Châu Á từ lâu được nhiều người biết tới vì nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Một trong số đó là trang phục truyền thống. Dưới đây là trang phục truyền thống ấn tượng và đầy tinh tế của một số quốc gia châu Á.
Áo dài, Việt Nam
áo dài là trang phục truyền thống dành cho mọi lứa tuổi ở việt nam . Trước đây cả nam và nữ đều mặc nhưng ngày nay hình ảnh người phụ nữ nền nã trong tà áo dài được thấy nhiều hơn.
Áo dài tôn lên vẻ đẹp dịu dàng và quyến rũ của người phụ nữ. Ảnh: Cao Anh Tuấn. |
Với người Việt, áo dài là trang phục kín đáo nhưng đầy sự quyến rũ. Loại trang phục này được sử dụng nhiều nhất trong các dịp lễ trang trọng như ăn hỏi, cưới xin, tốt nghiệp... Chính vì sự đơn giản, không cầu kỳ mà một số trường học hay công ty, áo dài còn được quy định làm đồng phục.
Áo dài gồm hai phần riêng biệt là quần lụa hay vải mềm và phần áo cổ cao với tà dài. Tùy vào sự sáng tạo cũng như sở thích của người mặc mà áo dài có nhiều cách tân. Ví dụ như tà áo được may làm hai lớp, cổ áo được thiết kế tròn, vải may áo đính thêm kim sa hoặc pha lê... Tuy nhiên, về cơ bản tất cả đều tạo được sự duyên dáng và nhẹ nhàng cho người mặc.
Hanbok, Hàn Quốc
Trang phục truyền thống của người dân xứ kim chi chính là hanbok. Đây là loại trang phục được cả nam và nữ sử dụng. Màu sắc của hanbok chủ yếu là màu trắng tượng trưng cho sự trong sáng, lòng chính trực và các màu đỏ, vàng, xanh, đen đại diện cho năm thành tố trong vũ trụ là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Hanbok cho trẻ nhỏ được sử dụng những gam màu tươi sáng. Ảnh: farsicknessblog. |
Về cơ bản, hanbok của phụ nữ gồm áo khoác ngoài (jeogori) và váy dài (chima), hanbok của nam giới gồm áo khoác ngoài và quần ống rộng có túi (baji). Phần áo khoác ngoài được cả nam và nữ sử dụng gồm gil (phần lớn nhất của chiếc áo), git là dải lụa trang trí cho cổ áo, dongjeong là phần cổ áo màu trắng và goreum là sợi thắt lưng.
Hanbok được phân loại thành trang phục mặc hàng ngày, lễ phục và trang phục đặc biệt. Lễ phục được chia thành lễ phục trong dịp lễ tết, sinh nhật, lễ cưới hoặc lễ tang. Tuy nhiên dù là loại nào thì hanbok vẫn mang lại cho người mặc sự cân đối, hài hòa và tinh tế.
Kimono, Nhật Bản
Trong tiếng nhật kimono có nghĩa là hòa phục nghĩa, là danh từ chỉ quần áo để mặc nói chung. Tuy nhiên ngày nay, kimono đã trở thành cái tên chỉ trang phục truyền thống của nhật bản được nhiều người biết tới.
Một trong những thiết kế đơn giản nhất của kimono là yukata. Ảnh: Vũ Việt Vương. |
Trước đây, kimono được cả nam và nữ sử dụng hàng ngày. Nhưng ngày nay thường chỉ có nữ giới sử dụng như nghi phục chính thức còn nam giới chỉ thấy trong các đám cưới hoặc dịp lễ truyền thống khác.
Về cấu tạo, áo kimono gồm có 4 mảnh chính là hai mảnh thân áo, 2 mảnh tay áo và các mảnh nhỏ tạo cổ và miếng lót hẹp. Ngoài ra còn có các phụ kiện đi kèm như thắt lưng (obi), dây cột, áo lót... Chính vì thiết kế cầu kỳ như vậy mà kimono có cách mặc phức tạp và được bán với giá khá cao.
