728 x 90

Nhìn du lịch của Campuchia mà ngẫm đến ta

Nhìn du lịch của Campuchia mà ngẫm đến ta
Nếu so sánh về tài nguyên du lịch của Campuchia thì đất nước này không có nhiều lợi thế hơn nước ta. Việt Nam có bờ biển dài với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ cùng vô số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa...Trong khi đó, du lịch Campuchia chỉ tập trung chủ yếu vào 5 tỉnh thành chính gồm thủ đô Phnom Penh, Siem Riep, Ratanakiri, thành phố biển Sihanoukville và Palin. Vậy đâu là lý do khiến lượng khách du lịch tại Campuchia ngày càng gia tăng?
CanhDep.net
Không chỉ thua về năng lực cạnh tranh, trình độ sản xuất…mà du lịch Việt Nam cũng bị Campuchia “vượt mặt”.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Du lịch campuchia cho thấy, năm 2014, chỉ với 15 triệu dân nhưng đất nước này đã đón 4,5 triệu khách quốc tế. Nếu tính theo đầu dân số thì tỉ lệ là 3,3/1, tức 3 người Campuchia sẽ đón 1 khách du lịch. Trong khi đó, tỉ lệ này ở Việt Nam là 11,6/1 khi nước ta có 91 triệu dân và có 7,9 triệu khách.
Không những vậy, theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính chung 4 tháng đầu năm 2015, lượng khách du lịch đến Việt Nam đã giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2014 với 2.698.324 lượt.
“Đây là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay. Nếu chúng ta không kịp thời đưa ra những giải pháp cấp bách thì cơ hội phục hồi tăng trưởng sẽ vuột khỏi tầm tay. Sự sụt giảm này sẽ kéo theo sự "giảm phát" nghiêm trọng của du lịch Việt Nam những năm sau này”, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết tại hội thảo “Những giải pháp cấp bách thúc đẩy du lịch Việt Nam” đã diễn ra vào ngày 25/5/2015.
Nhìn du lịch của campuchia mà ngẫm đến ta
Nếu so sánh về tài nguyên du lịch, Campuchia không có nhiều lợi thế bằng Việt Nam, song đất nước này lại có ngành du lịch rất phát triển. Ảnh: Nguyên Trương
Nếu so sánh về tài nguyên du lịch của Campuchia thì đất nước này không có nhiều lợi thế hơn nước ta. Việt Nam có bờ biển dài với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ cùng vô số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa...Trong khi đó, du lịch Campuchia chỉ tập trung chủ yếu vào 5 tỉnh thành chính gồm thủ đô Phnom Penh, Siem Riep, Ratanakiri, thành phố biển Sihanoukville và Palin.
Vậy đâu là lý do khiến lượng khách du lịch tại Campuchia ngày càng gia tăng?
Định hướng rõ ràng
Ngay từ khi bắt tay vào phát triển, Chính phủ Campuchia đã xác định rõ mục tiêu phấn đấu của ngành du lịch nước này là di tích lịch sử - văn hóa và du lịch sinh thái là trọng điểm. Do đó, ngay từ đầu Campuchia đã có những chính sách bảo tồn tích cực các di tích lịch sử và sinh thái sẵn có. Quần thể Angkor, đền thờ Preah Vihear, dòng sông ngàn Linga, các cố đô Sambor Prei Kuk, biển Campuchia… tất cả đều hoang sơ, dân dã nhưng khách vẫn nườm nượp.
Nhìn du lịch của campuchia mà ngẫm đến ta
Khách du lịch tham quan tại đền angkor Wat. Ảnh: Nguyên Trương
Trong khi đó, du lịch Việt Nam lại chỉ chú trọng khai thác thiên nhiên mà thiếu định hướng chiến lược phát triển cũng như đầu tư một cách bài bản cho du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng, thế nhưng hiện tại vẫn chưa có được một sân khấu, nhà hát biểu diễn nghệ thuật dân tộc nào đủ tầm mức để giới thiệu đến du khách quốc tế, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Ngoài ra, chính sách thị thực của Việt Nam cũng còn quá “khắt khe” so với Campuchia. Tổ chức Du lịch Thế giới coi việc miễn thị thực (visa) là biện pháp hàng đầu thu hút du khách. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia có chính sách visa du lịch “ khó khăn” nhấ trên thế giới. Ngoại trừ 9 nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện mới chỉ miễn visa cho công dân 7 quốc gia.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng chính sách visa của Việt Nam không thể so sánh với Lào và Campuchia… bởi chúng ta còn lạc hậu hơn nước bạn.
