728 x 90

Cuộc thi “Cùng non sông cất cánh” và hành trình Về thăm Đông Bắc

Cuộc thi “Cùng non sông cất cánh” và hành trình Về thăm Đông Bắc
Có thể nói, nằm ở nơi địa đầu của Tổ quốc, lại được che chắn bởi dãy Tam Đảo và dòng sông Hồng trĩu nặng phù sa, vùng Đông Bắc như tách hẳn mình ra khỏi nhịp sống xô bồ, chỉ giữ lại...
CanhDep.net

Có thể nói, nằm ở nơi địa đầu của Tổ quốc, lại được che chắn bởi dãy Tam Đảo và dòng sông Hồng trĩu nặng phù sa, vùng Đông Bắc như tách hẳn mình ra khỏi nhịp sống xô bồ, chỉ giữ lại chất thanh khiết của đất trời cùng sự hồn hậu của những con người miền cao. Tham gia chương trình tour lần này, đoàn học sinh xuất sắc trong chương trình “Cùng non sông cất cánh lần 4.2014” được đi tham quan các địa danh nổi tiếng của vùng Đông Bắc như khu di tích Pắc Pó, Hồ Ba Bể, Thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao... với phong cảnh hữu tình, thơ mộng, từng làm say lòng biết bao du khách.  

Khi đến với các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn của vùng Đông Bắc, các em học sinh như được sống trong không gian văn hóa của núi rừng Việt Bắc, được khám phá những điều thú vị của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng nơi đây. Các em cũng được đi thăm Hồ Ba Bể - Vườn di sản ASEAN, một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ và là địa danh đại diện của Việt Nam được đề cử UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Cuộc thi cùng non sông cất cánh và hành trình về thăm đông bắc
 Hành trình Về thăm Đông Bắc trong khuôn khổ Cuộc thi “Cùng non sông cất cánh”
Trong hành trình về thăm Đông Bắc lần này, các em cũng được tham quan thác Bản Giốc với vẻ đẹp nguyên sơ huyền diệu. Đường đến Bản Giốc là một hành trình thú vị khi các em có thể phóng rộng hết tầm mắt ngắm nhìn từ trên cao xuống mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng  sông Quây Sơn uốn lượn êm ả như dải lụa bạc, vắt mình theo chân núi Cô Muông, qua những cánh đồng lúa xanh mướt vùng Đàm Thủy và những nương ngô của đồng bào bản Giốc.
Tiếng nước đổ xuống âm vang ầm ào nghe như tiếng vọng của muôn đời, tha thiết cuồn cuộn tuôn chảy mãi không thôi. Và tại đây, các em có thể cảm nhận được vẻ đẹp sâu lắng đầy quyến rũ của thác nước, đó là những cảm xúc bồi hồi, xốn xang và choáng ngợp khi được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, thâm nghiêm nơi niềm biên ải thân thương của Tổ Quốc.
Cách thác Bản Giốc 3km là động Ngườm Ngao. Hang động đá vôi này còn nguyên vẹn vẻ hấp dẫn hoang sơ. Ngườm Ngao theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp, còn gọi là “hang giữa thung lũng đá”. Động Ngườm Ngao có chiều dài tổng cộng 2.144m, nhưng khai thác chỉ mới hơn 900m, gồm có ba cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh, nằm ẩn mình dưới những khối đá chân núi; cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày.  
Tại đây, các em sẽ được hướng dẫn đi từ cửa Ngườm Lồm và trở ra bằng cửa Ngườm Ngao, qua đó các em sẽ chiêm ngưỡng hầu hết những cảnh đẹp tuyệt vời trải khắp chiều sâu hang động. Ngoài những kiến tạo thạch nhũ hư ảo đầy gợi tưởng đến hình người, hình cây rừng, các loài vật, nàng tiên nghiêng mình chải tóc, búp sen khổng lồ, cột chống trời, tiên ông, phật bà. Nét độc đáo nhất của động Ngườm Ngao chính là những “thửa ruộng bậc thang” do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa suốt nhiều triệu năm. Những cảnh quan tuyệt diệu giữa chập chùng các thung lũng đá, núi đã  giúp cho động Ngườm Ngao cùng với thác Bản Giốc thu hút hồn người với những cảm xúc khó tả, khó quên.
Điểm nhấn của chương trình tour Đông Bắc năm nay có lẽ đó là Khu di tích Pắc Pó (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Cách trung tâm thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc, Pắc Pó là nơi có núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, là điểm đầu (km 0) của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Pác Pó theo tiếng Tày - Nùng ở Cao Bằng có nghĩa là “đầu nguồn”. Pác Bó cũng là nơi đầu nguồn của cách mạng Việt Nam. Nơi đây đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào Cách Mạng  sau ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước.
Đây cũng là nơi đã gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1941 – 1945. Tại đây các em được đi thăm núi Các Mác, suối Lê Nin, hang Cốc Pó và đền thờ Bác Hồ - những nơi đã trở thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa vô giá, không chỉ của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng mà còn là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho các thế hệ con cháu Việt Nam.

  Cuộc thi “Cùng non sông cất cánh” là sáng kiến của Vietnam Airlines và Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức lần đầu tiên vào năm 2011 nhằm khuyến khích học sinh tìm hiểu thêm kiến thức địa lý, lịch sử của nước nhà đồng thời tạo sân chơi bổ ích để các em giao lưu, học hỏi, hình thành và rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm. Năm 2014, năm thứ 4, cuộc thi còn có thêm sự đồng hành của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TPHCMvới mục tiêu tạo thêm sự gắn bó cho các em học sinh với thành phố quê hương mang tên Bác.

 Qua 4 lần tổ chức, cuộc thi “Cùng non sông cất cánh” đã và đang thực sự là sự kiện mong đợi của các em học sinh khối phổ thông trung học trên toàn TPHCM mỗi dịp tựu trường. Bởi lẽ, tại đây các em không chỉ được thử thách kiến thức tài năng của mình qua các vòng thi, mà còn được giao lưu, học tập, gặp gỡ các bạn đồng trang lứa đến từ nhiều trường học khác nhau.

Trong chương trình lần này, ngoài các giải thưởng đã được trao tại buổi lễ tổng kết ngày 9.11, trong 5 ngày từ 26 đến 30.11.2014, Vietnam Airlines đã tổ chức chương trình tour “Về nguồn” với sự tham gia của đoàn học sinh TP.HCM (gồm 16 thành viên xuất sắc của 4 đội lọt vào vòng chung kết) để cùng khám phá danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, thuộc vùng Đông Bắc thân yêu của Tổ quốc.

Như Quỳnh