Xường xám, Trung Quốc
Gợi cảm nhất trong số các trang phục truyền thống ở châu Á là xường xám của Trung Quốc. Đây là bộ trang phục khá kén người mặc và chỉ dành cho những người phụ nữ có thân hình chuẩn và đôi chân dài.
Xường xám hiện đại được in màu để tạo sự bắt mắt. Ảnh: modernqipao. |
Xường xám là loại váy áo liền thân. Đây là thiết kế có sự giao thoa của văn hóa Trung Quốc và phương Tây. Phần áo trên có cổ dựng ôm sát thân cùng hàng cúc chéo sang một bên và phần dưới là hai tà xẻ cao tới đùi tạo sự thướt tha và nữ tính cho người mặc. Để tạo điểm nhấn, mỗi bộ xường xám được thêu các họa tiết bằng chỉ ngũ sắc. Thông thường chất liệu may là tơ lụa để tạo sự mềm mại, các đường viền tay, gấu, tào áo cũng được làm nổi bất.
Ngày nay, xường xám đã có nhiều cách tân hơn như tay áo lúc hẹp lúc loe, vạt dài hay ngắn và cổ có thể cao hoặc thấp tùy theo sở thích cá nhân. Người dân cũng không chỉ mặc trang phục này trong các dịp lễ hội mà còn sử dụng trong ngày thường.
Kebaya, Indonesia
Mặc dù là trang phục truyền thống của indonesia nhưng cái tên kebaya lại khởi nguồn từ Ả Rập có nghĩa là trang phục.
Kebaya được mặc cùng váy kain, một dải vải gồm nhiều nếp xếp li quấn quanh cơ thể từ eo xuống dưới. Ảnh: tuneeca. |
Kebaya là một chiếc áo ôm sát cơ thể với phần cổ áo mở rộng, tay dài. Chất liệu may là tơ lụa hay cotton mỏng và được trang trí bằng những họa tiết hoa lá. Trước đây kebaya truyền thống gồm một dài vải choàng làm từ batik, là loại vải được nhuộm sáp hay in hoa văn bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên ngày nay trang phục này đã có nhiều cách điệu để phù hợp hơn với xu thế hiện đại.
Với người phụ nữ sắp lập gia đình thì đây là trang phục cưới mang đầy sự quyền lực và được coi là cả một kiệt tác nghệ thuật. Vì nó không chỉ mang biểu tượng lịch sử và văn hóa quốc gia mà còn là phong cách thời trang sang trọng.
Sari, Ấn Độ
Trong số các trang phục truyền thống tại châu Á thì sari là cái tên mang đầy sự bí ẩn, Trang phục này được được phụ nữ Ấn rất ưa chuộng.
Sari có nhiều cách quấn khác nhau, đơn giản nhất là quấn sari quanh eo và vắt qua vai. Ảnh: mirraw. |
Thiết kế của sari gồm một mảnh vải dài có kích thước dao động từ 4 - 9m, có khi dài tới 12 m dùng để quấn quanh cơ thể theo nhiều cách khác nhau. Màu sắc và thiết kế lại tùy theo từng vùng và người mặc. Nếu là người phụ nữ có địa vị thì sari thường có màu xanh lá cây hoặc da trời, phụ nữ mang bầu thì sari có màu vàng... Không chỉ vậy tùy vào hoàn cảnh mà sari sẽ được sử dụng sao cho hợp lý. Ví dụ phụ nữ góa chồng thường mặc sari đơn giản màu trắng và không có trang sức hay cô dâu sẽ mặc sari màu đỏ...
Ngày nay, sari ít được sử dụng thường xuyên mà chỉ được dùng trong những nghi lễ quan trọng. Tuy nhiên ở nông thôn thì sari vẫn là trang phục chủ yếu.
Diệu Huyền