728 x 90

Đến thăm các công trình cổ đẹp nhất Đà Lạt

Đến thăm các công trình cổ đẹp nhất Đà Lạt
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, theo lời gợi ý của bác sĩ huyền thoại Yersin, vị toàn quyền Đông Dương người Pháp Paul Doumer đã quyết định cho quy hoạch và xây dựng  Đà Lạt thành 1 trung tâm...
CanhDep.net

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, theo lời gợi ý của bác sĩ huyền thoại Yersin, vị toàn quyền Đông Dương người Pháp Paul Doumer đã quyết định cho quy hoạch và xây dựng  đà lạt thành 1 trung tâm hành chính, du lịch và giáo dục của Đông Dương lúc bấy giờ với nhiều biệt thự, công sở, trường học, nhà thờ, tu viện….

Nói về các công trình kiến trúc Pháp cổ tại Việt Nam nói chung và Đà Lạt nói riêng, chúng ta ai cũng ngỡ ngàng về đường lối, bố cục kiến trúc và vẻ đẹp tinh tế, bền vững với thời gian, lịch lãm hài hòa của văn hóa Phương Tây kết hợp với các chất liệu địa phương của các công trình này. Có thể kể ra hàng loạt những công trình kiến trúc Pháp cổ nổi tiếng ở Đà Lạt như Nhà ga xe lửa, Trường cao đẳng sư phạm, tòa nhà Cục Bản Đồ, Trường nữ tu Couvent Des Oiseaux, Nhà thờ Con Gà, Trường Đại học Đà Lạt, Viện Pasteur…

Tôi sinh ra và lớn lên cùng với sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, dòng sông mạnh mẽ và quanh năm cuộn đỏ phù sa, có lẽ vậy nên tôi luôn có cảm tình hơn cả với những công trình kiến trúc có màu hồng đỏ như phù sa của sông Hồng vì nó đem lại cho tôi cảm giác gần gũi, ấm ấp. Ở Đà Lạt, hễ có dịp tôi hay lui tới Nhà ga xe lửa, trường cao đẳng sư phạm và Trường Nữ tu Couvent des Oiseaux. Đây là 3 công trình theo tôi là đẹp nhất, gợi cảm nhất và cũng đem lại cho tôi nhiều suy nghĩ, tiếc nuối nhất.

Ga Đà Lạt

Được xem là nhà ga xe lửa cổ kính nhất và đẹp nhất Việt Nam do người Pháp xây dựng và hoàn thành năm 1938 nối liền Đà Lạt với Phan Rang dài hơn 80km với kiến trúc nhà ga chính gồm 3 vòm mái hình chóp cách điệu ba đỉnh núi Langbiang- đỉnh núi cao nhất và linh thiêng nhất của cao nguyên Lâm Đồng. Phía mặt nhà ga là 1 chiếc đồng hồ lớn có ghi lại thời gian mà bác sĩ huyền thoại Yersin khám phá ra vùng đất cao nguyên xinh đẹp này.
Đến thăm các công trình cổ đẹp nhất đà lạt
 Ga Đà Lạt năm 1948 - Ảnh: TL Internet
Nhắc tới ga Đà Lạt là mọi người nhắc tới một trong những hệ thống đường sắt độc đáo nhất trên thế giới: Đường ray răng cưa và đầu máy răng cưa vượt qua đèo Ngoạn Mục (đèo Sông Pha) với đường sắt có 3 đường ray và đường ray nằm ở giữa được thiết kế có răng cưa để tàu có thể leo dốc an toàn.
Sau khi người Pháp thất thế và rút khỏi Việt Nam, tuyến đường sắt đặc biệt này bị phá bỏ và hoàn toàn ngừng hoạt động vào năm 1972. Người thì cho rằng tuyến đường sắt bị phá là do người Mỹ, người lại cho rằng đó là phong trào đập bỏ tất cả những gì được coi là tàn dư của thực dân phong kiến và đế quốc. Cho tới ngày hôm nay thì ai cũng biết rằng dù với bất cứ nguyên nhân gì thì việc mất đi tuyến đường sắt đặc biệt này là một trong những sự nuối tiếc lớn nhất của ngành đường sắt Việt Nam và của người dân Đà Lạt. Nghe đồn hệ thống đường sắt bánh răng cưa trên thế giới hiện nay chỉ còn một đoạn ở Thụy Sỹ.
Đến thăm các công trình cổ đẹp nhất đà lạt
 Bây giờ ga cũng là địa điểm du lịch của nhiều du khách Việt và quốc tế - Ảnh: Internet

Ga Đà Lạt hiện tại đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia và là một trong những điểm tham quan du lịch hấp dẫn của thành phố với tuyến đường sắt duy nhất còn phục vụ  là tuyến Thành Phố Đà Lạt – Trại Mát dài 7 km và gần như đơn thuần chỉ chạy phục vụ sự tò mò hiếu kỳ của khách du lịch hơn là khai thác vận tải. Không hiểu do công nghệ kỹ thuật phức tạp mà người ta không thể xây dựng lại đoạn đường sắt răng cưa dài chỉ có hơn 10km vượt đèo sông Pha hay do những người cầm quyền không muốn xây dựng lại vì họ nghĩ rằng việc đó chẳng khác nào họ công nhận quyết định đập bỏ của họ khi xưa là 1 sai lầm?

