Cái tên “ tam giác mạch” chẳng hề gợi tả vẻ đẹp của một loài hoa, người ta bảo hoa hồng trắng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch quý nên thành tên gọi. Có người lại nói cây được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch”. Còn theo cách gọi của người Mông, tam giác mạch còn có tên gọi khác là “Chez”. Vào đầu tháng 8, sau mùa lúa nương thu hoạch, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt tam giác mạch cho đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch. Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Nếu để cây ra hoa, kết quả và thành hạt, khi thu hoạch có thể xay thành bột làm lương thực. Người dân bản địa thường trồng cây để lấy hạt tam giác mạch, trước đây người ta hay làm bánh hoặc dùng hạt trộn với hạt ngô để nấu rượu tạo nên hương vị khá đặc biệt.
Thời điểm mùa Tam giác mạch, "mời gọi" rất nhiều du khách, các bạn trẻ va tay săn ảnh |
Hà Giang mùa nào cũng đẹp say đắm, mỗi mùa một vẻ đẹp khác nhau. Nên dù đã đến Hà Giang nhiều lần, vào mùa hoa mơ, hoa mận nở trắng trời hay mùa lúa chín khoe sắc vàng óng ả, tam giác mạch bung nở trắng hồng cả cao nguyên, người ta vẫn muốn đến nơi này thêm lần nữa, lần nữa. Để đứng trên những con đèo ngắm, những ngôi nhà mái lá lụp xụp thưa thớt lưng chừng núi,những nương hoa lấp lánh trong nắng . Và để ngà ngà say trong men rượu tam giác mạch, say nụ cười của người con gái vùng cao để thấy cuộc sống chậm rãi và lặng lẽ…đã làm nên những điều ý nghĩa trong mỗi chuyến đi…
Đi vào thời gian nào?
Năm nay, tam giác mạch được gieo trồng khá sớm, cuối tháng 9 hoa đã bắt đầu nở trắng nên khoảng gần giữa tháng 10, đầu tháng 11 sẽ rở rộ. Bạn nên lên kế hoạch đi vào khoảng thời gian này để vào mùa hoa đẹp nhất.
Đi lại
+ Đi bằng xe máy : Từ Hà Nội đến thành phố Hà Giang (khoảng 320km) có thể đi theo hai đường : Hà Nội – Vĩnh Yên – Quốc lộ 2C – Sơn Dương – Tuyên Quang – Hà Giang (cung này ngắn hơn khoảng 20km) hoặc Hà Nội – Vĩnh Yên – Việt Trì – Đoan Hùng – Tuyên Quang – Hà Giang .
+ Đi bằng ô tô: Có thể đi xe từ bến xe Mỹ Đình (cách vài tiếng lại có một chuyến) đến thành phố Hà Giang hoặc đi thẳng đến Đồng Văn (giá khoảng 220.000 - 250.000/khách). Sau đó bạn có thể thuê xe máy để khám phá Hà Giang.
Nghỉ ngơi
Bạn nên đặt phòng trước nếu muốn đến Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch phòng trường hợp cháy phòng. Có rất nhiều khách sạn,nhà nghỉ ở Đồng Văn cho bạn lựa chọn: Khách sạn Cao Nguyên Đá, nhà nghỉ Khải Hoàn, nhà nghỉ Hoàng Ngọc… Nếu thích trải nghiệm, bạn có thể homestay, nghĩa là ở nhà dân, để khám phá cuộc sống của người dân bản địa.
Ẩm thực
Đến Hà Giang hãy thưởng thức những món ăn nổi tiếng như thịt trâu gác bếp, lợn cắp nách nướng, lạp xưởng xào và các loại rượu ngô, rượu men, rượu lá..Ngoài ra bạn không nên bỏ qua những món ăn của người dân tộc như, mèn mén, cháo ấu tẩu, thắng cố, canh đậu chua… Những món ăn này có thể không hợp khẩu vị người xuôi, hơi khó ăn nhưng rất đáng để thử.
Địa điểm ngắm hoa và dừng chân+ Sủng Là: hướng từ Yên Minh đi Đồng Văn, nằm trên ngã 3 ra Phó Bảng. Đây là thung lũng nằm gọn trong lòng Đồng Văn,“đóa hoa hồng” của cao nguyên đá, được chọn làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”. Sủng Là cũng là một trong những điểm trồng nhiều hoa Tam Giác Mạch
+ Phó Bảng: Là thị trấn biên giới, cách đường Sủng Là chừng 10km. Phó Bảng làm người ta nhớ bởi những căn nhà trình tường đẹp như trong truyện cổ. Chợ Phó Bảng họp mỗi tuần một lần, vốn là một phiên chợ lùi, (nếu tuần này họp thứ 7 thì tuần tới sẽ họp vào thứ 6, tuần tới nữa sẽ họp vào thứ 5).
+ Cột cờ Lũng Cú: Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng, đây được coi là điểm đánh dấu cực bắc của việt nam . Có 2 đường lên Lũng Cú, một là từ dinh họ Vương rẽ lên, hoặc đường thứ 2 từ Đồng Văn qua Ma Lé đi lên.
+ Chợ Đồng Văn & khu nhà cổ: Chợ Đồng Văn trước kia nằm ở khu nhà cổ với kiến trúc hết sức độc đáo.
+ Đèo Mã Pí Lèng: Nằm trên đường Hạnh Phúc nối Đồng Văn với Mèo Vạc, đi trên đèo nhìn bên dưới dòng sông Nho Quế chỉ như một con suối nhỏ. Đây là một trong những điểm đẹp nhất ở Hà Giang.
Tạ Thúy - Ảnh: Trung Thi