi Thành, Q. Hải Châu).
9. Bánh kẹp
bánh kẹp được xếp vào danh sách món ăn đường phố Đà Nẵng được nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ ưa thích. Món này là những tấm bánh tráng kết hợp với trứng, khô bò, pa tê... lúc chiên hay nướng lên có mùi thơm hấp dẫn. Bánh kẹp không chỉ ngon mà giá cả cũng rất phải chăng.
Địa chỉ thưởng thức:
- Bánh kẹp Hoa (đường Đông Giang, Q. Sơn Trà).
- Quán Dì Hoàng (đường Điện Biên Phủ, Q. Thanh Khê).
10. Bê thui Cầu Mống
Bê thui Cầu Mống” còn được người dân Đà Nẵng gọi với cái tên quen thuộc “bò tái Cầu Mống”. Món này nổi danh ngang hàng với mì Quảng.
Miếng thịt bê khi đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn bì (da) thì phải chín đến độ trong suốt, đồng thời lại giòn mềm vừa phải. Đặc biệt, bê thui ngon hay không phụ thuộc vào mắm và rau sống ăn kèm. Mắm phải là loại mắm cá cơm nguyên con, được chế biến từ những làng chài nổi tiếng ven biển. Mắm đem về được gạn lấy nước, thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng và mè rang thơm vàng rất hấp dẫn. Rau ăn kèm với bê thui rất phong phú, bao gồm loại rau Trà Quế, tía tô, xà lách, cải non, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm, húng quế, giá đỗ…
Địa chỉ thưởng thức:
- Bê Thui Cầu Mống - 100 Điện Biên Phủ.
- Bê Thui Kim Chi ; 490 Trưng Nữ Vương, Hải Châu, Đà Nẵng.
- Bê Thui Cầu Móng - Dũng Cây Bàng : 336 Lê Thanh Nghị, P. Hòa Cường Nam, Quận Hải Châu, Đà Nẵng.
- bê thui cầu mống Cường Thịnh: 99 Ông Ich Khiêm.
11. Các loại ốc
ốc Đà Nẵng rất đa dạng, từ ốc gạo, ốc hương cho đến ốc đinh, ốc bươu, ốc đắng… Ốc ở đây được chế biến kỹ lưỡng, dậy mùi thơm phức khiến du khách phải dừng chân. Bạn có thể thưởng thức món này vào bất cứ mùa nào, bất lúc nào ở Đà Nẵng.
Địa chỉ thưởng thức:
- Ốc hút “đĩa bay” (đối diện nhà thi đấu Đĩa Bay, đường 2/9).
- Ốc hút cô Hà (ngã tư Ông Ích Khiêm - Hùng Vương, Q. Hải Châu).
- Ốc hút Cây Bàng (đường Ông Ích Đường, Q. Cẩm Lệ)
Ngoài những món trên, du khách còn có thể thưởng thức nhiều món ăn ngon khác như mít trộn, chè, bún mắm nêm, cao lầu, bánh tráng đập…