Theo thống kê số liệu vừa được công bố từ Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ theo kế hoạch của toàn ngành đạt 83,5%, tỷ lệ chậm chuyến là 16% và hủy chuyến là 0,5%, trong đó Hãng hàng không quốc gia – Vietnam Airlines có tỷ lệ chậm chuyến 14,7%, Vietjet Air 18,2%, Jetstar Pacific 21,5% và VASCO 4,8%. So với thống kê của nhiều quốc gia trên thế giới thì con số này vẫn còn tương đối tốt. Tuy nhiên, những thông tin từ trang travel.asiaone.com gần đây về tình trạng chậm hủy chuyến của ngành hàng không Trung Quốc cho thấy trong hoàn cảnh phát triển có nhiều tương đồng, ngành vận chuyển hàng không Việt Nam cũng đang cần nhiều cải tiến để đạt sự phát triển ổn định trong tương lai.
Bản báo cáo về tình hình hoạt động tháng 7 của Trung tâm Phân tích dữ liệu hàng không dân dụng (một tổ chức tại Trung Quốc vốn định kỳ tiến hành khảo sát về số lượng chuyến bay đúng giờ của 103 hãng hàng không lớn trên toàn thế giới) đã công bố danh sách xếp hạng các hãng hàng không có tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất, trong đó ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc bị xếp hạng từ 86 trở xuống là China Southern Airlines (thứ 86 với tỷ lệ bay đúng giờ là 70,45%), Air China (thứ 93 với 66,41%) và China Eastern Airlines (thứ 87 với 64,46%).
Theo Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc, trong năm 2014, những nguyên nhân liên quan đến việc điều khiển không lưu và thời tiết xấu đã khiến tỷ lệ chuyến bay hạ cánh đúng giờ của ngành hàng không nước này chỉ đạt mức 68,37%. Điểm đáng chú ý là trước năm 2009, ngành hàng không Trung Quốc thực sự là một “điểm đen” về vận chuyển hàng không toàn cầu khi tỷ lệ chậm chuyến luôn ở mức 80%, sau đó con số này đã được hạ xuống trong năm 2010 và chạm mốc giảm kỷ lục trong năm 2014. Trong tổng số các chuyến bay bị chậm cất cánh, khoảng 36,09% chuyến có khoảng thời gian chậm khởi hành dưới 31 phút, trong khi 2,88% chuyến bị chậm tới hơn bốn giờ. Thời tiết xấu và hành vi gây rối từ hành khách là những nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ chậm chuyến trong tháng 7 vừa qua.
Với mức tăng trưởng hằng năm luôn đạt hai con số trong nhiều năm cùng với 391,95 triệu chuyến bay đã thực hiện bởi các hãng hàng không Trung Quốc trong năm 2014 (tăng 10,7% so với năm 2013), ngành vận chuyển hàng không nước này vẫn còn rất khó trong cố gắng cải thiện tình trạng chậm, hủy chuyến vì đang có sự bùng nổ lượng hành khách, trong đó nâng cao hiệu quả quản lý và kỹ năng vận hành trang thiết bị phục vụ hành khách là cần thiết nhất.
Đối với hành khách, giải pháp có lẽ là duy nhất để thích ứng với tình trạng chậm cất cánh là mua bảo hiểm chậm (hay hủy chuyến). Đông đảo người mua loại hình bảo hiểm này tạo thành một khuynh hướng mới tại thị trường hàng không Trung Quốc. Số liệu thống kê cũng cho thấy việc chi trả bảo hiểm chậm chuyến trong tháng 7 vừa qua tại Trung Quốc đã vượt 30% so với tháng 6 và có từ 20 đến 30% khách hàng đã mua bảo hiểm với mệnh giá đền bù lên đến 200 tệ. Thêm vào đó, tháng 7 và 8 cũng là mùa mưa bão ở phía Nam nên hành khách bay đến khu vực này cũng mua bảo hiểm nhiều hơn so với bay đến miền Bắc vào dịp cuối năm.
Dưới đây là danh sách mười hãng hàng không có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ nhất trong tháng 7-2015: 1. Nok Air (Thailand) 98,99%; 2. AirBaltic (Latvia) 97,85%; 3. Wideroe (Norway) 97,63%; 4. Japan Airlines (Japan) 97,02%; 5. Hawaiian Airlines (Mỹ) 96,92%; 6. All Nippon Airways (Japan) 96%; 7. Finnair (Finland) 96,82%; 8. Qatar Airways (Qatar) 96,70%; 9. Copa Airlines (Panama) 96,28%; 10. LOT Polish Airlines (Poland) 96,16%.
H.K (DNSGCT)