Có một buổi trưa hè nằm dưới hiên nhà lợp lá dừa nước, nghe gió từ sông Tiền lồng lộng thổi về. Tiếng tắc ráng ì ì, xa rồi gần, gần lại xa, rồi chìm dần trong gió ạt ào. Ngôi nhà lá đơn sơ nằm giữa vườn chôm chôm trĩu quả, bên bờ sông, là nơi chúng tôi trú ngụ trong những ngày đi khảo sát dự án cầu đường tại Tiền Giang. Những người bạn Đức, “cắc cớ” từ chối ngủ khách sạn mà đòi nếm mùi miệt vườn mà tôi “trót” quảng cáo. Ban ngày làm việc với địa phương, khảo sát thực địa những con đường lầy lội của mùa mưa, ngoằn nghèo xuyên qua những vườn cây ăn trái đang vào mùa thu hoạch. Nhãn, chôm chôm, chanh... bán rẻ như cho. Đi ngang qua lò sấy nhãn, mùi mật ngọt ngào quyện theo những bước chân. Đường xuyên qua rạch, rạch cắt ngang đường. Cỏ cây và nước men theo đường như nhà men theo phố Sài gòn. Chỉ khác, nơi đây không xe không còi, không người bịt mặt; chỉ có dừa, có ghe và nón lá chao nghiêng. Buổi trưa trốn nắng dưới bóng lá dừa, nằm trên ghế bố hay bộ ván ngựa đã lên nước bóng loáng, buổi tối nằm nghe hương chanh, hương lài, lẫn trong tiếng cải lương, tiếng côn trùng rả rích, chợt thấy phố thị vời vợi xa.
Và trong đầu vẫn là câu hỏi xưa cũ vấn vương: Thế nào là bản sắc Nam bộ? Đâu là bản sắc Việt Nam?
Ngày còn chưa sống ở miền Nam, có vận dụng mọi trí tưởng tượng cũng không thể hiểu được tại sao lại có tên gọi mùa nước nổi, càng không thể thấm được câu " chim trời, cá nước". Cũng chẳng thể hiểu tại sao người ta luôn nói: Người Nam Bộ hào sảng. Sống ở miền Nam rồi, cũng có mấy ai quan tâm tới khi nào con nước lên, khi nào con nước rút. Xa tít tắp tận đâu đó trong miệt bưng biền, có nghe nói thì cũng thoáng qua, có đọc thì cũng chỉ là ghé con mắt mà cái đầu bay tận đâu đâu. Lo cái bản thân đã quá mệt, tính chi ba cái "bản sắc"?
Vậy rồi mà không biết từ bao giờ, cứ tới tháng Tám, tháng Chín dương lịch, là lại thấy nhấp nhổm không yên. Những giấc mơ trắng bay về như những cánh cò Tràm chim, Gáo Giồng, đôi khi lại vàng màu điên điển như hổn bướm mơ tiên dập dờn trong nước và gió. Những gốc tràm xám màu cổ thụ xù xì Xẻo quýt hay những cánh đồng mênh mông nước vùng Châu đốc, Tịnh Biên (An Giang) dọc theo biên giới Campuchia, ngập màu trắng, màu hồng của bông súng ma, súng cơm, lại tràn về trong ký ức. Có cơn gió nào thổi qua những giấc mơ như trảng cỏ mênh mông trong nước? mùa nước nổi cũng là mùa len trâu, mùa đưa những người bạn nhà nông về nơi khô ráo có cỏ non xanh mướt. Mà ngày nay có mấy người còn len trâu?
Còn nhớ mùa nước nổi năm nào, chúng tôi về huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng tháp. Xe như trôi đi trong một biển nước mênh mông. Không còn thấy đường, họa chăng chỉ là những hàng tràm bông vàng chạy dọc theo nơi từng-được-gọi- là- đường và những gốc xám trắng xa xa trên những nơi-từng-là-cánh-đồng. Nhà trên nước và cây trong nước. Có một mùa nước nổi đã tràn về, mang cá tôm thả đầy trên đường. Gần tới Gáo Giồng là những con đường lầy lội phủ đầy lá, những triền sông một màu hồng rực rỡ, mịn màng, khi thấy tận mắt mới tin. Không gian không còn mùi gì khác ngoài mùi trong trẻo của nước, mùi khen khét của cá nướng trui từ mái nhà xiêu vẹo bên đưòng, mùi thơm ngan ngát của lá tràm, lá sen, mùi của những trảng cỏ, và mùi của ráng đỏ hoàng hôn đang về trên mặt nước. Sau bữa tối với canh chua cá linh, hến xào bông điên điển xúc bánh tráng, cá lóc nướng lụi cuốn đọt sen và cơm trắng bọc trong lá sen già thơm ngát, chúng tôi qua đêm trên một chiếc chòi được cất nhô lên khỏi mặt nước bằng những thân cây tràm còn thơm mùi lá và đậm mùi bùn. Không thể diễn tả được cảm giác đó. Cảm giác bay lượn, cảm giác bồng bềnh, cảm giác được lửng lơ giữa không trung, cảm giác được tự do. Trên là bầu trời đêm thăm thẵm, dưới là biển nước mênh mông.