Người dân thân thiện
Tại Việt Nam, tình trạng xe ôm, xe taxi “chặt chém” tiền vận chuyển, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp giật, hàng rong chèo kéo du khách nước ngoài… liên tục xảy ra. Hiện tượng này đã gây nhiều bức xúc cho du khách cũng như tạo hình ảnh chẳng mấy đẹp mắt trong du khách quốc tế.
Đơn cử, năm 2013, tại Hà Nội, một du khách người Australia đã bị “chặt đẹp” 1,3 triệu đồng cho 5 km di chuyển bằng… xích lô, trong khi giá thống nhất ban đầu là 70.000 đồng. Sau khi vụ việc xảy ra, đại diện ngành du lịch đã đến xin lỗi và hoàn trả lại số tiền trên cho du khách này và hy vọng họ sẽ quay trở lại Việt Nam một lần nữa.
Còn với Campuchia, đất nước này để lại cho du khách những cái nhìn thiện cảm về con người cũng như cách họ làm du lịch.
Nhìn du lịch của campuchia mà ngẫm đến ta
Người dân Campuchia rất thân thiện và không có tình trạng "chặt chém" du khách như tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Trương
Người dân Campuchia rất thân thiện và cởi mở với khách du lịch nước ngoài. Đi bất cứ nơi đâu du khách đều gặp nụ cười nở trên môi người bản xứ dù quen hay lạ, dù họ đang mời chào bán hàng hay đơn giản chỉ là gặp gỡ nhau đối diện. Họ luôn niềm nở nói chuyện, cười tươi và sẵn sàng chụp ảnh nếu du khách muốn.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà trang Conde Nast Traveler nổi tiếng từng chọn thành phố Siem Reap, Campuchia vào top 10 thành phố có người dân thân thiện nhất thế giới.
Tại các quán ăn, bán hàng ở Campuchia, rất hiếm gặp trường hợp cò mồi chèo kéo khách du lịch đến hàng quán của mình. Khách dừng ở quán nào thì cứ thoải mái đi vào ăn uống và mua sắm ở chỗ đó. Khi vào cửa hàng, dù mua hay chỉ xem giá thì người bán đều vui vẻ phục vụ, khách có từ chối thì họ cũng vui vẻ... tiễn khách.
Làm du lịch: Không ồn ào, nhưng... "thấm"!
Một ví dụ về cách làm du lịch. Ở Việt Nam, khi đến một di tích lịch sử thì theo đó sẽ có một hướng dẫn viên “thao thao bất tuyệt” thuyết minh, giải thích. Sau khi kết thúc chuyến tham quan đó, các kiến thức mà hướng dẫn viên cũng cấp cũng “theo gió thổi bay”.
Thế nhưng ở Campuchia lại khác. Những người làm du lịch tại đây không ồn ào, không phô trương mà để cho du khách tự trải nghiệm. Đơn cử, tại cánh đồng chết , thay vì dùng hướng dẫn viên thì những người làm du lịch tại đây sẽ phát cho một du khách một chiếc tai nghe có thu sẵn ngôn ngữ của quốc gia đó.
Nhìn du lịch của campuchia mà ngẫm đến ta
Tại các di tích lịch sử, Campuchia để cho du khách tự trải nghiệm thay vì sử dụng hướng dẫn viên. Không ồn ào và phô trương nhưng lại để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách. Hình được chụp tại Nhà tù S21, Phnom Penh. Ảnh: Nguyên Trương
Tới một địa điểm, du khách sẽ tự mình bấm nút tương ứng với lịch sử tại đó và tự mình trải nghiệm. Như trong quá trình tham quan Cánh đồng chết, nếu như du khách cần suy ngẫm thì có thể ngồi xuống chiếc ghế đã đặt sẵn với sự hướng dẫn trong bản thu âm có sẵn. Sau khi kết thúc chuyến tham quan, trên khóe mắt mỗi du khách đều cay cay.
Nhìn du lịch của campuchia mà ngẫm đến ta
Sau trải nghiệm, trên khóe mắt du khách đều cay cay. Hình được chụp tại Cánh đồng chết, Phnom Penh. Ảnh: Nguyên Trương
 Về cách làm du lịch, Việt Nam cần phải học hỏi Campuchia rất nhiều!
Phan Diệu