Dadipark, Bỉ Công viên này nằm ở trung tâm Dadizele, hoạt động từ những năm 1950. Không hướng đến mục tiêu điểm hút khách du lịch lớn, Dadipark mang tới không gian ngoài trời phù hợp các du khách nhí giải trí. Đến năm 2002, một bé trai gặp tai nạn trên xe trượt nước ở khu Nautic Jet và mất cánh tay. Từ đó, công viên phải nhận nhiều khiếu nại về đảm bảo an toàn trong khu vui chơi. Khách tới thưa dần bởi những lời đồn đoán về tai nạn, dẫn đến việc đóng cửa vô thời hạn. Ảnh: Reginald Dierckx/Flickr. |
Okpo Land, Hàn Quốc Nằm ở Okpo Dong, phía nam Hàn Quốc, nơi đây từng là một công viên ngoài trời sầm uất. Đến những năm 1990, mọi thứ bắt đầu thay đổi sau hai tai nạn. Đầu tiên là một bé gái chết trên xe vịt không rõ nguyên nhân. Công viên tiếp tục mở đến năm 1999, bi kịch lại xảy đến với một bé gái khác cũng trên xe vịt. Bánh xe trật khỏi đường ray khiến cô bé văng ra ngoài, tử vong. Okpoland đóng cửa và trở thành công viên bỏ hoang từ đó. Năm 2011, nơi đây bị tháo dỡ, dọn dẹp trở thành đất cho thuê. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chủ đầu tư nào dám thuê lại mảnh đất này. Ảnh: Reginald Dierckx/Flickr. |
Land of Oz, Bắc Carolina, Mỹ Công viên chủ đề Phù thuỷ xứ Oz ở Bắc Carolina này thành công rực rỡ khi mở cửa năm 1970 và từng được kỳ vọng sẽ là điểm du lịch hút khách quanh năm. Năm 1975, một trận hoả hoạn lớn phá huỷ nặng nề công viên. Cựu nhân viên của Land of Oz vì bất mãn đã châm lửa đốt cháy nơi này, phá huỷ những tạo tác về phù thuỷ xứ Oz, bao gồm cả chiếc váy được mặc bởi Judy Garland trong bộ phim cùng tên. 5 năm sau đó, nơi đây chính thức đóng cửa. Ảnh: Thomas Kerns. |
Gulliver’s Kingdom, Nhật Bản Mở cửa từ năm 1997 đến 2001, Vương quốc Gulliver được xây dựng gần núi Phú Sĩ, Aokigahara, nơi nổi tiếng có nhiều người tìm đến tự tử. Công viên lấy bối cảnh là tiểu thuyết Gulliver du ký của tác giả Jonathan Swift và bị bỏ hoang chỉ sau 4 năm hoạt động. Ảnh: Mandias/Flickr. |
Công viên giải trí Pripyat, Chernobyl, Ukraine Đây là công viên bỏ hoang được biết đến nhiều nhất thế giới, nằm gần chernobyl , mở cửa vào ngày 1/5/1986, 4 ngày sau khi thảm hoạ phóng xạ xảy ra (26/4). Công viên chỉ hoạt động trong vài giờ cho người dân địa phương giải trí trước khi có lệnh sơ tán khỏi đây. Ảnh: buzzbuzz. |
Encore Garden, Đài Loan Công viên trên đồi ở thành phố Đài Loan bị đóng cửa sau thảm kịch động đất mang tên 921 năm 1999, làm hơn 2.400 người thiệt mạng. Ảnh: Alexander Synpatic/Flickr. |
Spreepark, Berlin, Đức Mở cửa từ năm 1969, đây là công viên giải trí ở Đông Đức, đón khoảng 1,5 triệu du khách mỗi năm trong thời kỳ hoàng kim. Khi bị đóng cửa vào năm 2001 do lượng khách giảm mạnh, ông chủ của Spreepark – Norbert Witte gửi 6 trò chơi nổi tiếng nhất tới Lima, Peru thông qua 20 container để xây dựng công viên mới tên “Lunapark”. Tuy nhiên, ý định bất thành do ông bị phát hiện giấu ma tuý vào các container khiến hai cha con Norbert vào tù. Spreepark bị bỏ hoang tới năm 2011 lại mở cửa cho du khách vào tham quan tàn tích. 3 năm sau, công viên bị phá huỷ hoàn toàn trong một trận hoả hoạn. Ảnh: John Macdougall. |
Jazzland, New Orleans, Mỹ Mở cửa năm 2002 nhưng Jazzland bị phá huỷ trong nước lũ do cơn bão Katrina tàn phá năm 2005. Công viên không được xây dựng lại và hiện thuộc sở hữu của chính quyền thành phố New Orleans. Ảnh: Matt Ewait. |
Dunblobbin, công viên Crinkley Bottom, Nam Phi Dunblobbin, nơi ở của nhân vật Mr Blobby trong show truyền hình nổi tiếng nước Anh (Noel’s House Party), nằm tại công viên Crinkley Bottom của Noel Edmonds. Nơi đây là phần duy nhất ở Crinkley Bottom bị bỏ hoang, trong khi đó, các điểm khác đều được cải tạo thành khách sạn và công viên hoang dã . Nhiều người đồn rằng hồn ma của nhân vật truyền hình những năm 90 có thật, vẫn đang lởn vởn ám ảnh Dunblobbin. Ảnh: Urbanexboi/SWNS. |
Dogpatch USA, Arkansas, Mỹ Chủ sở hữu Dogpatch USA thay đổi liên tục cho đến khi công viên đóng cửa năm 2002. Nơi đây được rao bán trên eBay với giá một triệu USD vào thời điểm đó nhưng không ai quan tâm. Năm 2005, một thanh niên lái xe ngang qua công viên gặp phải tai nạn suýt mất đầu. Anh đã kiện đòi chủ sở hữu Dogpatch bồi thường thiệt hại và được nhận quyền sở hữu công viên bỏ hoang này thay vì một khoản tiền. Ảnh: Clinton Steeds/Flickr |
Như Bình (theo Telegraph)