Du khách từng lên Sơn La và thưởng thức món nộm da trâu chắc chắn không thể nào quên được hương vị giòn, dai và đậm.
Để thực hiện món này đòi hỏi sự cầu kỳ. Da trâu được hơ trên bếp lửa cho sạch lớp lông dày, cứng, sau đó cạo bỏ lớp da ngoài cùng rồi cho vào nồi luộc chín khoảng 1 tiếng. Tiếp đó, người phụ nữ sẽ vớt da trâu ra ngâm với nước lạnh để có độ giòn, dai rồi thái thành từng miếng mỏng.
Do da trâu cứng và dày nên để thái mỏng cũng tốn nhiều công sức, người chế biến phải dùng dao thật sắc, thái chéo. Muốn da trâu mềm, sau khi thái xong ngâm qua nước nóng rồi vắt thêm chút nước cốt chanh cho thơm.
Từ miếng da trâu trông không hấp dẫn, nhưng sau khi chế biến, nó có màu vàng nhạt, giòn, cắn thử thấy sần sật, là lạ.
Nộm da trâu là món ăn nhiều du khách săn tìm khi đến Sơn La. Ảnh: xemtivi |
Để món nộm da trâu đạt được độ ngon phụ thuộc nhiều vào cách trộn gia vị, trong đó những quả trám rừng, tỏi, lạc rang phải được giã nhỏ, băm nhuyễn và trộn đều cùng các loại rau thơm, rau rừng, hạt mắc khén đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Một thứ vị không thể thiếu là vị chua của nước măng, không phải chanh hay giấm như người dưới xuôi thường làm nộm. Nước măng chua được ngâm từ măng củ tươi và thời gian phải đủ để măng tiết ra nước, đảm bảo có vị chua mát, thanh thanh.
Gắp thử nếm một miếng nộm, cảm nhận miếng da trâu giòn lẫn vị thanh thanh dìu dịu, vị hăng của măng, vị bùi của lạc rang quyện trong mùi thơm của mắc khén khiến thực khách thấy lạ miệng. Ở các thành phố lớn, nộm da trâu thường được bán trong các quán dân tộc.
Anh Phương