728 x 90

‘Cửa địa ngục’ giữa lòng sa mạc

‘Cửa địa ngục’ giữa lòng sa mạc
Một miệng núi nằm giữa lòng sa mạc rộng lớn cháy suốt hơn 40 năm là địa điểm gây tò mò cho không ít người đam mê du lịch muốn tận mắt thấy những điều kỳ thú.
CanhDep.net

Nằm tại Derweze, Turkmenistan, “cửa địa ngục” là tên gọi được đặt cho một miệng núi khổng lồ chứa đầy khí metan tự nhiên và cháy suốt hơn 4 thập kỷ qua. “Derweze” có nghĩa là “cửa” trong tiếng Turkmen nên người dân vùng này đã đặt luôn tên “cửa địa ngục” cho “lò lửa” chưa bao giờ tắt giữa lòng sa mạc khô rát này.

cửa địa ngục giữa lòng sa mạc

Cận cảnh cửa địa ngục chưa từng tắt trong hơn 40 năm qua. 

Từ năm 1971, khu vực này được phát hiện chứa khí đốt tự nhiên nên nhiều dự án khai thác đã được thực hiện tại đây. Tuy nhiên, tai nạn xảy ra, một giàn khoan khổng lồ đã đổ trúng hang động tự nhiên tích tụ đầy khí. Từ đó, một miệng núi sâu khoảng 20 mét, rộng 70 mét được hình thành và phun khí metan (là một khí gây hiệu ứng nhà kính) vào khí quyển.

Những nhà khoa học đã đưa ra lựa chọn châm lửa bằng một quả lựu đạn vào miệng núi này, với hy vọng lượng nhiên liệu trong đó sẽ được đốt cháy hết trong vòng một tuần. Trái ngược với dự định của họ, từ năm 1971 tới nay, đã hơn 4 thập kỷ, miệng núi lửa này vẫn tiếp tục cháy không ngừng. 

Không quan tâm tới việc “cửa địa ngục” luôn cháy sáng rất nóng và nằm ngay trong sa mạc Karakum của turkmenistan với rất ít người dân sinh sống, nơi đây vẫn trở thành một điểm thu hút du lịch một cách kỳ lạ. Vào ban ngày và nhìn từ xa, “cửa địa ngục” trông "hiền lành" và an toàn không khác gì những hố nước trong lòng sa mạc. Nhưng khi lại gần, từng đám lửa vẫn luôn luôn cháy sáng trong lòng miệng núi này. Và cho tới khi trời tối dần thì lửa cháy trong miệng núi trở thành một lò lửa lớn bị cô lập giữa lòng sa mạc và hắt sáng cả lên bầu trời đêm.

cửa địa ngục giữa lòng sa mạc

Không ít du khách lặn lội tới sa mạc xa xôi này để thăm thú cửa địa ngục nổi tiếng.

Mặc dù “cửa địa ngục” có tiềm năng lớn trở thành điểm du lịch thu hút khách bậc nhất Turkmenistan, tổng thống Kurbanguly Berdymukhamedov vẫn ra lệnh cho các quan chức địa phương tìm cách để dập lửa, sau chuyến thăm năm 2010. Ông cho rằng nếu cứ để ngọn lửa cháy mãi sẽ gây ảnh hưởng tới việc khai thác khí đốt từ những công trường gần đó và tổn hại đến ngành xuất khẩu năng lượng quan trọng của đất nước này. Tuy nhiên, cho tới nay "cửa địa ngục" vẫn tồn tại, cháy và không ngừng thu hút những vị khách tò mò từ khắp nơi đổ về.

Hành trình tới "cửa địa ngục":

Tốt nhất là du khách nên tới thăm "cửa địa ngục" tại Derweze vào buổi chiều tối, khi ngọn lửa có thể nhìn thấy từ cách xa hàng km. Cửa địa ngục cách thủ đô Ashgabat của Turkmenistan khoảng 260 km và chỉ có duy nhất một cách tới đây là đi bằng ô tô tự lái trong khoảng 4,5 giờ đồng hồ với giá thuê ô tô vào khoảng 110 USD (2,5 triệu đồng)

Diệp Thảo