Với mong muốn được một lần được nghe những câu chuyện huyền bí ngay chính tại nơi sản sinh ra nó, chúng tôi bắt xe tuk tuk lên đường.
Được bao bọc bởi một cánh đồng rộng lớn, từ quốc lộ 6 nhìn vào, núi Oudong trông như một “chiếc bát úp”. Điểm xuyết và gây ấn tượng thêm cho “chiếc bát úp” ấy là ba ngọn tháp trong tư thế vươn mình lao thẳng vào bầu trời xanh. Được cộng hưởng bởi màu trắng của cánh đồng đang vào mùa nước nổi và ráng chiều của hoàng hôn, Oudong khiến cho cảm giác như đang chạm vào sự huyền bí của vùng đất cố đô.
Vừa dẫn tôi đi tham quan những ngọn tháp Gropa – những dấu ấn tiêu biểu ở cố đô này, người hướng dẫn bắt đầu dẫn tôi vào câu chuyện huyền bí liên quan tới một người Việt Nam – đó là công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, ái nữ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Câu chuyện liên quan đến ái nữ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên bắt đầu vào năm 1620, tức là hai năm sau khi vua Chey Chetta II bắt đầu xây dựng kinh đô Oudong. Theo đó, để củng cố quyền lực và tránh xảy ra chiến tranh với một lân bang nên vua Chey Chetta II đã cầu hôn công chúa chúa Ngọc Vạn. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để gắn kết tình hữu hảo, tránh xảy ra xung đột, chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã đồng ý cuộc hôn phối này. Sau khi trở thành Hoàng hậu nước Chân Lạp, công chúc Ngọc Vạn được bang tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac.
Vừa đẹp người, lại đẹp nết, nên chúa được vua Chey Chettha II rất yêu quý. Nhờ vậy, mà nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp, cũng như cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô.
Lợi dụng mối quan hệ này, năm 1623, chúa Sãi còn cử một sứ bộ, đem theo thư cùng nhiều tặng phẩm, tới Oudong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của triều đình Huế. Trong quốc thư, chúa Nguyễn cũng đã yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập một đồn thuế ở Prei Kor (tức vùng Sài Gòn) và lập một dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay). Nhờ sự vận động của Ngọc Vạn, nên cả hai việc trên đều được vua Chey Chetta II chấp thuận.
Sau khi vua Chey Chetta II băng hà vào năm 1628, triều đình rơi vào khủng hoảng bởi nạn tranh giành quyền lực. Đến năm 1642, một người con của vua Chey Chettha II đã đoạt được quyền lực và bước lên ngôi báu lấy vương hiệu là Chau Ponhea Chan.
Sau khi lên ngôi, vị vua này đã phải lòng và cưới một Công chúa người Mã Lai theo đạo Hồi Islam.
Do quá si mê vị hôn thê ngoại tộc này, nhà vua Chau Ponhea Chan đã gạt bỏ những bà vợ khác và phong người này làm Hoàng hậu. Thậm chí, ông còn bỏ hẳn quốc giáo ( Phật giáo Tiểu thừa) để theo đạo của vợ. Điều này cùng với việc cho người Mã Lai và người Chăm được nhiều ưu đãi, đã gây bất bình trong giới hoàng tộc và dân chúng Chân Lạp. Hiện dấu tích về sự xuất hiện của đạo Hồi vẫn còn tồn tại trên một ngọn đồi nhỏ thuộc núi Oudong, đó là ngôi mộ của một vị tướng Hồi giáo.
Trở lại Oudong
Theo chân một nhóm tín đồ Phật giáo người Kh’mer, tôi leo lên nơi cao nhất của đỉnh Oudong. Từ đây, có thể phóng quan sát được các hướng Đông - Tây – Nam - Bắc một cách rất rõ. Và đây có lẽ là lý do mà các vị vua Kh’mer đã chọn ngọn núi này làm kinh đô?
Chỉ vào một ngọn thấp đang được trùng tu, được óp kiếng cẩn thận, người hướng dẫn cho biết bên trong ngôi tháp là một bức tượng vàng hơn 20 kg. Bức tượng này vốn rất linh thiêng đối với những người mộ đạo. Tuy nhiên cách đây hơn chục năm bức tượng này đã bị đánh cắp. Sau hơn 10 năm lưu lạc, bức tượng này cuối cùng đã được tìm thấy và được mang về Oudong thờ tự, một niềm vui lớn cho những tín đồ Phật giáo trên đất Ang – Kor.
Nguyễn Minh (còn tiếp)