728 x 90

Đặc sắc món “phở khô hai tô” ở phố núi Pleiku

Đặc sắc món “phở khô hai tô” ở phố núi Pleiku
Tại phố núi Pleiku, du khách không thể bỏ qua món phở khô Gia Lai. Giống như việc tìm phở bò, bún thang Hà Nội, đến Huế phải ăn bún bò giò heo và ở miền Nam phải thưởng thức hủ tiếu, thì tại Gia Lai không thể bỏ qua "phở khô hai tô" này.
CanhDep.net
Có lẽ với người Pleiku (Gia Lai) phở khô không chỉ là món ăn nổi tiếng mà còn là niềm tự hào. Đến Pleiku, bạn dễ dàng tìm thấy các cửa hàng phở khô trên khắp phố phường.

Phở khô có phần bánh phở cùng nước dùng tách riêng để tùy vào khẩu vị của thực khách mà lựa chọn ăn khô hay ướt. Một phần phở khô bao gồm phở, nước dùng và nhiều loại rau ăn kèm. Về cơ bản, những nguyên liệu chính sẽ giống nhau, chỉ tùy vào các vùng mà có thể thay đổi loại rau và hương vị nước dùng. Món ăn này cũng phổ biến ở các tỉnh tây nguyên khác như Kon Tum, Đắk Lắk.

Gọi là phở nhưng sợi của phở khô không giống các món phở Bắc mà thiên về sợi mì hủ tiếu. Tuy nhiên, điều đặc biệt là sợi phở săn và dai hơn vì khi để trong bát, sợi không bị nát. Khi thực khách gọi món, người đầu bếp sẽ chần phở qua để món ăn không bị dai hay vón cục. Chọn được phở ngon và chần đúng cách đã quyết định một phần thành công của món ăn.
 
Đặc sắc món phở khô hai tô ở phố núi pleiku
Phở khô gà là lựa chọn được nhiều thực khách yêu thích. Ảnh: Minh Đức

Phở khô thường ăn với hai nguyên liệu chính là thịt gà và thịt bò. Bên cạnh đó, món ăn sẽ không trọn vẹn nếu thiếu hành khô, rau sống và lạc. Khi ăn, bánh phở và các nguyên liệu sẽ được trộn đều lên với tương đen, xì dầu, tương ớt tùy thuộc vào khẩu vị của thực khách. Tương đen là gia vị không thể bỏ qua khi ăn phở khô, tuy có chút ngọt nhưng vẫn giữ được vị mặn của nước tương. Mùi thơm của tương, vị cay của tương ớt hòa trong những hương vị riêng biệt của xà lách, ngò gai, giá đỗ tươi, húng quế tạo nên một bát phở khô kích thích cả vị giác, khứu giác và thị giác người ăn.
 

Quan trọng không kém bánh phở là nước dùng phải đảm bảo trong và có vị ngọt nhẹ từ nước hầm xương hay nước luộc thịt gà. Để bát nước dùng trong, người chế biến phải vớt bọt liên tục khi nấu. Nêm gia vị cho nước dùng cũng quyết định độ thành công của món ăn. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng có những bí quyết riêng khiến cho nước dùng ngon đúng kiểu, không nhạt nhưng không mặn hay ngọt sắc. Người ăn có thể chan vào bánh phở hoặc để nguyên, vừa ăn phở vừa xì xụp nước dùng và tấm tắc khen.
 
Chính vì để riêng phở và nước nên phở khô ở pleiku còn được biết đến với tên "phở khô hai tô". Dù món ăn đã được phổ biến rộng rãi và có thể tìm thấy ở nhiều tỉnh thành nhưng chỉ có ở Pleiku, gia lai thì bạn mới được ăn tô phở khô vừa đúng hương vị, vừa hợp không gian nhất. Một tô phở thường có giá 35.000 đồng.
Đặc sắc món phở khô hai tô ở phố núi pleiku
Vì bánh phở và nước để riêng nên gọi với tên "phở khô hai tô". Ảnh: Internet.