728 x 90

Đến Phan Rang ăn đặc sản và ngắm gốm Chăm Bầu Trúc

Đến Phan Rang ăn đặc sản và ngắm gốm Chăm Bầu Trúc
Hàng năm, cứ đến tháng 10, rất nhiều du khách đặt chân đến Phan Rang. Ngoài việc được tham gia lễ hội Kate Chăm, du khách còn có thể tham quan làng gốm Chăm Bầu Trúc và thưởng thức các đặc sản nơi này.
CanhDep.net
Gốm Bầu Trúc
Bầu Trúc có tên gọi theo tiếng Chăm là "palei Hamu Craok", thuộc khu phố 7, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Với dân số khoảng 570 hộ, 4.043 nhân khẩu (2012), người Chăm Bầu Trúc đa phần đều biết làm gốm. Nghề gốm xuất hiện từ lâu và được truyền từ đời mẹ sang con. Tuy nhiên nghề gốm gần như bị mai một suốt thời gian dài bởi đời sống kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn khi sản phẩm gốm không được tiêu thụ.
Đến phan rang ăn đặc sản và ngắm gốm chăm bầu trúc
Công đoạn làm gốm.
Gốm Bầu Trúc đặc sắc ở chỗ kỹ thuật làm gốm theo phương pháp thủ công truyền thống, tất cả công đoạn tạo ra sản phẩm đều làm bằng tay với những công cụ hết sức thô sơ. Người phụ nữ đảm nhiệm phần lớn các công đoạn làm gốm.
Ngày xưa các sản phẩm làm ra từ gốm Bầu Trúc đều phục vụ cho đời sống tinh thần tôn giáo của người Chăm như các vật dụng dùng trong các đám tang, đám cưới…và một số ít vật dụng phục vụ cho cuộc sống thường ngày như nồi (gaok), niêu (klait), lu (blu…) và một số vật dụng phục vụ cho ẩm thực còn tồn tại cho đến ngày hôm nay như khuôn đổ bánh căn, bánh xèo, niêu nấu cơm phổ biến ở Đà Lạt.
Ngày nay gốm chăm đã có sự cách điệu từ hình mẫu đến họa tiết trang trí, các sản phẩm làm ra đều có xu hướng làm vật trưng bày trong nhà ở, khách sạn, nhà hàng cao cấp như: lọ hoa, bình nước, đèn ngủ, đèn trang trí, các hình tượng văn hoá Champa… được sử dụng trong trang trí nghệ thuật và trở thành những sản phẩm nổi tiếng được tiêu thụ trong nước và quốc tế, đồng thời là sản phẩm lưu niệm cho du khách tham quan.
Đến phan rang ăn đặc sản và ngắm gốm chăm bầu trúc
Sản phẩm gốm Bầu Trúc.
Trong các sản phẩm gia dụng mà gốm Bầu Trúc làm ra có khuôn đổ bánh căn, bánh xèo là hai vật dụng được dùng để chế biến món ăn phổ biến và là đặc sản ngon nhất ở ninh thuận hiện nay.
Bánh căn
Xuất xứ của bánh căn là món ăn đặc trưng của người Chăm, qua quá trình tiếp biến, người Việt nơi đây đã học hỏi và sáng tạo thêm nhiều cái mới, làm món ăn này thêm đặc sắc và trông hấp dẫn hơn.
Nguyên liệu là bột gạo, qua giai đoạn ngâm, pha trộn thêm cơm nguội khi xay bột, đo liều lượng nước và gạo sao cho phù hợp để bánh không bị nhão, cũng không bị khê khi nướng bánh… là những bí quyết được truyền tụng từ đời này sang đời khác của người dân Phan Rang.
Đến phan rang ăn đặc sản và ngắm gốm chăm bầu trúc
Bánh căn nhân tôm.
Từ chập choạng tối, người bán bánh căn đã tất bật xay bột, quạt than, nướng lò. Bánh căn phải nướng trên lò than hồng mà không có cách nào khác có thể thay thế được. Lò than đã đỏ rực, khuôn đã tỏa ra hơi nóng, là lúc người bán bắt đầu đổ bánh. Chiếc bánh căn trắng tinh, nóng hổi, nhân là trứng, mực, thịt và tôm… tùy theo ý thích của người thưởng thức, bánh được cạy ra khi vừa chín tới là được thả ngay vào tô hành lá xắt nhuyễn. Chiếc bánh điểm thêm màu xanh của hành lá, nhìn càng ngon. Bánh căn được ăn kèm với nước chấm như nước cá kho, xíu mại, trứng luộc, nước mắm xoài, mắm cái, mắm đậu phộng...
Để thưởng thức bánh căn ngon, du khách có thể đến góc đường Đoàn Thị Điểm - 16/4 đối diện Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận. Đây chỉ là quán cóc nhỏ vỉa hè nhưng có món bánh căn được xem là ngon nhất nhì Phan Rang.
Bánh xèo
Bánh xèo Phan Rang khác hẳn bánh xèo Nam bộ. Mỗi chiếc bánh nho nhỏ như hình một chiếc đĩa con, bột tráng mỏng mà không rách, tôm mực thịt hành giá phủ bên trên thơm lựng, màu bột chín hơi ửng vàng thật bắt mắt. Chiếc bánh giòn rụm, vị béo thơm ngọt bùi, ăn một miếng thì ngay lập tức muốn ăn miếng thứ hai.
Để thưởng thức bánh xèo ngon nhất ở Phan Rang du khách nên đến các quán cóc vỉa hè dọc hai bên đường Quang Trung, nơi đây tập trung nhiều quán bánh xèo ngon có tiếng.
Đến phan rang ăn đặc sản và ngắm gốm chăm bầu trúc
Đổ bánh xèo.
Người Phan Rang tin rằng khuôn đổ bánh căn, bánh xèo phải là khuôn được làm từ làng gốm Bầu Trúc thì bánh mới ngon. Phải là khuôn nặn từ đất sét sông Quau, cộng với bàn tay và tình yêu thương xứ sở của người Chăm Bầu Trúc nơi đây, chiếc khuôn mới kết hợp trọn vẹn với tài làm bánh của người dân Ninh Thuận, vị của món ăn này mới mười phần vẹn mười.
Putra Jatrai