jetstar pacific vừa ký kết thỏa thuận với hãng airbus mua 10 chiếc A320 CEO Sharklet thế hệ mới, dự kiến giao trong năm 2017. Dịp này, đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific đã có những chia sẻ chi tiết về công đoạn nghiêm ngặt để đưa một chiếc máy bay cánh cong sharklet a320 từ xưởng chế tạo của hãng Airbus về đến khu khai thác tại Việt Nam.
Đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific tại xưởng máy bay của Airbus. |
- Jetstar Pacific tham gia từ công đoạn nào để đảm bảo chất lượng của Sharklet A320 khi về đến Việt Nam?
- Hãng tham gia ngay từ những bước đầu tiên để chủ động đảm bảo khâu an toàn kỹ thuật. Sau khi gửi yêu cầu cho Airbus về cấu hình của máy bay, hãng sẽ tiến hành kiểm tra từ giai đoạn onground (tức lúc đang sơn) để thử nghiệm, bay thử, xử lý các hỏng hóc kỹ thuật nếu có. Nội thất của Sharklet A320 do hãng đặt hàng riêng với Airbus sẽ được trang bị 186 ghế bọc da sang trọng; các màu thảm, đường viền trang trí ghế và sơn nhấn trên cabin đều được chăm chút kỹ lưỡng cho hài hòa theo yêu cầu của JPA. Màu sơn cũng phải thỏa mãn tối đa các quy cách chính xác về logo, màu sắc, kích thước. Sau khi đảm bảo sơ bộ về tất cả hạng mục này, hãng và Airbus mới ký hợp đồng kỹ thuật (technical acceptance).
Khi về đến Việt Nam, Cục Hàng không Quốc gia sẽ kiểm tra máy bay một lần nữa, và cấp giấy phép hoạt động nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn kỹ thuật.
Lễ ký nhận bàn giao máy bay A320 Sharklet cho Jetstar Pacific. |
- Hãng đã gặp phải những khó khăn gì trong việc xin giấy phép vận chuyển?
- Máy bay cũng như người, có quốc tịch, đặc điểm nhận dạng, xuất xứ và nơi chuyển đi rõ ràng, nên đi đâu cũng phải có thẻ thông hành. Do không lưu các nước khá phức tạp, nên quy trình xin visa cho máy bay cũng nhiêu khê không kém, thường mất ít nhất 2 tuần. Để đưa Sharklet A320 từ Toulouse, Pháp về Việt Nam, hãng phải xin phép tổng cộng 16 nước, trong đó có giấy phép bay ngang qua và giấy phép hạ cánh, đặc biệt là các nước có tình hình phức tạp như Iran, Afganistan, hay các nước Nam Âu như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ.
- Kế hoạch dự phòng rủi ro của hãng khi đưa Sharklet A320 về Việt Nam?
- Hãng chọn ra đội bay kinh nghiệm nhất đến Pháp để đưa Sharklet A320 về trên chuyến bay kéo dài 14 tiếng. Trước khi bay về, chúng tôi phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật như nhiên liệu, đường đáp, thiết bị tiếp nhận, giấy tờ cần thiết… Ngoài ra, hãng còn phải sắp xếp các sân bay dự bị (tổng cộng 12 sân bay), và đảm bảo nhân lực hỗ trợ tại các sân bay phòng khi xảy ra trục trặc trong quá trình bay như tàu bay không bay về đúng giờ do các yếu tố kỹ thuật. Bên phía Airbus cũng phối hợp theo dõi suốt quá trình này để đảm bảo phản ứng kịp thời trong các tình huống khẩn cấp.
Máy bay A320 CEO Sharklet tại nhà máy Airbus ở Toulouse. |
- Quá trình bảo dưỡng sau này của Sharket A320 được thực hiện như thế nào?
- Máy bay A320 nổi bật với hệ thống bảo dưỡng trong khoang được tin học hóa. Hệ thống kỹ thuật điện tử hàng không được thiết kế để dễ nâng cấp mà không cần sửa chữa lớn. Mặc dù quá trình bảo dưỡng do Airbus cung cấp nhưng do hãng triển khai theo sự phê chuẩn của Cục Hàng không Quốc gia. Hãng có đến 200 nhân viên trong đội ngũ bảo dưỡng kỹ thuật, cung ứng vật tư với nhiều chuyên gia được đào tạo theo các quy chuẩn của các hãng sản xuất máy bay, tiêu chuẩn an toàn của Qantas Airways (Australia - Hãng hàng không an toàn nhất thế giới) với tiêu chuẩn cao và sự hỗ trợ của Vietnam Airlines.
- Việc bổ sung 10 chiếc Airbus A320 CEO Sharklet thế hệ mới có ý nghĩa thế nào với chiến lược “Giá rẻ mỗi ngày - Hài lòng khi bay” của Jetstar Pacific?
- Nhờ ưu điểm vượt trội trong việc tiết kiệm nhiên liệu, trong khi nhiên liệu cấu thành gần 50% giá vé, nên việc khai thác Sharklet A320 góp phần tiết kiệm chi phí cho hãng. Ưu điểm này giúp hãng vừa cung cấp thêm nhiều vé máy bay giá rẻ hàng ngày, vừa đảm bảo cung cấp dịch vụ bay chất lượng, thân thiện với môi trường, tăng sự hài lòng tối đa với khách hàng.
Việc bổ sung dòng máy bay hiện đại, mới nhất này của Airbus cũng sẽ góp phần phát triển đội bay của hãng ngày càng lớn mạnh, xứng tầm với khu vực và thế giới, từ đó mở rộng hoạt động tại Việt Nam và thị trường quốc tế. Hoạt động này như là một phần của hệ thống hàng không giá rẻ Jetstar toàn cầu và chương trình thương hiệu kép cùng Vietnam Airlines.
Mai Thương