Ngoài những lợi ích có được khi cùng bố mẹ xách ba lô lên đường, trong quá trình đi chơi, bé có thể sẽ gặp phải những sự cố không hay. Đừng hoang mang, vì với những lời khuyên sau, bạn có thể xử lý “ngọt ơ” mọi sự cố.
Bệnh do thời tiết
Cảm cúm, sốt, ho hay đau đầu là những bệnh thông thường mà trẻ cũng hay gặp phải, nguyên nhân là do sự thay đổi của môi trường hoặc do thời tiết mưa, gió, quá nắng hoặc quá lạnh. Do đó, trước khi bắt đầu một chuyến đi, bộ mẹ cần tìm hiểu rõ thời tiết và môi trường ở nơi đến. Hãy chắc chắn mang theo ô, mũ, nón, khẩu trang, áo bảo hộ,…cho con.
Ngoài ra, những loại thuốc thông dụng như thuốc cảm cúm, nhức đầu, thuốc ho, dầu gió… cũng là “cứu tinh” của gia đình trong nhiều trường hợp trẻ hoặc người lớn bị bệnh đó.
Dị ứng
Do thay đổi về thời tiết, môi trường sống, cộng với sức đề kháng kém, trẻ em thường hay bị dị ứng khi đi du lịch. Ngoài ra, phấn hoa, các loại côn trùng lạ… cũng khiến làn da của trẻ bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu.
Để đối phó với vấn đề này, bố mẹ nhớ chuẩn bị thêm các loại kem chống côn trùng và thuốc chống dị ứng trong hành trang du lịch cho gia đình nhé. Tuy nhiên, khi trẻ bị dị ứng, việc đầu tiên bố mẹ cần biết đó là nguồn nào gây dị ứng cho con và tách con ra khỏi nguồn đó. Nếu bé chỉ bị dị ứng thoáng qua thì chỉ cần bôi thuốc, trường hợp nặng hơn cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Biểu hiện khi trẻ bị dị ứng: da mẩn đỏ, ngứa ngáy |
Ngộ độc thực phẩm
Hệ tiêu hóa của trẻ em chưa phát triển hoàn thiện nên khi đi chơi cùng gia đình, bé cũng hay gặp hiện tượng ngộ độc thực phẩm nếu không may ăn phải những thực phẩm nhiễm vi sinh, thực phẩm độc hại có chứa phẩm màu, hoá chất... Các triệu chứng nhận biết khi trẻ bị ngộ độc: buồn nôn, nôn ói, đau bụng và tiêu chảy. Khi trẻ có những dấu hiệu này, bố mẹ phải ngừng không cho trẻ ăn món đó nữa. Bên cạnh đó, bạn cũng cần khẩn trương gây nôn cho trẻ, càng nhiều càng tốt để tống thức ăn ra ngoài. Nếu trẻ không nôn phải đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để thăm khám.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, khi đưa trẻ đi chơi cùng, bố mẹ nên chú ý đến việc ăn uống của con. Hạn chế cho trẻ ăn nhiều đồ ăn lạ cũng như tuyệt đối không cho trẻ ăn đồ ăn sống, thậm chí là tái.
Nguy cơ đuối nước
Đuối nước là một trong những nguy cơ lớn thường gặp ở trẻ trong mùa du lịch, đặc biệt là khi đi du lịch biển hay về những miền sông nước. Để phòng chống đuối nước ở trẻ, việc đầu tiên quan trọng nhất đó là dạy trẻ biết bơi và cách xử lý nhưng tình huống gặp phải khi bơi.
Với những trẻ không biết bơi, áo phao chắc chắn phải là vật bất ly thân. Với những trẻ biết bơi và đã đủ lớn, bạn nên dạy con cách nhận diện dòng nước xoáy tử thần (dòng chảy rút xa bờ, có thể cuốn trẻ ra xa). Theo đó, dòng nước này thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1–3 m có màu sẫm hơn xung quanh vì nơi đó nước sâu hơn các chỗ khác. Nếu chia mặt biển thành 2 phần trái, phải thì dòng nước này nằm ở giữa, phẳng lặng hơn, sóng nhỏ hơn, thậm chí là không có sóng.
Khi chẳng may rơi vào dòng nước, bạn cần lưu ý trẻ phải thật bình tĩnh, không nên bơi ngược dòng, vì dễ kiệt sức. Thông thường, nước xoáy tử thần sẽ cuốn trẻ ra xa khoảng 30-50m rồi dừng lại. Lúc này, trẻ mới nên tìm cách bơi vào bờ hoặc thả nổi mình trôi theo dòng, tìm sự giúp đỡ của những người xung quanh.
Nhận biết dòng nước rút xa bờ |
Lạc giữa “dòng đời”
Hiếu động là đặc tính của trẻ nhỏ. Chúng rất thích chạy nhảy, đùa nghịch khiến bố mẹ không thể kiểm soát được. Do đó, khi đến một nơi lạ, nơi có nhiều người, bố mẹ cần thiết phải để mắt đến con và chắc chắn bé luôn nằm trong tầm mắt.
Bên cạnh đó, trước mỗi chuyến đi, bố mẹ hãy trang bị cho con những kỹ năng cần thiết như: nhớ số điện thoại và tên của bố mẹ; nhận diện những đối tượng có thể nhờ giúp đỡ như bảo vệ, cảnh sát…; không được đi theo người lạ hoặc đơn giản là dạy còn biết đứng tại điểm bị lạc, không chạy linh tinh tìm kiếm bố mẹ vì dễ để mất dấu hơn…
Trong trường hợp không may bị lạc mất con, bố mẹ hãy gọi tên con thật to trước khi đi tìm, sau đó hãy nhờ sự trợ giúp của người có trách nhiệm ở khu công cộng như bảo vệ, công an… Lưu giữ ảnh con trong ví hay trong điện thoại có thể giúp bố mẹ trong trường hợp bị lạc mất con. Hãy cho những người xung quanh, lực lượng chức năng xem ảnh con bạn và nhờ sự giúp đỡ từ họ.
Thay đổi tâm lý
Trẻ nhỏ thường nhanh chán, do đó, để con hứng thú trong suốt chuyến đi, bố mẹ nên bày tỏ sự quan tâm, yêu thương và chăm sóc bé. Mẹ nên giới thiệu những điều mới lạ xung quanh để bé có cơ hội học hỏi và trải nghiệm. Đặc biệt, khi con phạm lỗi bạn không nên trách mắng nặng lời chỉ nên dạy bảo nhẹ nhàng để con tận hưởng kỳ nghỉ với tâm lý thoải mái.
Ngoài ra, do sự thay đổi về môi trường sống, bé có thể gặp phải những tâm lý như hoảng sợ, tức giận,… Lúc này, bố mẹ hãy bên cạnh con, an ủi và nói chuyện để giảm bớt lo lắng, sợ hãi.
Tâm lý trẻ dễ thay đổi nên bố mẹ cần quan tâm con |
Đi du lịch cùng trẻ là một điều thú vị và tốt cho cả bố mẹ và con. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc bố mẹ có thể phải gánh thêm một vài điều rắc rối và phiền phức. Đừng lo lắng! Chỉ cần nắm được vài lưu ý nhỏ nhỏ như trên là bố mẹ có thể yên tậm tận hưởng chuyến du lịch vui vẻ cùng con rồi.