Những đêm trên vùng sâu Tháp Mười năm ấy với tôi là những đêm không ngủ. Nằm nghe tiếng nước vỗ ì ầm trong mỗi cơn gió mà không thấy sợ hãi như khi đứng trước biển đêm. Nằm nghe tiếng con gà nước lội lóc chóc kiếm ăn khi tang tảng sáng mà thấy như nó đang kiếm mình. Nằm nghe tiếng cá quẫy bóc bóc ngay bên dưới chòi, nghe tiếng muôn vàn loài côn trùng nỉ non trong một bài hoan ca bất diệt. Nằm nghe tiếng đàn cò ai đó đang chơi ở chòi bên, tiếng đàn vang xa, da diết mãi trên mặt nước mênh mông. Để rồi thiếp đi trong tất cả những âm thanh định dạng và không định dạng được của thiên nhiên và đất trời. Rồi tỉnh dậy, xuống chiếc đò nhỏ, chèo đò đi đón mặt trời, ngay khi vầng thái dương ngái ngủ đang vừa nhô lên từ mặt nước. Có khi nào bạn có được cảm giác mặt trời đang mọc dưới chân mình? Từng giây một, ánh hừng đông lan tỏa thật nhẹ, thật khẽ khàng, đánh thức từng lá cây ngọn cỏ, vuốt ve từng sợi dây cảm xúc trong bạn, choàng lên bạn một chiếc áo vàng điểm những giọt nước bạc long lanh. Đề rồi, bạn sẽ đắm mình trong một bầu không khí không thể tinh khiết và trong lành hơn, cảm thấy thật minh mẫn, thật sảng khoái như chưa từng. Cảm thấy như vừa được sinh ra một lần nữa.
Đến miền tây mùa nước nổi, bạn nên xin đi theo xuồng đánh cá linh. Người ta nói cái tên của cá này có xuất xứ từ thời Nguyển Ánh. Khi đoàn quân lên thuyền chuẩn bị ra trận, có mấy con cá nhỏ, trắng như bạc, nhảy lên thuyền. Chiến thắng trở về, nhà vua đã ban tên Linh cho cá. Không biết truyền thuyết có đúng không, nhưng tôi lại thích cá linh vì một lý do khác. Con cá linh sống thành đàn, và chỉ có thể sống trong dòng nước chảy. Ở nơi nước tù đọng, cá sẽ chết ngay lập tức. Có một điều gì đó thật huyền bí, thật đặc biệt ở những đàn cá linh, nhất là khi bạn được nhìn thấy cả đàn cá trắng lấp lánh trong những đêm trăng. Cùng với điên điển, bông súng, cá linh là đặc sản của miền Tây mùa nước nổi. Có hai loại: cá linh tròn và cá linh thìa. Người dân miền Tây chế ra đủ món đặc sản từ loại cá này: Canh chua cá linh nấu bông điên điển, bông súng và đậu rồng, mắm cá linh, cá linh nướng muối ớt, cá linh kho tộ, cá linh chiên me...Chỉ nghe thôi, cũng đã thấy ngạt ngào.
Đến với mùa nước nổi, bạn không chỉ được đắm mình vào một thiên nhiên kỳ bí khác hẳn với mùa thường. Có một nơi nhất định bạn phải tới, dù bạn đi tỉnh nào của miền Tây trong mùa này, dầu đó là Đồng Tháp, An Giang, Châu Đốc, Tiền Giang hay Vĩnh Long. Đó là những khu chợ. Lớn hay nhỏ, chổm hỗm ven đường, trên sông hay bên triền sông, chợ của mùa nước nổi miền Tây không nơi nào giống được.
Nước về mang theo bao phù sa cho cây đơm hoa kết trái, nước về cũng là mùa sinh sản của cá của tôm và các loài thủy sản. Dạo bước trong chợ giống như đang thưởng ngoạn một bức tranh đầy màu sắc. Rau quả và cây trái, vàng và xanh, đỏ và trắng, tím và nâu, lớp lớp phơi mình bên những sản vật có một không hai của mùa nước và miệt vườn miền Tây: cá linh, cá hú, lòng tong, tôm đồng, bông bí, đọt lang, su su, thiên lý, điên điển, sầu đâu... Những sạp trái cây đủ loại, tươi rói, luôn cuốn hút khách phương xa nhất. Người bán xởi lởi làm người mua thành phố vốn khó tính bỗng trở nên dễ dãi và xuề xòa hơn. Tự nhiên thấy mình gần quá với sông nước miền Tây. Thấy mình cũng “hào sảng“ giống người Nam bộ.
Miền Tây mùa nước nổi |
Những món "đặc sản" của chợ nổi vào mùa nước nổi ở phương Nam |
Giã từ miền Tây và hẹn mùa nước sang năm, để ngày một hiểu thêm, tại sao một năm có 3 tháng nước nổi trên dòng Mekong. Để hiểu thêm điều gì làm nên một bản sắc phương Nam.
Đặc biệt như đàn linh ngư lấp lánh bạc, sống trong dòng chảy muôn đời.
phương nam quê tôi có mùa nước nổi. Mùa của sự sống.
HS.Trần Thùy Linh - Ảnh: TL, Internet