Kiểu nồi này được gọi là nồi cù lao, vì ống đốt than giữa nồi nhôm được ví như cù lao, gò đất nổi lên giữa vùng nước xung quanh. Khi khách gọi món, đầu bếp lần lượt xếp các lớp nguyên liệu vào nồi: cá mú, da heo, nấm rơm, bánh xếp, cá viên, chả cá, tim gan, mực, tôm rồi chan nước lèo lên. Trong ống cù lao bỏ than củi được mồi sẵn. Đặt nồi lẩu lên bếp, thổi than bằng hệ thống ống của quán, khi đó than cháy hồng tỏa sức nóng ra làm sôi nồi lẩu. Sau đó bếp nhỏ và nồi lẩu được mang ra bàn cho thực khách, than vẫn hồng để nồi lẩu luôn sôi.
Một đĩa bún gạo hoặc mì, rau cải cúc, đậu hũ chiên, quẩy nóng là những thứ ăn kèm lẩu. Trụng mì và rau vào nồi lẩu đang sôi rồi nhanh tay vớt ra bát, chan nước lèo và tôm, cá lên trên, bạn sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị của món ăn này.
Nồi lẩu cá đầy đặn chín bằng sức nóng của than củi. Ảnh: Ngọc Yến. |
Là một trong những món ăn lâu đời ở Chợ Lớn, lẩu "cù lao" được yêu thích bởi nước lèo đậm đà, ngọt vị xương, nguyên liệu trong nồi được đánh giá là tươi ngon, chất lượng. Lát cá hay con tôm khi chín tới sẽ được chấm với chén nước sa tế cay nồng, đúng vị.
Chủ quán chia sẻ, quán đã có từ những năm 1960, phương thức đun lẩu bằng than củi trong nồi nhôm cù lao, chủ yếu là quạt tay cho than chín. Ngày nay đã sử dụng hệ thống thổi bếp than cho nhanh nhưng vẫn giữ công thức nấu ăn gia truyền với nguyên liệu tươi, trọn vẹn hương vị món lẩu “tả pín lù” của người Chợ Lớn.
Các nồi lẩu được thổi than bằng hệ thống. Ảnh: Diadiemanuong. |
Quán Lẩu Dân Ích bán từ 4h chiều đến 10h tối ở đường Châu Văn Liêm. Cao điểm vào lúc 7-8h tối, cả 3 tầng đều kín bàn, khách đến sau giờ đó có thể sẽ không thưởng thức được đầy đủ các nguyên liệu như ban đầu. Giá một nồi lẩu cho 2 người ăn là 180.000 đồng.
Xem thêm: Bánh cuốn trong hẻm 50 năm ở Sài Gòn