728 x 90

Tết cổ truyền trong tranh dân gian Đông Hồ

Tết cổ truyền trong tranh dân gian Đông Hồ
Không chỉ hàm chứa những câu chúc tốt lành trong năm mới mà nhiều trò chơi dân gian cũng được phác họa sinh động trong dòng tranh Tết Đồng Hồ ở Bắc Ninh.
CanhDep.net

Theo phong tục của người Việt xưa, ngoài cành đào, bánh chưng, mỗi gia đình không thể thiếu câu đối đỏ cùng những bức tranh dân gian chơi Tết. Chơi tranh không chỉ là một thú vui tao nhã mà còn để tạo không khí vui tươi, rực rỡ cho gia đình vào những ngày đầu xuân và xua đi những điều rủi ro, xui xẻo.

Ngày nay, tuy thú chơi tranh dân gian ngày Tết có phần mai một nhưng không ít gia đình vẫn phải tìm mua tranh bằng được để trọn vẹn ngày Tết cổ truyền. Trong các loại tranh chơi Tết ở Bắc Bộ, bên cạnh dòng tranh Kim Hoàng, Hàng Trống ở Hà Nội, tranh dân gian Đông Hồ được nhiều người chuộng hơn cả.

Tết cổ truyền trong tranh dân gian đông hồ

Phòng trưng bày tranh đông hồthuận thành , bắc ninh đước nhiều du khách ghé thăm và mua tranh.

Tranh Đông Hồ được bán quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là những ngày giáp Tết. Người không có điều kiện đi xa, thường tới phố Chân Cầm, Hà Nội, người có thời gian sẽ về tận làng Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh để mua tranh. Người chơi không tìm kiếm hình minh họa về ngày Tết trong tranh Đông Hồ mà hướng đến những điều bình dị, dân dã trong cuộc sống hàng ngày và ước vọng về một cuộc sống thuận hòa và hạnh phúc.

Bởi vậy, từ bức tranh con gà, đàn lợn, ông đồ, đám cưới, hái dừa, đánh ghen, chơi đu, đấu vật, bịt mắt bắt dê… đến Tiến tài, Tiến lộc, Vinh hoa, Phú quý đều được những nghệ nhân Đông Hồ đưa vào phản ánh sâu sắc và hóm hỉnh trong dòng tranh Tết. Bằng những đường nét tinh tế, giàu tính gợi hình và màu sắc tươi tắn, hài hòa, mỗi bức tranh đều chứa đựng những ẩn ý nhân văn sâu sắc.

Bức Tiến Tài - Tiến Lộc dán ở cổng để mời gọi thần tài đến nhà. Tranh “Gà đàn”, “Lợn đàn” lại tượng trưng cho khát vọng sung túc cả năm. Hai bức Vinh hoa – Phú quý vẽ bé trai ôm gà trống và bé gái con vịt với mong muốn năm mới gia đình được bình yên, làm ăn khấm khá, con cái “đủ nếp đủ tẻ”.

Tết cổ truyền trong tranh dân gian đông hồ

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đang thực hiện một bức tranh bộ tứ bình thủy mặc.

Bên cạnh bộ 2 bức – nhị bình, dòng tranh tứ bình (4 bức) cũng rất được chuộng trong ngày Tết. Các bộ tứ bình như Tùng – Cúc – Trúc – Mai, Long – Lân – Quy – Phượng, tố nữ chơi đàn… đều có kích thước lớn, giàu tính lãng mạn, đường nét tinh tế, sang trọng nên phù hợp với những gian nhà rộng rãi, khang trang.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến những bức tranh Đông Hồ mô tả các trò chơi dân gian ngày Tết. Qua những nét vẽ chân chất, mộc mạc, không khí tưng bừng, phấn khởi ngày xuân được tái hiện sinh động qua các trò chơi Tết xưa như múa lân, múa rồng, đấu vật, chơi đu...

Điểm độc đáo của tranh Đông Hồ là được tạo bởi 5 màu sắc chính là đen, xanh, vàng, đỏ, trắng, có nhiều nét tương đồng với 5 yếu tố ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Bởi vậy, sự hòa hợp của các gam màu trên tranh tết Đông Hồ là điềm báo cho sự khởi phát thuận lợi của ngũ hành dịp đầu năm, mang đến may mắn và điềm lành cho gia chủ.

Tết cổ truyền trong tranh dân gian đông hồ

Tranh Phú Quý được đem phơi trước khi hoàn thiện.

Với những người chơi tranh Tết Đông Hồ ngày nay, thay vì dán lên tường nhà, tranh được đóng khung tre và treo lên những vị trí trang trong phòng khách, tạo nét đẹp truyền thống trong ngày Tết cổ truyền ở mỗi gia đình hiện đại.

Tranh Đông Hồ hiện còn được sáng tạo thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau từ khắc gỗ, đồng, sơn mài, gốm đến tranh kính, thêu tay và đá quý. Dù màu sắc chút thay đổi cho phù hợp với thị hiếu người chơi nhưng không thể phủ nhận sức sống bền bỉ của dòng tranh dân gian Đông Hồ, đặc biệt là trong những ngày Tết đến xuân về.

Bài và ảnh: Vy An