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt Grand Lycée Yersin

Đã có quá nhiều mỹ từ người ta nói về công trình kiến trúc tuyệt đẹp này.   Được khởi công xây dựng vào năm 1927, hoàn thành  năm 1935 và được đặt tên  là trường Lycée Yersin và thường gọi là trường Grand Lycée chuyên đào tạo cao đẳng để phân biệt với trường Petit Lycée  là trường chuyên đào tạo học sinh tiểu học. Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt được hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ XX với màu đỏ đặc trưng của gạch với tòa nhà chính gồm các lớp học 3 tầng xây liền với 1 tháp chuông, từ tháp chuông có 1 hành lang nhỏ dẫn thẳng tới khu nhà văn phòng nằm ngay giữa cổng ra vào, qua 1 khoảng sân rộng phía sau vài dãy thong là các lớp học phụ, khu hành chính, ký túc xá và nhà ở cho nhân viên của trường….

Đến thăm các công trình cổ đẹp nhất đà lạt
 Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (trước kia là Grand Lycée Yersin) - Ảnh: Internet

Điểm độc đáo nhất của công trình kiến trúc này là tòa nhà lớp học chính được xây theo hình cánh cung cong vút nối liền với 1 tháp chuông, toàn bộ khối kiến trúc chính nhìn giống như 1 cuốn vở đang mở ra và tháp chuông chính là cây bút. Tòa nhà hành chính nhỏ ngay lối cổng ra vào được xây bằng đá đen tượng trưng cho nghiên mực. Vở, bút mực là những công cụ quan trọng của việc học hành, là biểu trưng cho việc coi trọng Sự Học của người Việt từ xa xưa cho tới nay.

Tiếc rằng không biết vì lý do nào đó, tòa nhà hành chính nhỏ bằng đá đen tượng trưng cho nghiên mực khi xưa đã bị đập bỏ và được thế bằng 1 tòa nhà giả cổ vô cùng xấu xí với mái tôn công nghiệp màu xanh và lớp xi măng đắp giả đá bên ngoài.

Vở tốt, Bút tốt nhưng Mực thì tồi, liệu bạn có thể viết ra được những con chữ ngay ngắn? Tôi tin rằng không dễ…

Trường Nữ tu Couvent Des Oiseaux

Nằm trên một đồi thông dọc đường Huyền Trân Công Chúa ngay gần thác CamLy, Trường Nữ tu Couvent Des Oiseaux là trường nữ trung học đầu tiên dạy chương trình Pháp ở Đà Lạt được xây dựng từ năm 1935 và là nơi học tập của nữ sinh con nhà giàu có của các gia đình người Pháp, người Việt, người Campuchia và Lào.

Được xây dựng theo đúng phong cách đặc trưng của các trường dòng châu Âu gồm 1 khối kiến trúc lớn 3 tầng nằm giữa đỉnh đồi thông, phía sau là khu ký túc xá và bên trái là 1 nhà nguyện.  Xung quanh khối kiến trúc chính là vườn để trồng trọt xen lẫn với rừng thông, phía sau cùng là 1 con suối cung cấp nước và bao quanh là tường rào được xây rất kiên cố.  Ngôi trường đem lại cảm giác vừa giống như một trường học, vừa giống như một pháo đài hay lãnh địa nhỏ cũng vừa giống như một trang trại có thể tự cung tự cấp và sống khép kín khi cần. Đây cũng là một ngôi trường có phong cách giáo dục nổi tiếng chu đáo và nghiêm khắc trong lịch sử với nhiều học sinh nổi tiếng như Nam Phương Hoàng Hậu.
Hiện tại Trường Nữ tu Couvent Des Oiseaux đã bị chia thành nhiều hạng mục, phía bên ngoài đường Huyền Trân Công Chúa là một trường mầm non nhỏ và một số quầy bán hang, tòa kiến trúc chính trở thành Trường PTTH Dân Tộc Nội Trú tỉnh Lâm Đồng, nhà nguyện được trả về cho Thiên Chúa Giáo và phía sau trường nơi có vườn cây và suối nước thì đã bị khá nhiều người dân ở những nơi khác chiếm làm nhà tạm.
Đến thăm các công trình cổ đẹp nhất đà lạt
 Dòng nữ tu Couvent Des Oiseaux - Ảnh: Internet

Tôi được một Nữ tu ở nhà nguyện tiếp đón nhẹ nhàng, lịch thiệp nhưng tôi cảm nhận được rằng ẩn chứa bên trong đôi mắt biết nói của vị nữ tu kia là một thái độ tiếc nuối và cam chịu khi nói về ngôi trường xưa kia.

