Từ TP.HCM đi đến thủ đô của đất nước chùa Tháp, bạn sẽ có hai lựa chọn: hoặc đường hàng không xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất hoặc đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Và tất nhiên, tôi chọn chiếc vé giá 10 USD để lên đường, bởi ngoài việc tiết kiệm ra (giá vé máy bay khoảng 150 – 200USD), chắn chắn cung đường từ TP.HCM đến Phnom penh sẽ cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị.
Khu vực cửa khẩu biên giới VN - Campuchia
Đường từ TP.HCM đến cửa khẩu Mộc Bài (người
campuchia gọi là Ba – Vét) khoảng 70 cây số. Con đường xuyên Á nối liền hai điểm này khá rộng và thoáng nên xe đi khoảng hơn một tiếng là đến cửa khẩu. Tranh thủ khoảng thời gian dừng lại để hoàn thành các thủ tục xuất cảnh, tôi tiếp cận một anh chạy xe ôm người Campuchia nói tiếng Việt khá sỏi. Biết tôi muốn “hóng chuyện” cờ bạc, anh này bảo, so với cách đây vài năm, chuyện cờ bạc giờ đã giảm nhiệt nhiều bởi người chơi hầu hết đã “cạn tiền”. Như để cho tôi hiểu thêm, anh cho biết khu vực này có trên dưới chục sòng bạc lớn nhỏ, hầu hết đều do các ông chủ người Ma Cau, Malaysia đứng ra xây dựng (một số ít người Việt có phần hùn ở các sòng bạc này), còn người chơi đại đa số là người Việt.
Trong số những người Việt sang đây “thử vận may”, theo anh thì dân Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh là đứng đầu về độ “máu”. Và cũng chính từ chuyện “máu me” ấy mà nhiều người giờ đây phải sống trong cảnh vất vưởng với nhiều cái không: không nhà cửa, không người thân, không bạn bè, không tiền bạc.
Chỉ vào một nhóm người đang ngồi vắt vẻo trong một quán cà phê cóc gần biên giới, anh cho biết nhóm người đó cách đây vài tháng còn là những đại gia với hàng trăm héc ta cao su mỗi người. Thế nhưng giờ đây, nhà của họ là những căn nhà trọ tạm bợ sát biên giới với giá khoảng 50 ngàn đồng một ngày.
Công việc của nhóm người này giờ đây là lê la ở các sòng bạc cò con bên ngoài để kiếm tiền rau cháo mỗi ngày. Thỉnh thoảng, gặp những đại gia cờ bạc bên Việt Nam sang họ xụp mặt đu theo để xin vài trăm ngàn lẻ mặc cho những lời sỉ vả. Nói đoạn anh quay sang tặc lưỡi: “Đời của họ đã tàn dưới bóng của những casino tráng lệ rồi anh ạ!”.
Rời của khẩu Ba - vét, chúng tôi tiến sâu vào nội địa.
|
Vào đất Campuchia |
Do qua biên giới đúng vào lúc tan tầm nên trước mặt tôi hiện ra một khung cảnh mà có lẽ nằm mơ tôi cũng không thể nào tưởng tượng ra: hàng chục chiếc xe chở đầy ắp công nhân nối đuôi nhau chạy về hướng thủ đô Phom penh.
Thấy tôi trố mắt, anh tài xế người Việt cho biết, hiện khu vực biên giới có khoảng 10 công ty với hàng vạn công nhân nên cảnh tượng này không là hình ảnh lạ với cánh tài xế xuyên biên giới. Để đáp ứng cho nhu cầu đi lại của một lượng lớn công nhân đó, những người thức thời đã mua những chiếc xe tải về “độ” lại thành xe chở người. Số người trên mỗi xe tùy thuộc vào địa phương đó có nhiều công nhân hay không. Tuy nhiên, số lượng mỗi xe theo quan sát của tôi, ít nhất cũng không dưới 70 người! Tiền công mỗi tháng cho nhà xe mà mỗi công nhân phải trả là khoảng 20 ngàn riel (khoảng 100.000 đồng).
Thấy tôi thắc mắc “tiền công mỗi tháng công nhân nhận được bao nhiêu?”anh tài xế bảo: “Khoảng 60 USD/tháng, ai làm giỏi thì được khoảng 80USD hơn, nhưng không ai quá 100USD/tháng!”.
Nói tiếp chuyện giao thông, không chỉ chở công nhân, trên đường đi chúng tôi bắt gặp rất nhiều xe khác chở cồng kềnh và quá khổ: khi thì hàng hóa, lúc là người. Thực tế là vậy song trên đường đi chúng tôi tuyệt nhiên không nhìn thấy bất kỳ bóng dáng một cảnh sát giao thông nào dừng xe kiểm tra hay thổi phạt.
Từ cửa khẩu Ba – Vét vào thủ đô Phom penh phải đi phải đi qua bến phà có tên gọi là Neak Luong. Trước cổng vào của bến phà, có một tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Được biết, đây là một trong những cửa ngõ chiến lượt quan trọng để tiến vào thủ đô Phnom penh nên trong thời kỳ thực hiện nghiã vụ quốc tế, đẩy lùi nạn diệt chủng rất nhiều chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh tại bến phà này.
|
Tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện |
Hiện tại, phà Neak Luong hoạt động hầu như cả ngày lẫn đểm để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, trong một tương lai không xa, bến phà này sẽ kết thúc xứ mệnh lịch sử của mình khi mà một chiếc cầu dây văng lớn đang bắt đầu tượng hình.
Sau khoảng hơn 5 giờ đồng hồ, vượt hơn 170 km từ TP.HCM, tôi có mặt tại thành phố Phnom penh khi bóng đêm đã bao trùm lên thành phố này. Lấp ló trong những luồng ánh sáng đa sáng là đỉnh của một mái vòm, đó chính là Hoàng Cung, một địa điểm khám phá mà tôi sẽ đến trong ngày hôm sau. Phnom penh đang chìm vào giấc ngủ….
Mách bạn
Một số điểm lưu ý khi du lịch Campuchia
Di chuyển: Hiện có nhiều công ty mở tuyến xe buýt đi từ TP.HCM đi Phnom Penh và ngược lại (giá từ 9 -10 USD/lượt), thông tin có thể xem trên các trang web của các nhà xe.
Khách sạn, nhà nghỉ ở thủ đô Phnom penh có giá dao động từ khoảng 10 – 30 USD/đêm (tuy nhiên, bạn nên chọn loại 15USD/đêm).
Phương tiện: Có rất ít xe taxi ở Phnom penh nên phương tiện đi lại chủ yếu ở Campuchia là xe tuk tuk hoặc xe ôm. Giá một ngày thuê xe tuk tuk ở Phnom – Penh là 30USD.
Nếu muốn tham quan nhiều hơn, các bạn có thể thuê một hướng dẫn viên biết tiếng Việt với giáo 30 USD/ngày
Ở Phnom penh có nhiều quán ăn vỉa hè giá trung bình khoảng 2USD/ xuất
Biết tiếng Anh là một lợi thế khi đi du lịch bụi ở Campuchia.
Nguyễn Minh
(còn tiếp)