- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch mice của Việt Nam?
- Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch MICE. Thứ nhất, Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản đẹp và con người cởi mở, nhiệt tình, thân thiện và ẩm thực cũng rất phong phú.
Tuy nhiên chỉ đến khoảng năm 2008, 2009 khi đất nước phát triển lên một tầm cao mới, giao thương buôn bán mở rộng với hàng loạt hiệp định thương mại song phương được ký kết, hợp tác du lịch được đẩy mạnh thì lĩnh vực này mới thực sự phát triển nở rộ. Hiện tại, TP HCM và Hà Nội là hai địa điểm có khả năng khai thác thế mạnh này khá hiệu quả. Nhiều khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam được lựa chọn trong các chương trình du lịch MICE như Phú Quốc, TP HCM, Ðà Nẵng, Huế, Nha Trang, Hà Nội... Hiện nay, Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch MICE. Mức tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 20%.
- Vì sao Việt Nam hiện vẫn chưa trở thành một nước có nền công nghiệp du lịch MICE phát triển?
- So với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam là nước được thiên nhiên ưu đãi, có nội lực. Tuy nhiên, Việt Nam là một đất nước đang phát triển nên tất nhiên còn nhiều khó khăn trong vấn đề phát triển du lịch MICE. Việt Nam chưa có nhiều trung tâm hội nghị có quy mô lớn để tổ chức những sự kiện có quy mô lớn lên đến vài nghìn người. Hiện Việt Nam mới chỉ có một vài trung tâm có quy mô trên dưới 5.000 người như Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Triển lãm Giảng Võ, Triển lãm Sài Gòn. Khách sạn 5 sao những năm gần đây mặc dù được xây dựng rất nhiều, tuy nhiên số lượng này thực sự cũng vẫn còn quá tải với những sự kiện lớn mang tầm khu vực.
Khó khăn thứ hai phải nói đến đó là hạn chế nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng được nhu cầu tổ chức hội nghị hội thảo cấp cao. Đội ngũ kỹ thuật có thể vận hành các loại máy móc, thiết bị trình chiếu vẫn còn thiếu. Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư trở thành một điểm hấp dẫn của du lịch MICE, nên các doanh nghiệp cũng chưa chủ động hay mạnh dạn đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ hội nghị hội thảo quy mô quốc tế.
- Theo ông chúng ta nên xác định hướng phát triển cho du lịch MICE như thế nào?
- Cơ quan chức năng nên xác định du lịch MICE là một ngành công nghiệp bên cạnh du lịch, là một ngành đem lại lợi nhuận rất lớn để có sự đầu tư thỏa đáng. Việt Nam phải hiểu và có quyết tâm để đầu tư du lịch MICE trở thành một ngành công nghiệp riêng có tiềm năng, thậm chí đem lại nguồn lợi lớn hơn, có khả năng phát triển mạnh hơn so với du lịch chứ không phải là một nhánh của du lịch. Theo tính toán của các công ty du lịch, hiện nay loại hình du lịch MICE mang lại giá trị doanh thu cao gấp sáu lần loại hình du lịch thông thường (Trung bình mỗi khách du lịch MICE châu Âu tiêu xài 700-1.000 USD một ngày, khách châu Á trên 400 USD một ngày). Chính vì vậy, đây sẽ là nguồn lợi lớn mà Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam phải có một quyết tâm lớn để phát triển du lịch MICE thành một ngành công nghiệp mạnh.
- Việt Nam phải đầu tư xây dựng và phát triển du lịch MICE như thế nào?
- Việt Nam trước hết cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá, đầu tư xây dựng thêm các trung tâm hội nghị, khách sạn lớn. Việt Nam cần phải có một chiến lược quảng bá đồng bộ từ cơ quan chức năng, địa phương, tới doanh nghiệp để thúc đẩy Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho du lịch MICE phát triển.
Thêm vào đó, Việt Nam phải đặt ra một chiến lược cụ thể, từng giai đoạn cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch MICE. Việt Nam phải có những chương trình hành động cụ thể về trao đổi kinh nghiệm, liên doanh liên kết đào tạo học viên kỹ thuật... với các nước có ngành công nghiệp du lịch MICE phát triển.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu tại sao các nước lại quảng bá du lịch MICE thành công như vậy. Kinh phí xúc tiến du lịch không nhiều vì thế Việt Nam cần phải cân nhắc những hạng mục cần chi tiêu, tránh dàn, sai hướng trải để làm sao hình ảnh, văn hóa, di sản được tiếp thị chọn lọc, sâu rộng, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nữa. Ngành du lịch cũng cần phải tranh thủ sự hợp tác các bộ, ngành, tận dụng mọi cơ hội quảng bá du lịch MICE trên các sư kiện, diễn đàn trong khu vực và thế giới... để thế giới biết nhiều hơn về Việt Nam.
- Hiện nay có hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh du lịch MICE. Vậy công tác quản lý cần phải đặt ra như thế nào để ngành du lịch MICE phát triển chuyên nghiệp hơn?
- Du lịch bão hòa, nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư vào lĩnh vực du lịch MICE nhiều tiềm năng hơn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động thực sự không có tiềm lực kinh tế, chuyên môn, kinh nghiệm... làm cho thị trường du lịch MICE trở nên kém chuyên nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính vì thế, việc cấp phép hoạt động cũng như giám sát, quản lý doanh nghiệp cần phải sát sao hơn mới tạo ra một môi trường du lịch MICE chuyên nghiệp hơn, hạn chế những tranh nhau kém lành mạnh như bôi nhọ, dìm giá, kém chất lượng.
Theo tôi, Hiệp hội Du lịch cũng cần tính đến phương án thành lập hiệp hội kinh doanh du lịch MICE để có thể quản lý, hỗ trợ, hậu thuẫn, tạo đà phát triển cho doanh nghiệp cũng như xúc tiến, thúc đẩy sự hợp tác, liên kết tốt hơn giữa các doanh nghiệp để có thể kéo được những sư kiện lớn mang về Việt Nam. Nếu như ngay trên sân nhà không có sự liên kết, hậu thuẫn nhau thì doanh nghiệp Việt Nam khó có cơ hội phát triển lớn mạnh trở thành những tập đoàn lớn có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong cùng lĩnh vực, cũng như không thể phát triển sánh vai với các nước có ngành công nghiệp du lịch MICE phát triển trên thế giới.
Với hơn 12 năm hoạt động, Hoabinhtourist & Convention là một trong những nhà tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo lớn tại Việt Nam, phục vụ hàng chục nghìn khách mỗi năm. Thông tin chi tiết tại www.hoabinhtourist.com; www.hoinghihoithao.com |
(Nguồn: Hoabinhtourist)