Miên man với những suy nghĩ về số phận của những công trình kiến trúc ở Đà Lạt mà tôi yêu thích, tôi bắt gặp một công trình kiến trúc khác nằm nép mình ở một con dốc nhỏ trên đường Trần Quang Diệu Đà Lạt ngay sát Dinh 1. Đây là một công trình kiến trúc gần giống như Trường Nữ tu Couvent Des Oiseaux  nhưng nhỏ nhắn hơn, khiêm tốn hơn và tôi cho rằng đẹp hơn.

Toàn bộ khối kiến trúc cũng mang màu đỏ của gạch xây thô và đá gạch đá ong với mặt tiền là khu nhà kiểu văn phòng xây liền với một nhà nguyện phía bên phải, phía sau là một khoảng sân rộng và dãy lớp học được nối liền với tòa nhà văn phòng phía trước bằng 1 hành lang và bao quanh là rừng thong xanh ngút ngàn.

Tôi đã xới tung cả Đà Lạt để hỏi thông tin về công trình kiến trúc tuyệt đẹp này nhưng kết quả thật đáng thất vọng, chẳng ai biết gì về nó ngoài 1 thông tin gần như duy nhất mà tôi có: “Hình như ngày xưa đó là Dòng tu Francessca”.

Tôi đã từng yêu say đắm một người con gái có tên là Francessca và tôi nghĩ dòng tu Francessca được lấy tên từ một người con gái có tên như vậy - một người con gái đẹp.

Giống như tính cách của một cô gái e lệ, toàn bộ mặt tiền của dòng tu Francessca nép mình vào một con dốc nhỏ không tên và phải đi vòng xuống con dốc tới sát dòng tu mới có thể nhìn thấy toàn cảnh của khối kiến trúc. Khu nhà lớp học phía sau cũng được xây rất khiêm tốn nép mình dưới những gốc thông và toàn bộ hướng nhìn của khối lớp học nhìn thẳng ra rừng thông với một vài đường mòn dẫn vào rừng  từ một vài cánh cửa nhỏ bí mật nào đó của dòng tu. Đột nhiên tôi cứ có cảm giác rằng không gian này, không khí này, hương vị này giống như trong tiểu thuyết “ Tu viện thành Pácmơ” nổi tiếng mà tôi đã từng đọc.

Rất khó để tả cụ thể về công trình kiến trúc này một cách chính xác, chỉ có thể nói rằng nó đem đến cho tôi một cảm giác yên bình kỳ lạ: Không phô trương, không phức tạp mà đơn giản, vừa phải, tinh tế và hài hòa với thiên nhiên xung quanh. Người ta nói rất nhiều về Dinh 1, nhưng chẳng thấy ai nói gì về công trình này  mặc dù nó chỉ cách Dinh 1 chưa tới 1 km. Phải chăng lịch sử hình thành và phát triển của dòng tu này ở Đà Lạt quá ngắn ngủi, hay Dinh 1 đã từng là nhà của 1 ông vua nên được nhiều người để ý hơn, hay thói quen của con người thường hay nhắc đến những gì hào nhoáng ầm ĩ hơn là những gì khiêm tốn, vừa phải mặc dù xét về tầm vóc thì chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”.

Tôi nhắn cho Francessca bạn tôi rằng “ở Đà Lạt có 1 công trình kiến trúc đẹp kinh khủng mang tên Francessca”, câu trả lời của nàng là “Làm gì có chuyện hoang đường đó…”. Tôi biết nàng đã đưa ra câu trả lời sau khi tìm kiếm thông tin một cách kỹ lưỡng bằng công cụ “Google” trên internet.
Francessca ơi, cuộc sống bên ngoài vô cùng rộng mở và còn rất nhiều điều kỳ diệu để em khám phá.  Chuyện hoang đường cỡ nào cũng hoàn toàn có thể xảy ra, ngày xưa em đã chẳng từng nói rằng em và anh không thể và sẽ không bao giờ rời xa nhau đó thôi.

Tôi gửi hình chụp và nhắn đại ý rằng “Google chỉ là công cụ, Góc nhìn và Cảm giác của em mới là quan trọng”….Tôi biết sau tin nhắn này, Francessca bạn tôi sẽ lên Google tìm hiểu có bao nhiêu cách để đi từ Hà Nội lên Đà Lạt một cách nhanh nhất.

Nguyễn Mạnh Hà