Trang CN Traveler vừa thống kê một danh sách về các quốc gia trên thế giới có cách hành xử giữa người với người đầy tính nhân văn , mọi người sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi. Và điều đáng quý ở đây là những hành xử đẹp này đã trở thành truyền thống, phong tục của người dân nước đó.
Ở Naples, Italy truyền thống uống một trả tiền hai có từ một trăm năm trước tại quán cà phê thuộc tầng lớp người lao động: một người khi gọi một cốc cà phê sẽ trả tiền gấp đôi. Hành động này nhằm giúp đỡ người đến sau - những người không có tiền nhưng vẫn được uống miễn phí. Người nhận và người cho không bao giờ gặp nhau, nhưng họ đều cảm thấy hài lòng, nhất là khi cà phê là một thức uống quan trọng đối với người dân. Trong cuộc khủng hoảng ở châu Âu vào năm trước, hành động này không những được lan tỏa khắp Italy mà còn cả châu Âu.
Senbetsu là phong tục tặng quà cho người chuẩn bị đi du lịch hay đi xa ở Nhật. Đây cũng là món quà tạm biệt mọi người tặng nhau khi ai đó chuẩn bị chuyển nhà, nghỉ việc. Hành động này có ý nghĩa rằng chặng đường tiếp theo sẽ khó khăn, nên sự giúp đỡ, lời chúc may mắn được gửi gắm qua món quà là biểu hiện của lòng tốt mà mọi người dành cho nhau.
Trong ngày lễ Purim - lễ hội tưởng nhớ việc giải thoát dân Do Thái gốc Iran khỏi bị truy sát của Haman - mọi người thường gửi tặng nhau thực phẩm, đồ uống và làm việc từ thiện giúp người nghèo. Hành động này nhằm đảm bảo rằng bất kỳ ai cũng có đầy đủ đồ ăn trong suốt lễ hội.
Số lượng nhà sư chiếm 1% dân số Myanmar. Họ sống chủ yếu nhờ vào tiền và thức ăn từ thiện. Và họ cũng luôn sẵn sàng chia sẻ đồ ăn họ nhận được với người nghèo. Vì lý do này Myanmar được mệnh danh là đất nước hào phóng nhất thế giới.
Khách bộ hành dọc theo con đường nổi tiếng Camino de Santiago ở Tây Ban Nha đều được gọi là những người hành hương - vì đây là một truyền thống tôn giáo của người dân. Dọc con đường dài 800 km này người dân bản địa thường cho người hành hương ở nhờ nhà hoặc lấy với giá cực thấp, cung cấp nước sạch hay tặng rượu miễn phí cho họ. Đây là một trong những truyền thống được thế giới ca ngợi là "vô cùng tử tế" của người dân xứ bò tót.
Ubuntu là triết lý được nhiều người dân Nam Phi, Malawi, Zimbabwe biết đến từ giữa thế kỷ 19 và tôn thờ, rằng con người sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi đối xử tốt đẹp với người khác, và chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn nếu đoàn kết. Đó là lý do du khách đến đây thường được người dân đối xử rất nồng hậu và hào phóng. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dùng từ Ubuntu để nói về nhân cách lớn của Nelson Mandela: bao dung, nhân hậu và luôn dành tình yêu cho mọi người - thậm chí với những kẻ từng tệ bạc với ông.